(Đọc Trường ca Làng của Nguyễn Văn Chương, NXB Quân đội Nhân dân, 2003)
Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân được tiến hành trong các năm từ 2001 đến 2004, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ trong và ngoài quân đội gửi tác phẩm dự thi. Và mặc dù cuộc thi chưa đến hồi kết nhưng Ban tổ chức cuộc thi đã tuyển chọn những tác phẩm dự thi có chất lượng và hứa hẹn sẽ đạt giải để cho xuất bản, nhằm sớm giới thiệu rộng rãi với độc giả cả nước. Trong số các tác phẩm ấy, có trường ca Làng của nhà thơ Nguyễn Văn Chương.
Là một người lính của Sư đoàn 308, tức Đại đoàn Quân tiên phong, Nguyễn Văn Chương từng đi qua trận mạc của chiến tranh, anh cùng với đội hình sư đoàn anh hùng đã từng dừng chân ở không biết bao nhiêu làng quê của đất nước để từ đó làm nên bao trận đánh và trận thắng. Hình ảnh những làng những xã đã đi qua và đã dừng chân vẫn sống mãi trong ký ức của những người lính trận như Nguyễn Văn Chương. Và vì thế, Làng đã trở thành hình tượng nghệ thuật của thi ca, trở thành đối tượng thẩm mỹ để anh phản ánh.
Chẳng thế mà ở đầu sách, Nguyễn Văn Chương đã viết lời kính tặng: "Những anh hùng có tên và không có tên - Những người đã khuất và người đang sống đã góp chiến công làm nên thành tích bao làng xã anh hùng của đất nước chúng ta".
Với 60 trang sách, trường ca Làng của Nguyễn Văn Chương có tất cả năm chương. Chương một - Trái tim ở giữa; Chương hai - Phác thảo đôi cuộc đấu tranh; Chương ba - Những gương mặt của Làng; Chương bốn - Đêm du kích; và Chương năm - Đường vui rộng mở.
Có thể xem cả năm chương của trường ca là cả một quá trình từ hình thành - phát triển cho đến ngày thắng lợi của một cuộc đấu tranh cách mạng, của một trận đánh lớn.
Nhưng trước hết, ngay từ lời tựa của sách, với những vần thơ lục bát mượt mà - một trong những sở trường sáng tác của Nguyễn Văn Chương - bạn đọc sẽ có dịp thưởng thức những lời ngợi ca đằm thắm mang nhiều ý nghĩa khái quát về làng quê Việt Nam:
Làng ta muôn thuở vẫn làng
Vẫn đồng lúa chín, vẫn hàng tre xanh
Sương dày, áo vải mong manh
Củ khoai, con tép góp thành làng ta
Mấy nghìn năm đã trôi qua
Bao nhiêu năm nữa vẫn là làng thôi
...
Cầm tay em lại thăm làng
Soi trong ngày cũ tìm trang sử hồng.
Nếu không có một quãng đời gắn bó sâu sắc với những làng quê Việt Nam, nếu không có một thời chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cả thân mình để giữ làng, giữ nước thì tác giả trường ca Làng khó mà có được những vần thơ da diết cõi lòng như thế.
Tuy nhiên, khi đi vào những dòng chính thức của bản trường ca về Làng, Nguyễn Văn Chương đã không sử dụng thể lục bát mà chuyển sang thể thơ tự do, để từ đó có thể dễ dàng phản ánh hết những ngóc ngách của cuộc chiến đấu trải nhiều năm tháng mà trong đó, những ngôi làng Việt Nam đã có một vai trò không thể thiếu để làm nên chiến thắng.
Với Nguyễn Văn Chương, đó là những ngôi làng nghèo khó mà anh hùng. Ta hãy lắng nghe anh viết về làng bằng những câu thơ xót đắng:
Làng ta nghèo không có một dòng sông
Mà lòng ta nổi sóng
Làng ta không gặp mùa biển động
Mà bão gầm khôn nguôi!
Hỡi cỏ cây sông núi đất đai ơi
Cơn gió thổi sao lòng ta ngột quá.
Từ những ngôi làng như vậy ra đi để rồi lại quay về giải phóng cho làng, những người lính Cụ Hồ, vốn là những nông dân của làng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và làm nên chiến thắng. Chúng ta hãy đọc to những vần thơ hào sảng của Nguyễn Văn Chương khi anh viết về họ:
Mấy thế hệ chỉ huy sáng hàng bia liệt sĩ
Đến lượt anh đồng đội gửi niềm tin
Làm chỉ huy anh chưa quen
Chỉ quen gan lì, đánh tới
Hơn trăm xác giặc gục dưới mũi súng anh
Đủ thắp sáng niềm tin đồng đội.
Cứ như vậy, hình ảnh những người con của làng, hình ảnh làng trở nên tỏa sáng lung linh như biểu tượng của lòng yêu nước và căm thù giặc. Vì thế mà có thể nói, trường ca Làng trước hết là một bản trường ca về lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh vì đất nước.
Với những câu thơ đậm đà chất liệu trữ tình nhưng cũng mang đậm chất anh hùng ca, trường ca Làng của Nguyễn Văn Chương có thể xem là một sự tiếp bước thành công của những tác phẩm thơ ca về lòng yêu nước và tự hào dân tộc đã đi vào lịch sử của thơ ca cách mạng Việt Nam, như Bài thơ Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi, Đất nước của Nam Hà, Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, hay Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu...
Trường ca là một thể loại không dễ viết nếu tác giả của nó thiếu một vốn sống thực mà anh ta đã trải qua và hơn hết là thiếu đi một trái tim nhạy cảm, luôn đập nhịp với quá khứ oai hùng của dân tộc cũng như trong cuộc sống hôm nay.
Với trường ca Làng, Nguyễn Văn Chương đã là một người như thế.
HÀ TÙNG SƠN |