* Món quà tặng mẹ
Không biết bao giờ và ở đâu, nhưng có người đã kể tôi nghe một câu chuyện thế này:
Một thanh niên đến hỏi mua quả gì đấy ở một bà bán hàng nọ. Bà kia, khi thấy bảo là mua cho mẹ, liền vội vàng chọn cho anh ta một quả to nhất, ngon nhất và nói:
- Từ sáng đến giờ biết bao người mua hàng của tôi, nhưng anh là người đầu tiên hỏi mua cho mẹ. Vì lòng tốt của anh và vì người mẹ đã sinh ra anh, tôi xin biếu anh quả này...
Bây giờ, bất chợt nhớ đến câu chuyện trên, tôi đi lại một bà bán dừa, bảo bà ta chọn cho tôi một quả thật ngon, nhắc to hai lần là để mang về Diễn Châu cho mẹ.
Bà bán dừa ngước nhìn lên, suy nghĩ một lát rồi thản nhiên bảo tôi:
- Mua cho mẹ thì anh phải tự mình chọn lấy. Và cũng không nên quá nhiều lời như thế về món quà anh sắp tặng mẹ.
* Tập xe đạp
Ngày còn bé tập xe đạp, hễ anh tôi thả tay, ngừng đẩy là thế nào tôi cũng ngã. Mỗi lần ngã, anh tôi lại cốc cho một cái vào đầu, nói: "Xem đây!" Rồi anh tôi dựng xe dậy, tót lên yên, phóng vù đi.
Tôi đứng nhìn theo, tấm tức. Lạ thật, khi tôi tập, có người đỡ cẩn thận, đi chậm như đứng yên một chỗ, thế mà vẫn ngã. Còn anh tôi, trông kia, cứ bon bon dễ như chơi mà xe đứng thẳng. Tôi hỏi tại sao, nhưng anh tôi, có thể vì đang bực mình, cũng có thể vì không biết trả lời thế nào, nên chẳng nói gì.
Lớn lên, tôi hiểu đấy là quy luật thăng bằng. Còn bây giờ, khi đầu đã hai thứ tóc, tôi lại hay suy nghĩ một cách triết lý, rằng chiếc xe đạp kia cũng như chính bản thân cuộc sống, chỉ tồn tại và đứng thẳng được trong một sự chuyển động không ngừng về phía trước.
* Hai chiếc gương
Tình cờ, nhà tôi có hai chiếc gương giống nhau - cả kích thước, khung gỗ, ngày, nơi sản xuất, thậm chí cả tờ giấy cứng dán phía sau cũng thế. Nghĩa là hoàn toàn giống nhau, duy có một điều là khác, khác cơ bản: Một chiếc cho ảnh thật, còn chiếc kia thì không, ai soi vào cũng thấy mình đẹp hơn. Tất nhiên anh sẽ có cảm tình với chiếc gương biết chữa các khuyết tật bẩm sinh này. Có lẽ anh sẽ nâng niu sử dụng nó suốt đời, nếu không vì một cảm giác bất tiện, âm ỉ không để anh yên, rằng nó là... một kẻ nói dối. Một kẻ nói dối dịu dàng và đáng yêu!
Vâng, nhà tôi có hai chiếc gương như thế. Nhưng trong một căn phòng nhỏ mà treo hai chiếc gương lớn (hơn nữa lại giống nhau) là thừa. Thế là chúng tôi (tôi và hai cô em của tôi) quyết định cất đi một chiếc. Chiếc nào? Tất nhiên không phải chiếc cho ảnh thật - chúng tôi là những người biết yêu chân lý và căm ghét giả dối.
Tôi biết chắc hai cô em tôi, tuy không nói ra, nhưng trong lòng rất tiếc khi phải tháo bỏ chiếc gương đáng yêu kia. Với tư cách là anh cả, tôi bắt chúng phải làm việc đó, nhưng chúng cứ ùn đẩy nhau mãi. Cuối cùng một đứa đề nghị cứ để treo cả hai, mặc cho ai ưa nịnh tha hồ soi vào chiếc gương giả dối. Tôi đồng ý.
Cho đến nay, cả hai chiếc gương vẫn ở nguyên vị trí cũ trong căn phòng bé nhỏ của chúng tôi. Hai chiếc kề bên nhau. Vô tình, chiếc gương thứ hai đã trở thành sự cám dỗ đầy thử thách đối với mỗi chúng tôi. Cũng dễ hiểu: ai chẳng muốn được thấy mình xinh đẹp, nhất là phụ nữ và một người bề ngoài không mấy hấp dẫn như tôi. Thành ra, nhiều khi phải vất vả lắm tôi mới không bỏ chiếc gương này để sang soi vào chiếc gương khác.
Một vài lần tôi bắt gặp các em tôi lén lút đứng trước chiếc gương giả dối. Nhưng tôi lờ như không nhìn thấy, phần sợ chúng xấu hổ, phần nghĩ con gái vốn yếu đuối, điều này đôi lúc có thể tha thứ được.
Còn tôi? Là đàn ông, tôi cương quyết không để bị cám dỗ. Tôi có thể tự hào mà nói rằng tôi đã luôn đứng vững, trừ một lần, vâng, chỉ một lần thôi, ấy là khi tôi chuẩn bị cho buổi hẹn đầu tiên với một cô gái.
Tôi ăn mặc rất chỉnh tề, hết sức chải chuốt, nhưng khốn nỗi, như đã nói, tôi không thuộc loại người đẹp trai, hơn thế lại bắt đầu già, nên tất nhiên chiếc gương thật đã không làm tôi hài lòng. Tôi giận mình, rồi giận lây cả nó. Thế này thì tôi không thể đi gặp người yêu được. Tôi lại bỏ đi thay quần áo, lại chải chuốt. Mấy phút sau, tôi đã cố tình nhầm, đến đứng trước chiếc gương giả dối đáng yêu kia (thì hai chiếc rất giống nhau mà!) Lập tức tôi thấy tôi dễ coi hơn, các nếp nhăn trên trán dãn ra, các đường nét trở nên thanh tú hơn. Chỉ lúc ấy tôi mới đủ can đảm đi đến chỗ hẹn.
* Người không nhớ tên mình
Trong lần điều tra dân số gần đây, người ta đến hỏi một bà cụ nghễnh ngãng gần tám mươi tuổi ở làng Vĩnh Lộc:
- Tên cụ là gì?
Phải hồi lâu, sau khi nhắc lại câu hỏi tới lần thứ ba, bà cụ mới hiểu ra, và vừa móm mém nhai trầu vừa thong thả đáp:
- Còn là gì nữa, người ta vẫn gọi tôi là Cố Chuyên.
- Nhưng đó là tên đứa bé này, - một người trong tốp cán bộ chỉ đứa bé hai tuổi đang ngồi chơi bên cạnh. - Trước khi có nó, tên cụ là gì?
- Là Chính, theo tên cháu nội tôi.
- Thế trước đấy?
- Trước đấy tôi mang tên con gái tôi.
- Trước nữa?
- Trước nữa tôi được gọi theo tên chồng...
- Nhưng xin lỗi, cuối cùng thì tên thật của cụ là gì? - Một người khác sốt ruột hỏi .
- Tất cả những tên trên của tôi đều là tên thật, - bà cụ bình thản đáp.
- Không, thưa cụ, chúng tôi muốn biết tên cụ, tên riêng của cụ cơ! Tên thời con gái ấy!
- Để làm gì?
Người ta lại phải dài dòng giải thích cho bà cụ hiểu thế nào là điều tra dân số và tên của cụ đối với họ quan trọng ra sao.
Bà cụ ngồi im hồi lâu, cố dựng lại trong đầu óc chậm chạp, lú lẫn của mình những hình ảnh rời rạc đã bị bỏ quên từ những năm xa xưa mờ mịt.
- Tôi không nhớ nổi, - cuối cùng bà cụ nói, giọng buồn buồn. - Sáu mươi năm rồi còn gì, và trong suốt chừng ấy năm, các ông các bà là người đầu tiên nhắc tới chuyện này. Vả lại, tôi còn cần gì đến nó, cái tên riêng ấy, một khi tôi đã có tên chồng, tên con, tên cháu, và nay là tên của thằng bé này?
Rồi bà cụ quay sang chơi với cháu. Mấy anh cán bộ điều tra dân số nhìn nhau bất lực, đành ghi vào sổ tên bà cụ bằng tên của người chồng đã chết cách đây bốn mươi năm.
Ở quê tôi, bao đời nay bố mẹ luôn được gọi bằng tên con cả, sau con đến cháu, sau cháu đến chút chắt. Một truyền thống dân dã, mộc mạc, tốt đẹp? Chí ít cũng vô hại? Vâng. Bản thân tôi thích cái truyền thống ấy. Ở làng người ta luôn gọi bố mẹ tôi là ông Tân bà Tân. Nhiều người thắc mắc sao mãi đến giờ hai cụ chưa được gọi tên mới là ông Hiền bà Hiền, theo tên con gái tôi. Vì tôi là con cả nhưng sống ở Hà Nội. Bản thân các cụ cũng lấy làm khó chịu, thậm chí như thể bị xúc phạm. Một phong tục tốt đẹp, hẳn thế, nhưng xét kỹ, nó cũng tàn nhẫn không kém, vì nỡ cướp đi cái quí nhất của con người là tên của họ.
. Theo VOV |