Một hồn yêu chân thành
15:53', 4/12/ 2003 (GMT+7)

Nhà thơ Nguyễn Văn Chương quan niệm "Thơ là sự giãi bày, một chút tâm tình, tâm sự. Vì thế, thơ không nên cầu kỳ, rắc rối khó hiểu. Nếu thế, thơ làm sao có sự đồng cảm?". Hãy khoan bàn về quan điểm nghệ thuật, vả chăng chẳng thể bàn cho rốt ráo dù rằng nghệ thuật có đời sống riêng và có những quy ước chung. Với quan niệm trên, ít nhất, cá nhân mình, gần chục tập thơ đã xuất bản (không kể những tác phẩm viết cho thiếu nhi), anh thực sự trung thành với chính mình. Tôi từng thích các bài lục bát Ru bên Hồ Gươm, Tết mời vợ rượu của anh nên khi cầm trên tay Lục bát yêu*, tôi náo nức đọc. Công bằng mà nói, tập thơ lúc đầu có làm tôi thất vọng. Lục bát quá hiền lành, yêu cũng chả có gì mới. Đọc vài lần thì thấy hình như mình cực đoan: mỗi người có một cách yêu khác nhau còn lục bát, có người làm mới thể thơ này, có người làm cho nó cũ đến cổ điển, còn anh, không mới không cũ, đó là cách thể hiện của anh. Và tôi nghĩ anh cũng có cái lý của mình.

Tình yêu, chuyện xưa như trái đất vẫn cứ còn mới, chính cái bí ẩn của tình yêu khiến nó luôn tồn tại và là một đề tài không thể thiếu đối với văn nghệ sĩ. Người yêu mãnh liệt, đắm đuối, người điềm đạm chân thành, kẻ đam mê chinh phục… nào ai dám bảo tình nào hơn. Tình yêu trong thơ Nguyễn Văn Chương là thứ tình trong trẻo, lẳng lặng:

Nghìn năm mây trắng cứ trôi

Nghìn năm ta vẫn yêu người ta yêu

Dẫu lòng cay đắng bao nhiêu

Trái tim tươi tốt những điều khát mong

(Trái tim tươi tốt)

Bông hoa thắm nở in trời

Tôi trông như nét môi người tôi yêu

Bên đường vọng tiếng chim kêu

Tâm hồn tôi đọng rất nhiều âm thanh

(Tâm tình)

Chất lành hiền này trong tình yêu không tạo dấu ấn đặc biệt nhưng vẫn có sức thuyết phục. Sức thuyết phục trước hết ở tấm lòng. Với cuộc đời. Với con người. Anh tự nhủ:

Những gì chưa đẹp ý ta

Lòng vui cũng tặng nét hoa cho đời

Gắn liền rạn vỡ, cách vời

Hồn ra với mọi hồn người tri âm

(Với ngày đẹp nhất)

Có lúc anh cũng tha thiết và chấp nhận: "Mai sau dù đến muôn sau/ Em ơi đừng để mất nhau… dẫu rằng…". Có khi nghịch ngợm, tham lam: "Gặp em tôi chỉ ước điều nhỏ thôi/ Em là em của riêng tôi/ Và tôi là của… những người tôi yêu". Dám nói thẳng cái điều không sòng phẳng cũng thường là sự không sòng phẳng trong tình trường, nghĩ kỹ đâu phải là nghịch ngợm.

Có lẽ khía cạnh đáng lưu tâm nhất chuyện yêu của anh là những triết lý nhẹ nhàng trong thơ: "Nhật thực anh, nguyệt thực em/ Trái tim xâm thực đầy thêm nỗi buồn/ Phút giây qua… nhật nguyệt còn/ Cuộc đời khuyết nửa ăn mòn trái tim" (Khuyết). Hoặc: "Buồn nghe tiếng "chú" lặng thinh/ Lại khi gọi "bác" tim mình buốt thêm/ Ơ kìa em, dường như quên/ Tóc thơ đâu có bạc trên nhân tình?" (Trách)

Như đã nhắc ở trên, bài Tết mời vợ rượu là bài thơ hay, tình yêu chạm tới chuyện đời đến đau:

Thôi thì danh lợi mặc ai

Anh và em cứ là hai dân thường

Cứ thơ thẩn, cứ yêu thương

Quyền cao chức trọng ta nhường thế gian!

Tuy nhiên, không riêng tập thơ này, thơ Nguyễn Văn Chương ít bài khiến bạn đọc bật thốt lên vì "đã" và thán phục. Nghĩa là còn nhiều tầm tầm, nhiều đơn giản. Làm xúc động lòng người, dĩ nhiên, sự chân thành chưa đủ. Chuyện cảm động trong đời thì nhiều. Văn chương không nên cầu kỳ khó hiểu nhưng thiệt thà quá sẽ thành thứ văn chương "bình dân học vụ".

Xin khép lại bài viết bằng thơ anh:

Xin làm mưa xuân thấm lâu

Cùng giọt nắng ấm cho màu xanh cây

Trái tim thôi thúc đêm ngày

Hết mình làm việc, yêu say với người.

(Tâm tình)

L.H.L

* Đọc tập thơ "Lục bát yêu" (NXB Thanh niên, 2003) của Nguyễn Văn Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vẻ đẹp trong một bài ca dao Bình Định  (03/12/2003)
Bùa yêu  (02/12/2003)
Thơ viết về miền núi   (30/11/2003)
Đời như ý  (28/11/2003)
Vĩnh biệt nhạc sĩ Trần Hoàn  (27/11/2003)
Trần Hoàn - cánh chim phiêu bạt thời gian đã về cõi thiên thai  (26/11/2003)
Đọc lại Góc sân và khoảng trời  (25/11/2003)
Biểu tượng con cò - chim quyên với khát vọng tình yêu  (24/11/2003)
Ðiện thoại lúc nửa đêm   (23/11/2003)
Về hưu  (21/11/2003)
Tiếng thở dài của một người con gái  (20/11/2003)
Bài thơ thời con gái  (19/11/2003)
Lục bát mùa đông  (19/11/2003)
Kẻ sĩ đất thang mộc  (18/11/2003)
Thương nhớ đồng quê  (17/11/2003)