Câu chuyện nhỏ về một nhà thơ lớn
17:33', 12/12/ 2003 (GMT+7)

Những năm đầu sau ngày nước nhà thống nhất, nhiều cây bút đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam từ Thủ đô Hà Nội lần lượt đem dòng thơ cách mạng đến với công chúng phương Nam. Tôi rất may mắn được gặp các nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... qua các cuộc bình thơ, đọc thơ, giao lưu thơ tại các hội trường lớn trong thành phố.

Riêng với nhà thơ Yến Lan, tôi được gặp bác trong một trường hợp rất đặc biệt. Lần gặp đầu tiên đó đã để lại trong tôi ấn tượng đẹp về bác:  một nhà thơ lớn, một nhân cách lớn của quê hương Bình Định nói riêng của cả nước nói chung.

Một buổi tối cách đây gần 20 năm, nhà thơ Yến Lan về nói chuyện tại hội trường phường Lê Lợi (Quy Nhơn). Do nhận thông tin muộn nên tôi đến trễ hơn 15 phút. Công chúng đến nghe thơ hôm đó đông lắm. Trong hội trường chật ních, ngoài hành lang cũng chen chân không lọt. Vốn rất yêu thơ Yến Lan, thuộc nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông từ hồi còn học phổ thông nên tôi cố chen lấn, len lỏi vào đám đông để đến xem mặt một tác giả lớn mà mình ngưỡng mộ. Nhưng chen mãi không lọt, tôi đành phải ra ngồi trên bậc tam cấp cột cờ ở giữa sân, tự an ủi: không thấy thì nghe vậy.

Nhưng khổ nỗi, hệ thống âm thanh bị hỏng hóc sao đó nên nghe tiếng được tiếng mất. Thi thoảng còn rít lên đinh tai nhức óc. Chán nản, tôi định ra về. Nhưng kịp nghĩ: biết bao giờ nhà thơ mới về lại nữa. Cứ cố chờ buổi nói chuyện kết thúc rồi tìm cách gặp nhà thơ cho biết mặt mũi thế nào. Đang buồn, anh Đặng Vĩnh Tuấn, một đồng nghiệp thân quen xuất hiện đột ngột, bảo: "Nói chuyện ở đây xong, bác Yến Lan sẽ đến nhà tôi ngay. Anh ngồi đây cũng chẳng ích gì, về lấy phim máy đến nhà tôi chụp hộ mấy kiểu ảnh kỷ niệm". Tôi nghĩ, anh Vĩnh Tuấn nói đùa cho vui miệng vậy thôi chứ một nhà thơ lớn ở thủ đô, đi đâu cũng có người đưa rước hà cớ gì đến cái góc phi trường heo hút hoang vắng đó? (dọc đường Diên Hồng ngày nay, hồi đó vắng vẻ đìu hiu lắm, cây cỏ mọc um tùm).

Tôi mang máy ảnh đến nhà Vĩnh Tuấn, thấy trên sàn xi măng giữa trời trước nhà anh có nhiều người đang tụ tập chuyện trò rôm rả. Tưởng những ai xa lạ, hóa ra là các anh Trần Rê, Hữu Thuần, Tăng Tri, Phi Hùng, Văn Dung, Thanh Thủy, chị Ngọc Anh, chị Kim Phượng... Họ là những giáo viên rất yêu thơ, hiện nay đang giảng dạy tại các trường trong nội thành. Tôi dễ dàng nhập cuộc và chờ đợi nhà thơ bằng những câu chuyện trên trời dưới biển.

Sau chương trình truyền hình đài Quy Nhơn kết thúc đúng 21 giờ, một chiếc xe Jeep dân dụng dừng lại trước mặt chúng tôi. Anh Đặng Vĩnh Tuấn rời tay lái nhảy xuống xe nói giọng trịnh trọng: "Bác Yến Lan đến rồi các bạn". Dưới bóng đèn cao áp cạnh đó hắt sang, một ông già cao gầy, nước da trắng, nét mặt phúc hậu đang từ trên xe bước xuống. Không ai bảo ai, các bạn ào đến công kênh nhà thơ và hát vang bài Bộ đội về làng của Lê Yên. Đèn flash của tôi lóe lên liên tục. Chị Ngọc Anh (vợ Vĩnh Tuấn) chạy vội vào nhà gom tất cả chiếu dài chiếu ngắn đem ra trải dọc theo nền xi măng. Các bạn đặt nhà thơ ngồi ở chiếu giữa. Bác Yến Lan xúc động nên không nói ra lời, bác chỉ vẫy tay ra dấu chào mừng. Vĩnh Tuấn lại bảo bác vừa nói chuyện xong nên còn mệt. Lập tức, một chương trình thơ gọn nhẹ diễn ra sôi nổi. Bến My Lăng, Đường xưa, Đi trong nắng mới... những tác phẩm nổi tiếng của bác Yến Lan qua giọng ngâm ấm áp, truyền cảm của chị Ngọc Anh, chị Kim Phượng, anh Tăng Tri với phần nhạc đệm tài hoa của các anh Vĩnh Tuấn, Hữu Thuần, Thanh Thủy đã giúp cho người yêu thơ và nhà thơ thêm gần gũi hơn, thân mật hơn.

Chương trình thơ kết thúc. Bác Yến Lan nói giọng run run vì xúc động. Bác bảo đã từng đi khắp nơi nói chuyện về thơ, bình thơ, giao lưu thơ nhưng chưa lần nào được đón tiếp nồng nhiệt chân thành như lần này. Bác cũng không ngờ ở miền Nam thế hệ chúng tôi lại thuộc nhiều thơ bác. Rồi trong niềm hưng phấn, nhà thơ nói về tình hình sáng tác văn học ở miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kể lại những cuộc gặp gỡ thú vị giữa nhà thơ với các tên tuổi lớn như Quang Dũng, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu... vào những năm Mỹ ném bom xuống miền Bắc. Nhà thơ Yến Lan nói chuyện với chất giọng ấm áp, truyền cảm, có sức cuốn hút kỳ lạ. Chúng tôi như những đứa cháu ngoan đang say sưa lắng nghe người ông kể chuyện cổ tích. Không ngờ, một nhà thơ lớn, một ngôi sao sáng trên thi đàn dân tộc lại giản dị, lại mộc mạc và dễ gần đến thế!

Mặc dù chúng tôi rất muốn biết thêm về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ trong thời gian sống và làm việc trên đất Bắc, nhưng không ai nỡ giữ bác ở lại lâu hơn sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bác. Anh Đặng Vĩnh Tuấn xin phép bác cho anh em được chụp ảnh chung lưu niệm. Nhà thơ Yến Lan chỉ cười, nụ cười đôn hậu độ lượng. Đèn flash của tôi lại được dịp lóe sáng liên tục.

Chụp ảnh lưu niệm xong, bác Yến Lan ra xe. Nhưng nghĩ sao bác dừng lại rồi quay sang tôi: "Này chú phó nháy. Hết lòng vì bạn bè như thế là tốt. Tôi muốn chụp chung với chú một tấm ảnh lưu niệm." Là một anh giáo làng học đòi võ vẽ năm bảy bài thơ tình xộc xệch bỗng dưng được một nhà thơ lớn đề nghị chụp ảnh chung, tôi rất mừng. Tôi vội vã lên phim, chọn cự ly thích hợp rồi đưa máy ảnh cho anh Vĩnh Tuấn.

Nhà thơ Yến Lan đi rồi, tôi trở thành nhân vật trung tâm. Anh em tranh nhau dặn tôi sang ảnh cỡ lớn. Ngay đêm ấy, tôi về nhà vào buồng tối tráng phim ngay. Phim fixer xong đưa ra ánh sáng kiểm tra lần lượt từ đầu đến cuối. Tôi thở phào nhẹ nhõm, phim âm bản trong, độ tương phản tốt, sẽ cho ra ảnh đẹp. Nhưng đến miếng phim cuối cùng, tôi đứng lặng, chân tay rã rời. Chao ôi! Không biết ông Vĩnh Tuấn lấy hình thế nào mà trong phim âm bản tôi với bác Yến Lan chỉ có từ phần cằm trở xuống! Lại còn bị lòe nhòe mờ đặc nữa. Tôi lắc đầu ngao ngán rồi tự an ủi: có lẽ mình phận nhỏ nên không có duyên với nhà thơ lớn.

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhà thơ Yến Lan (1998-2003), xin ghi lại câu chuyện nhỏ để tưởng nhớ đến một nhà thơ lớn.

TRẦN ĐÔNG A

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hà Giao - Một cánh ong rừng  (11/12/2003)
Chị Tôi  (10/12/2003)
Chiếc chìa khóa  (08/12/2003)
Khi tình yêu đến  (07/12/2003)
Ký ức về hạnh phúc   (07/12/2003)
Điệu múa của bộ xương  (05/12/2003)
Một hồn yêu chân thành  (04/12/2003)
Vẻ đẹp trong một bài ca dao Bình Định  (03/12/2003)
Bùa yêu  (02/12/2003)
Thơ viết về miền núi   (30/11/2003)
Đời như ý  (28/11/2003)
Vĩnh biệt nhạc sĩ Trần Hoàn  (27/11/2003)
Trần Hoàn - cánh chim phiêu bạt thời gian đã về cõi thiên thai  (26/11/2003)
Đọc lại Góc sân và khoảng trời  (25/11/2003)
Biểu tượng con cò - chim quyên với khát vọng tình yêu  (24/11/2003)