Không kể những tập thơ của Hàn in lúc sinh thời và những cuốn sách về đời thơ của ông do các nhà phê bình, nghiên cứu xuất bản trước đây, chỉ kể những tập sách về Hàn Mặc Tử xuất bản sau khi đánh giá lại các hiện tượng văn học nói chung, về Hàn Mặc Tử nói riêng, cũng thấy được tầm vóc cùng sự quan tâm của giới văn nghệ đến Hàn. Chúng ta đã có Tuyển tập Hàn Mặc Tử (Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu, NXB Văn học, 1987), Thơ Hàn Mặc Tử (Quách Tấn, Chế Lan Viên giới thiệu, Hà Giao, Quách Giao, Trần Thi Huyền Trang sưu tầm, tuyển chọn - Sở VHTT Nghĩa Bình xuất bản 1987, tái bản 1988), Hàn Mặc Tử - Hương thơm và Mật đắng (Trần Thị Huyền Trang sưu tầm, biên soạn, NXB Hội Nhà văn, 1991), Hàn Mặc Tử - anh tôi (Thiệu Nam Nguyễn Bá Tín - NXB Tin, Paris, 1990, do Đỗ Mạnh Trí giới thiệu, Phạm Đán Bình sưu tầm, chú thích), Hàn Mặc Tử - thơ và đời (Lữ Huy Nguyên sưu tầm, tuyển chọn - NXB Văn Học, 1993) và cuốn Thơ văn Hàn Mặc Tử - phê bình và tưởng niệm của GS Phan Cự Đệ biên soạn (NXB Giáo Dục, 1993) tuyển cả thơ văn của Hàn cùng rất nhiều bài viết có giá trị của gia đình, thân hữu, các nhà nghiên cứu về Hàn.
Song song với những tập sách, từ nhiều năm nay, thơ văn Hàn Mặc Tử còn được giảng dạy trong nhà trường phổ thông và đại học. Một số sinh viên và nghiên cứu sinh đã chọn Hàn Mặc Tử làm luận án nghiên cứu của mình. Điều đó cho thấy không phải đến bây giờ người ta mới thấy được chân giá trị của những vần thơ, trang văn của Hàn. Mấy mươi năm trước người ta đã nói gì về Hàn? Hàn Mặc Tử là hiện tượng độc đáo trong làng thơ Việt Nam, ắt hẳn phải có những nét đặc trưng và đặc biệt trong tư duy thơ, trong quan niệm thẩm mỹ, trong thế giới nghệ thuật và trong cá tính sáng tạo của thi sĩ.
Thơ Hàn Mặc Tử từ Lệ Thanh thi tập qua Gái quê rồi từ Gái quê qua Thơ Điên (Đau thương), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên… đã đi qua một chặng đường dài từ cổ điển qua lãng mạn rồi từ lãng mạn chuyển nhanh sang tượng trưng, siêu thực. Chỉ hơn 10 năm hoạt động trên thi đàn, Hàn đã góp phần vào hiện đại hóa thi ca Việt Nam. Chỉ riêng điều đó, Hàn đã tài lắm rồi. Trần Tái Phùng trên Người Mới số 7-12-1940 đã viết: "Nghệ thuật chàng tựa một con sông dài đi xuyên qua thế kỷ chúng ta và hai bờ sông dàn bày không biết bao nhiêu cảnh sắc khác nhau, đẹp đẽ đến say ngợp, đến tê liệt cả lòng người."
Điều ấy thể hiện trong quan niệm thơ của Hàn. Do quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật, nên vũ trụ thơ ca của Hàn là sự hòa hợp giữa bốn yếu tố "Trăng, Hoa, Nhạc, Hương":
Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ
Của hương hoa trong trăng lờn lợt bẩy
Của lời câm muôn vì sao áy náy
Hiểu gì không, em hỡi hiểu gì không?
(Trường tương tư)
Và trong tản văn Chơi giữa mùa trăng, Hàn đã viết: "Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh trăng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả".
Đọc những vần thơ của Hàn, ta thấy ông luôn hướng đến cõi vô cùng, vĩnh viễn, vĩnh hằng. Điều đó thật dễ hiểu với một con bệnh cô đơn giữa cuộc đời nầy. Hàn quan niệm về thơ: "Thơ là một tiếng kêu thương thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy, vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt". Còn Bùi Xuân Báo trong bài Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử có lý khi lý giải: "Những gì tươi đẹp nhất trong vũ trụ, quý hóa nhất trong tâm linh, huyền bí nhất trong tôn giáo, Hàn Mặc Tử đều đồng hóa với thơ. Trăng vằng vặc, mùa xuân mát dịu và tươi sáng, lòng thương yêu của Chúa trời và Mẹ Đồng trinh đều là những biến thể của chất thơ man mác".
Như vậy, thơ là lẽ sống, là hơi thở của Hàn, nhất là lúc Hàn nhuốm bệnh và nằm viện, biết mình sắp lìa xa cõi đời nầy.
Nói Hàn vị nghệ thuật, nói thơ Hàn nhuốm màu tôn giáo, chất Đạo, có ngờ đâu cái phần chất Đời trong thơ Hàn "vừa riêng biệt tưởng không hình dung nổi lại vừa rất chung, rất thực, có thể sờ mó lên được" như Yến Lan phân tích. Chế Lan Viên cho rằng: "Bài Ave Maria viết cho Đức Mẹ trên trời, có thể viết hay như thế không, nếu không có bà mẹ ở dưới đất?". Những người thân thuộc của Hàn chính là Đức tối cao trong thơ Hàn. Hàn đã viết: "Chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa, tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt, uy nghi như pho tượng Đức Bà Maria, là bực tinh truyền chí thánh" (Chơi giữa mùa trăng).
Có thế ta mới giải thích, mới yêu Hàn hơn như Phan Bội Châu đã yêu mến Hàn qua tấm lòng yêu nước qua ba bài thơ: Chùa hoang, Gái ở chùa, Thức khuya của Hàn.
Mà thôi, người ta đã nói về Hàn nhiều rồi. Hàn đã đến với Trăng, Hoa, Nhạc, Hương và với niềm tin của mình rồi.
Một chút gì còn lại ở Hàn mà hôm nay, những tấm lòng thơ ngưỡng mộ, về đây đốt nén hương tưởng nhớ đến Hàn. Ấy là ta nhớ đến con chim phượng hoàng đang sải cánh trên bầu trời thơ nước Việt của thế kỷ và nhiều thế kỷ.
Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
(Phan Thiết! Phan Thiết!)
Hàn ơi! Với vũ trụ thơ, Người vẫn là con chim Phượng Hoàng…
Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc
Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay
(Trường thọ)
TRẦN XUÂN TOÀN |