"Nhớ quê ai nhớ trật bao giờ!"
16:35', 31/12/ 2003 (GMT+7)

Những ngày cuối năm 2003, Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng cho ra mắt tập thơ của một nhà thơ người Bình Định hiện là hội viên Hội VHNT Lâm Đồng: Tập thơ "Đêm thức" của Đào Hữu Thức!

"Đêm thức" của Đào Hữu Thức trước hết là một tập thơ khá khiêm tốn từ hình thức lẫn nội dung. Nhưng khi đọc trọn 45 bài thơ của anh mới nhận ra điều này: Không phải ngẫu nhiên mà Đào Hữu Thức lại lấy tiêu đề của một bài thơ - bài "Đêm thức" - để làm tiêu đề chung cho cả tập thơ như một ngụ ý sâu kín. Cái đáng quý của anh chính là ở đó!

Trước tiên, xin hãy thử đọc vài dòng đầu tiên và vài dòng cuối cùng trong tập thơ này. Ở bài thơ đầu tiên, Đào Hữu Thức viết: Đâu ngờ xa xứ lâu rồi/Bỗng dưng thấy nhớ như hồi mới đi/Cho dù làm cánh chim bay/Hồn sao vẫn mộng ngày về, tôi ơi! (Nhớ nhà). Còn đây là bốn câu cuối cùng của tập thơ: Ừ, ta cứ thức cho đêm ngủ/Trong tim còn có một mặt trời/Sáng lên soi cả vùng tĩnh lặng/Giữ lòng qua mấy nẻo mù khơi (Đêm thức). Và bây giờ xin gấp tập thơ lại để đọc vài dòng cực ngắn giới thiệu về tác giả: Đào Hữu Thức nguyên quán thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; hiện sống và làm việc tại Đà Lạt - Lâm Đồng, hội viên Hội VHNT Lâm Đồng. Cái lý của "Đêm thức" chính là ở đó!

Thật vậy! Cứ lướt qua tiêu đề của cả tập thơ thì biết. Bởi rất nhiều tiêu đề trong tập thơ của chàng trai quê Bình Định hiện sống ở Đà Lạt này là sự gợi nhớ. Đó là những: Nhớ nhà, Miếng trầu của mẹ, Tết gặp đồng hương, Nhớ Quy Nhơn, Sông quê, Mưa từ dưới Giã mưa lên (Giã là một địa danh của Bình Định), Quê ơi, Chị và lúa… Trong Chuyện nhà quê,  Đào Hữu Thức, một gã con trai miền Trung, nói như một câu hỏi với một người phụ nữ ở phố rằng: …Có bao giờ em bước chân trần/Để nghe hết cái êm của đất/Đã thử một lần ăn cơm ngồi bệt/Uống bằng gáo dừa múc nước trong lu?. Rồi nữa, cách quan sát chuyện quê của chàng trai quê ấy cũng rất thật nhưng tinh tế: Đòng đòng non ngọt lịm nắng trưa/Trái ổi xanh chia từng miếng chát/Khế cắn chung chua trào nước mắt/Cười rung cả đống rơm vàng… (Năm mới niềm nhớ cũ). Cho dù ngồi ở Đà Lạt ngắm mưa, Đào Hữu Thức vẫn thổn thức niềm quê: Đà Lạt hôm nay mưa rất nhẹ/…/Vẫn đủ nhắc ta ngày cũ/Liêu xiêu nón lá mưa phùn/Như ngọn tre già mùa gió bấc/Mẹ tảo tần bước trượt, bước run (Còn những cơn mưa xa). Hoặc như ngay cả ngày xuân, khi bạn đến thăm và sau đó chia tay, trong anh cũng dậy lên hồn quê: Bạn về tôi ngẩn ngơ buồn/Chỉ còn thơ giữ chút hồn quê xa… (Bạn đến chúc xuân và đọc thơ). Cũng có lúc bắt gặp những câu thơ thật như đếm của anh khi diễn tả nỗi nhớ quê của mình: Gặp nhau như thấy quê nhà/…/Mời nhau một vuông bánh nổ/Chút tình quê lúc tha phương/…/Cho bõ những ngày cô độc/Nhớ liêu xiêu giữa phố phường/Hãy uống cho vui rồi hát/Cho ta no tiếng quê hương (Tết gặp đồng hương). Rồi nữa, ngay cả khi về quê quan sát và buộc phải thốt lên rằng Về giữa bao la núi rộng sông dài/Ôi! Sông núi vẫn là sông núi cũ/Người thành phố mà hồn đâu ở phố!/Quê ơi quê! Ta lạc mất nhau rồi… (Quê ơi) với một chút nuối tiếc lẫn xen hờn giận nhưng suy cho cùng thì đó vẫn là "Đêm thức" để nhớ quê của Đào Hữu Thức mà thôi vậy!

Có lẽ không cần phải biết "Đêm thức" là tập thơ thứ bao nhiêu của Đào Hữu Thức. Chỉ biết rằng đây là tập thơ mới nhất của anh được Hội VHNT Lâm Đồng xuất bản vào cuối năm 2003; và đó là nỗi lòng của tác giả đối với quê hương được chắt ra từ những "Đêm thức". Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại, đây là tập thơ khá khiêm tốn từ hình thức lẫn nội dung. Nhưng cao hơn, hy vọng đó cũng là nỗi lòng của tất cả chúng ta đối với quê hương mỗi người! Vì, nói như tác giả là "Nhớ quê ai nhớ trật bao giờ"!

Kết thúc bài viết, xin giới thiệu cùng bạn đọc 2 bài thơ tâm đắc của anh:

 

Chị

Quê nghèo xưa ít trẻ đến trường

Chỉ đến lớp những con nhà khá giả

Tôi đi học - từ bờ tre, mái rạ

Có chị trông theo từng bước, âm thầm

 

Chị vẫn thường nước mắt chảy quanh

Hay chép miệng: Em mồ côi, bé dại

Mà chị có hơn em là mấy

Phải chăm tôi - Chị làm mẹ mười lăm

 

Tôi đi học từng ngày,

Chị chạy chợ từng phiên

Tôi đi học bằng xuân xanh của chị

Thầy cô tôi đổi thay từng kỳ dạy

Còn chị một mình… suốt tháng, suốt năm

 

Chị dạy tôi nết ở, nết ăn

Những bài học - tôi suốt đời còn nhớ

Tôi không dám, tôi cố không lầm lỡ

Bởi chị phạt tôi bằng nước mắt của mình

 

Chị tôi là cuốn sách đầu tiên

Tôi học mãi để trở thành người lớn.

 

Ngựa về …

Tôi ơi! Ngày đã chiều rồi

Gió sương nào cũng bời bời gió sương

 

Ngựa về chưa kịp hoàng hôn

Hồn đau nắng quái, thân buồn vết roi

 

Vó khua chưa hết truông đời

Tìm đâu tiếng hí vang ngoài cõi riêng.

 

KHẮC DŨNG

(Báo Lâm Đồng)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Nhớ quê ai nhớ trật bao giờ!"   (31/12/2003)
Đời thường - đời thơ Xuân Diệu  (30/12/2003)
Hàn Mặc Tử "sống mãi với trăng sao gấm vóc"  (29/12/2003)
Tưởng tượng buồn  (28/12/2003)
Chút tình đầu  (28/12/2003)
Nhà thơ Phạm Hổ: Nếu được sống thêm một lần nữa…   (26/12/2003)
Tháp Dương Long   (25/12/2003)
Những chiếc ly không   (25/12/2003)
Vua áo vải   (25/12/2003)
Làng - bài ca về lòng yêu nước và tự hào dân tộc  (24/12/2003)
Biển hát  (23/12/2003)
Chùm truyện ngắn của Thái Bá Tân   (21/12/2003)
Thì hiện tại của Hoàng Ngọc Đình   (19/12/2003)
Sức gợi của một bài thơ  (18/12/2003)
Đọng từ "Chút hương rừng"  (18/12/2003)