|
Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình |
Chẳng biết chính Hoàng Ngọc Đình chọn nghệ thuật tuồng làm đất sống cho đời nghệ thuật của mình, hay chính nghệ thuật tuồng chọn anh? Chỉ biết, Hoàng Ngọc Đình đã đến với tuồng từ một tình yêu nghệ thuật đích thực. Và rồi, từ tình yêu đó, nghệ thuật tuồng khu V dần ăn vào máu thịt, trở thành nỗi đam mê, thành nghiệp dĩ đời mình.
Hoàng Ngọc Đình được đào tạo tại Trường Nghệ thuật sân khấu dân tộc do các nghệ sĩ nổi tiếng của dòng tuồng Liên khu V giảng dạy. Cái vốn tuồng của anh được truyền thụ từ các nghệ sĩ tài danh như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Đinh Quả… Nước nhà thống nhất, Hoàng Ngọc Đình về sống trong cái nôi tuồng Bình Định. Nơi đây, anh có dịp được học hỏi, nâng cao nghề nghiệp với nhiều bậc thầy như Võ sĩ Thừa, Đình Bôi… và sớm khẳng định mình với tư cách là diễn viên. Những mảng miếng nghề truyền thống của các nghệ nhân đất tuồng vẫn được anh tiếp tục tiếp thu, bên cạnh đó, từ việc dàn dựng cho các đội tuồng không chuyên, cái nghiệp đạo diễn thành hình.
"Nghề đạo diễn đòi hỏi một kiến thức tổng quát, mình có điều kiện giãi bày tâm trạng trên một tổng thể tác phẩm. Điều này rất thích hợp với cái tạng của tôi" - Hoàng Ngọc Đình đã từng tâm sự vậy về sự lựa chọn đó của mình. Năm 1979, Hoàng Ngọc Đình được cử vào học đạo diễn sân khấu tại thành phố Hồ Chí Minh. An Tư công chúa - vở diễn tốt nghiệp của anh - đã được đánh giá cao.
Nếu Mặt trời đêm thế kỷ (tác giả Lê Duy Hạnh), dàn dựng năm 1986, 5 năm sau khi tốt nghiệp, là vở diễn thành công đầu tiên của Hoàng Ngọc Đình và được chọn diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI; thì với Sáng mãi niềm tin (tác giả Lê Duy Hạnh) dựng năm 1990, Hoàng Ngọc Đình đã vượt qua một thử thách lớn khi dùng nghệ thuật tuồng để diễn các đề tài hiện đại. Gọi là thử thách lớn vì vở diễn có những cách tân táo bạo, vừa hùng tráng, vừa trữ tình, vừa hiện thực. Vở diễn đã thể hiện thành công hình tượng các chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong và là vở tuồng đầu tiên xuất hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một chiếc khăn ngày cưới được người mẹ, chị Minh Khai (NSƯT Hòa Bình đóng) dùng làm chiếc nôi ru con, rồi thể hiện nỗi đau tột cùng khi nghe tin chồng hy sinh. Với sự tiếp thu có sáng tạo thủ pháp cách điệu của sân khấu truyền thống, chiếc khăn đã được dùng như một đạo cụ xuyên suốt cuộc đời nhân vật. Rồi những sáng tạo khi dùng thủ pháp đồng hiện, vốn là của điện ảnh, đưa lên sân khấu tuồng. Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi đã đánh giá là vở diễn rút được thời gian thể nghiệm về dề tài hiện thực 20 năm. Một khẳng định khác, vở diễn đoạt huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990.
Bộ sưu tập huy chương - minh chứng cho sự công nhận của đồng nghiệp và khán giả với những tác phẩm của anh - tiếp tục dày thêm với Huy chương vàng Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca toàn quốc các năm 1995 với Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc (tác giả Lê Duy Hạnh); 1999 với Trời Nam (tác giả Lê Duy Hạnh). Ngoài ra, không thể không kể đến những vở diễn như Sita (tác giả Văn Sử), tham dự Festival Angkor và được giải thưởng của Nhà nước Campuchia; Địa ngục trần gian (tác giả Đào Minh Tâm) huy chương vàng Hội diễn kịch ngắn, kịch vui toàn quốc 1996; rồi các vở: Tiết Giao trả ngọc (tác giả Văn Trọng Hùng) 1993, Đi tìm chân chúa (tác giả Văn Trọng Hùng) giải thưởng tác phẩm hay sân khấu toàn quốc các năm 1993 và 1997... Qua những vở tuồng này, dù với đề tài lịch sử hay hiện đại ta đều bắt gặp bản lĩnh và tâm huyết của một đạo diễn có nghề, ngày càng trở nên dày dạn hơn cùng với sự gia tăng số lượng những vở diễn của mình. Điều thấy rõ nhất: cách tân nghệ thuật tuồng để tiếp cận với cuộc sống đương đại là con đường đã được Hoàng Ngọc Đình lựa chọn và theo đuổi một cách mạnh dạn.
"Một trong những hạn chế của nghệ thuật tuồng là cứ nói những cái đâu đâu, trong khi bao nhiêu những bi kịch của cuộc đời này, những vấn đề từ cuộc sống hôm nay thì ít được quan tâm. Điều này dễ làm cho khán giả, nhất là khán giả trẻ cảm thấy khó gần với tuồng. Tôi quan niệm, cái vốn truyền thống của cha ông là rất quý, nhưng không phải tất cả đều là ngọc. Vấn đề là phải biết chắt lọc, làm sáng ra những giá trị truyền thống. Bởi truyền thống là gì nếu không là sự tiếp nối, không được người hôm nay đồng cảm" - anh khẳng định. Bởi thế, cũng là điều dễ hiểu khi anh chỉ "ưng chịu" nhất với những kịch bản nói được những vấn đề của người hôm nay, đối thoại với đương thời. Ở những vở diễn anh đã dàn dựng, tác giả kịch bản - đạo diễn rồi diễn viên như đang cùng bắc nhịp cầu nối sân khấu với cuộc đời. Con đường cách tân này ta không chỉ bắt gặp ở những vở diễn đề tài hiện đại hay thậm chí nước ngoài (như Quyền uy và tội ác chẳng hạn) mà cả ngay trong những vở tuồng cổ (Vở Sơn Hậu hay Đông Lộ Địch mà anh dàn dựng thời gian gần đây là minh chứng). Tiết tấu, tốc độ của vở diễn được đẩy nhanh hơn, khắc phục tính ngưng đọng của sân khấu truyền thống - điều mà theo anh cũng là một hạn chế của nghệ thuật tuồng. Những từ ngữ cổ và điển tích được hạn chế hơn, cách xử lý tâm lý nhân vật cũng phù hợp hơn với người xem hôm nay. Nói chung, Hoàng Ngọc Đình luôn cố gắng "đọc" tác phẩm ở thì hiện tại để đối thoại với người hôm nay.
Thi thoảng, trên con đường cách tân nghệ thuật của anh, ta cũng có thể bắt gặp những nhận xét, đại loại như: Hoàng Ngọc Đình dàn dựng tuồng với tư duy kịch và bị tư duy này chi phối. Điều này cũng dễ hiểu: trên con đường sáng tạo, cách tân và đổi mới, không khỏi có những lúc chúng ta bị đi hơi quá đà. Vấn đề là Hoàng Ngọc Đình luôn biết trăn trở, tự phản biện và từ đó, tự điều chỉnh. Bởi thế, vở diễn của anh đổi mới mà không "phá" tuồng, cách tân mà vẫn đậm chất tuồng, vẫn đứng trên mảnh đất truyền thống.
Ngoài công việc của một đạo diễn, Hoàng Ngọc Đình còn đóng góp sức mình vào sự nghiệp phát triển chung của Nhà hát Tuồng Đào Tấn với vai trò của một phó giám đốc phụ trách nghệ thuật của Nhà hát mà anh đảm nhận từ năm 1990 đến nay. Ưu tư trên từng mảnh trò để sao cho tuồng đến được với người xem cũng là một cách, thường xuyên theo đoàn trong từng đêm diễn để nắm bắt tâm lý và thị hiếu khán giả cũng là một hướng. Tất cả chỉ với tâm niệm: làm sao cho tuồng sống mãi.
Gần ba mươi năm gắn bó với đất tuồng Bình Định, với mái nhà chung nghệ thuật của Nhà hát tuồng Đào Tấn, cũng là chừng ấy năm Hoàng Ngọc Đình không ngừng sáng tạo. Hơn 30 vở đã dựng cho Nhà hát, khoảng 50 vở cho các đoàn tuồng không chuyên, 3 huy chương vàng, nhiều huy chương bạc và nhiều bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Huy chương vì sự nghiệp sân khấu, Giải thưởng Đào Tấn… là thành quả của nỗ lực đó. Tất nhiên, bên cạnh anh, để thực hiện những ý tưởng đó, là một dàn diễn viên, nhạc công tài năng của Nhà hát. Hoàng Ngọc Đình đã tự khẳng định mình: một đạo diễn có nghề, tâm huyết với những tác phẩm luôn là hiện tại với nghệ thuật. Nhưng với Hoàng Ngọc Đình, nghệ thuật vẫn luôn là phía trước và ta vẫn có thể hy vọng những gặt hái tiếp theo của anh trên con đường nhiều gian truân này.
LÊ VIẾT THỌ
|