Hà Giao - Một cánh ong rừng
16:40', 11/12/ 2003 (GMT+7)

Hà Giao qua nét vẽ Viết Hiền.

Từ những năm sáu mươi, chúng tôi đã thấy cái tên Hà Giao xuất hiện trên báo Quyết Thắng (Bình Định) và trên báo Quân Giải Phóng Khu V... Hồi đó, đám học sinh chúng tôi hay tìm đọc các bài viết ấy, trước hết là ngưỡng mộ anh giải phóng quân mà Hà Giao lại thường viết về những tấm gương tiêu biểu của các Anh hùng Quân giải phóng miền Nam như Nguyễn Công Tòng, Võ Lai, Nguyễn Hữu Quang, Lê Văn Cao... Hà Giao ít mô tả từng trận đánh, cách đánh mà đi sâu khai thác nội tâm. Anh lý giải vì sao những con người bình thường ấy lại dám làm được những điều rất phi thường? Và vì sao họ sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ và hạnh phúc cá nhân để xả thân cho sự nghiệp cách mạng? Những bài viết của Hà Giao đã phần nào tháo gỡ được thắc mắc và giải tỏa được tâm tư, tình cảm đối với lớp thanh niên, học sinh lúc bấy giờ. Đọc những bài viết của anh, nhiều người tưởng mình đã được theo chân các chiến sĩ vào nơi trận địa. Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1971, trong một lần về phép, nghe tin có một nhà báo bị thương hỏng mắt phải trong khi tham gia đánh vào chốt địch tại xã Hoài Thanh. Nhưng hơn mười năm sau, khi được đọc bài thơ tự sự LỜI ĐÔI MẮT có những câu: "Em có thương anh hư con mắt phải/con mắt của người xạ thủ/như hai lần mất một nhãn cầu/giấy bạc mấy mươi năm trợ cấp/chưa lau khô nước mắt buồn đau..." tôi mới tìm hiểu kỹ và được biết Nhà báo quân đội đã vĩnh viễn trở thành thương binh tại quê tôi năm ấy, chính là anh Hà Giao.

Hà Giao từng là chính trị viên trung đội độc lập ở huyện Bình Khê (1965) và là cộng tác viên đắc lực cho các báo trước khi được Cục Chính trị Quân khu V điều về Tòa soạn báo Quân Giải Phóng khu V. Anh nhớ lại: "Làm việc bên cạnh các nhà văn, nhà thơ lớn như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn... và 5 nhà báo khác cũng từ miền Bắc về, mình run lắm - suốt nửa năm 1965 chỉ viết được 2 mẩu chuyện chiến đấu. Nhưng nhờ các anh kèm cặp, chỉ bảo nên quen dần...". Rồi, với tư cách là phóng viên chiến trường, Hà Giao đi nhiều, có điều kiện viết nhiều. Trong chiến dịch phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, anh được trở về chiến trường Bình Định, từng bám sát các đơn vị đặc công, và theo chân Sư đoàn Sao Vàng... Năm 1969, Hà Giao quay ra chiến trường Quảng Nam, cùng đồng đội ở Tiểu đoàn Lam Sơn thuộc Sư đoàn II anh hùng, đội bom B52 của địch rải thảm.

Con đường đến với báo chí và hoạt động văn học - nghệ thuật đối với Hà Giao không ít khó khăn. Anh tham gia cách mạng sớm, nhiều lần bị địch bắt tra tấn, đánh đập hết sức tàn nhẫn - đầu năm 1956 bị bắt giam 2 năm ở nhà lao Quy Nhơn, năm 1959 bị bắt giam ở Ty cảnh sát Bình Định; năm 1960 lại bị bắt giam ở lao nha huyện Bình Khê. Anh không có điều kiện được đào tạo chính quy như một số nhà báo, nhà văn khác mà chỉ được học bồi dưỡng một số lớp nghiệp vụ ngắn ngày. Nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung là hai người thầy, hai người anh và cũng là hai người bạn đồng nghiệp đã trực tiếp chỉ vẽ, dìu dắt anh. Nhờ năng khiếu bẩm sinh và khiêm tốn học hỏi nên ngòi bút của anh đã trưởng thành nhanh chóng. Hà Giao viết được nhiều thể loại: phóng sự, truyện, ký và làm thơ. Có nhiều tác phẩm đã được xuất bản: GIỌT MƯA (thơ) - NXB Hội Nhà văn, 1995; LÁ ĐẦU SÔNG ĐANG XANH (thơ) - NXB Văn hóa Dân tộc, 1997; NGÔI SAO RỪNG DỪA (truyện và ký) - NXB Văn hóa Dân tộc, 2001; TẤM ÁO VỎ CÂY (trường ca) là một tác phẩm văn học được đánh giá khá cao (giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam). Nhưng, có lẽ đóng góp lớn nhất của anh là việc khai thác, sưu tầm, biên dịch và giới thiệu kho tàng văn hóa của đồng bào dân tộc ít người, chủ yếu là truyện cổ và trường ca Bahnar - Bình Định. Trong đó có 10 bản Hơamon Bahnar Kriêm và 8 bản Hơamon Bahnar Konkđeh đã được xuất bản, hầu hết trong số ấy đều được giải thưởng Hội Văn học dân gian Việt Nam từ năm 1994-2002. Anh sắp hoàn thành tiếp 7 bản Hơamon Bahnar Yơlơng và đang chuẩn bị xuất bản. Anh tâm sự: "Làm được điều đó, mình cảm thấy vơi đi một phần công ơn trĩu nặng đối với đồng bào dân tộc ở vùng Bahnar - Vĩnh Thạnh đã từng cưu mang, đùm bọc mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".

Con đường hoạt động báo chí và văn học - nghệ thuật của Hà Giao rất đa dạng và phong phú. Hà Giao là một chiến sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút, vừa là một cán bộ chuyên trách công tác văn hóa, văn nghệ rồi Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Bình Định. Có thể nói, anh là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu không mệt mỏi. Và anh cũng là một người kiên trì, nhẫn nại, cần cù, giản dị, khiêm tốn - như một cánh ong cần mẫn, lặng lẽ góp mật cho đời.

LÊ THU

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chị Tôi  (10/12/2003)
Chiếc chìa khóa  (08/12/2003)
Khi tình yêu đến  (07/12/2003)
Ký ức về hạnh phúc   (07/12/2003)
Điệu múa của bộ xương  (05/12/2003)
Một hồn yêu chân thành  (04/12/2003)
Vẻ đẹp trong một bài ca dao Bình Định  (03/12/2003)
Bùa yêu  (02/12/2003)
Thơ viết về miền núi   (30/11/2003)
Đời như ý  (28/11/2003)
Vĩnh biệt nhạc sĩ Trần Hoàn  (27/11/2003)
Trần Hoàn - cánh chim phiêu bạt thời gian đã về cõi thiên thai  (26/11/2003)
Đọc lại Góc sân và khoảng trời  (25/11/2003)
Biểu tượng con cò - chim quyên với khát vọng tình yêu  (24/11/2003)
Ðiện thoại lúc nửa đêm   (23/11/2003)