Truyện ngắn:
Cái răng
9:22', 31/3/ 2003 (GMT+7)

Trần Thị Huyền Trang

Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Cổ ngữ nói thế. Mà có thế thật. Con không chu tất với ông bằng vợ. Những lúc ngồi buồn nhớ vợ, ông Ba thường thầm hỏi tại sao thời gian đã xếp thành xác xác trên mộ bà mà ông vẫn sống trên đời. Bông đùa một chút, ông bảo cánh bạn già: - Tôi vẫn sống nhăn răng.

Dạo này, ông Ba thường đưa lưỡi dò cái răng cấm. Nó đang bệnh chứ không phải sâu, vì nó già rồi, cũng như ông đã già rồi. Một cái răng già nua trong mồm một người già nua. Nó hành ông sưng mặt. Giá vợ ông còn sống … Ừ, giá vợ còn sống ông sẽ than với bà về cảm giác đau đớn. Chắc chắn bà sẽ xuýt xoa cùng ông. Than với con Hạnh, nó cũng nghe đấy, nhưng cái cách thông cảm của nó thật hợp thời. Cô gái yêu tỉnh rụi bảo ông: - Nhổ thôi cha ạ. Con ông đã nói vậy, ông đến phải nhổ thôi.

Cơm  nước xong, Hạnh rửa bát. Ông  với  lấy  cái  điếu bát  cạnh kỷ trà nhét thuốc vào, châm lửa hút. Tiếng nước dậy “phuýp, phuýp” rời rạc xen lẫn tiếng hít hà vì nhức răng. Hạnh lau tay, chưa kịp vắt khăn lên dây, cứ thế bước đến bên cha, ngồi ghé vào mép phản, nghiêng đầu hỏi:

- Mai con đưa cha đi bệnh viện nhé?

Ông đồng ý. Một đêm trằn trọc với cái răng tai ác. Ý hẳn nó biết sắp vĩnh biệt họ hàng nên khóc lóc dữ đây. Sáng hôm sau, ông quên bẵng. Hạnh có ý đợi. Sắp đến giờ đi làm, cô nhắc ông thay quần áo. Ai đời con bắt cha mặc như đi ăn cỗ. Thôi  được, ông chìu cho đẹp mặt con vậy. Chẳng gì ông cũng ngồi sau lưng con gái qua chín mười cây số kia mà. Dọc đường, Hạnh hỏi gì ông cũng ậm ừ. Ông đang bận gẫm chuyện ông. Ngày xưa, đâu như sau ngày cưới một tháng thì phải, ông dẫn vợ ra phố. Đúng y con đường này. Nhà cửa ven phố hồi đó thưa thớt hơn. Hai vợ chồng đi cách nhau một quãng đến năm bảy bước chân. Ngày xưa bà mắc cỡ lắm chứ không như lớp trẻ bây giờ. Bọn chúng từng lứa đôi sóng vai hay chở nhau cứ dập dìu như chuồn chuồn tiết thu. Chắc con Hạnh cũng thế- ông nghĩ mà chạnh lòng- Rồi con không còn coi cha tựa thần thánh như hồi con còn thơ bé nữa. Nhưng con vẫn yêu cha chứ? Đường đất, Hạnh ý tứ tránh ổ gà. Đường nhựa, Hạnh vô sát lề êm như ru. Ồ, đến bệnh viện rồi! Bên kia sân, nơi người ta trồng viền hàng hiên những cây trắc bá diệp là khoa sản. Căn phòng nào trong dãy phòng ấy hai mươi lăm năm trước vợ ông sinh Hạnh?  Hồi đó dãy phòng ấy bé tí tẹo, lụp xụp chứ đâu khang trang như bây giờ. Hạnh đưa ông vào khoa Răng Hàm Mặt.

- Cha ở đây nghe cha, con trễ giờ làm mười lăm phút rồi.

Chà, con cứ đi làm đi, nhưng đừng tiếc thời gian với cha. Hai mươi lăm năm nay là bao nhiêu lần mười lăm phút cha vẫn gà trống nuôi con. Hạnh chờ ông ngồi xuống giữa hàng người trên ghế đợi mới cầm nón đi  ra. Trông dáng đi  giống mẹ nó quá đỗi. Ông nhìn theo con thầm nghĩ. Vợ ông sinh sau nhưng chết trước ông. Chết không có sự xếp hàng. Thế mà nhổ răng lại xếp hàng. Cô y sĩ trạc tuổi con ông đưa cho ông một tấm thẻ. Ạ, số thứ tự 16.

- Bác đã ăn sáng chưa ạ?

Nhổ răng là nhổ răng, hỏi đến chuyện ăn uống làm  gì? Ông chưa kịp trả lời, cô y sĩ lại bảo:

- Nếu chưa thì bác ra căng-tin bệnh viện lót lòng rồi hãy vào bác ạ. Lượt bác còn lâu mới đến.

Đi thì đi, cho có thời gian suy nghĩ. Người bên cạnh đứng dậy đi cùng ông. Đến căng-tin, ông ta rủ ông ăn cháo đường. Ông từ chối:

- Không, mời ông. Tôi ăn rồi.

Ông kia ngơ ngác. Ăn sáng rồi mà cũng ra căng-tin nghĩa là sao? Trong khi ông ta hãy còn  phân vân  nhìn  vị bạn già trước mặt mình thì  ông Ba ngập ngừng giúi tấm thẻ vào tay ông ta:

- Có lẽ đau lắm họ mới bảo mình ra ăn sáng đấy ông ạ. Tôi về thôi. Ông làm  ơn cho tôi gửi trả cô y sĩ tấm thẻ này nhé.

Ông xăm xăm bước ra cổng, không cần biết ông bạn kia nghĩ gì. Một lúc sau ông mới ngoái cổ lại thì tấm bảng đề mấy chữ BỆNH VIỆN ĐA KHOA đã lùi xa rồi. Cơn nhức lói lên, buốt tận óc. Chao ôi cái răng! Mày thương tao một chút, mày đã vĩnh biệt bà con đâu mà xoáy lợi những cái đau điếng làm vậy?

- Cha đau răng nữa à?

- Ờ. Nhưng … cái khác.

- Mai xí nghiệp tổng kết. Mốt vậy cha nhé, mốt con lại đưa cha đi.

- Thôi mai cha tự đi, con không phải đưa đón.

Hạnh nghĩ  một thoáng:

- Cũng được vậy. Chắc sang năm trồng răng mới cho cha được rồi. Cái nào sâu bệnh thì gắng nhổ hết đi cha ạ.

Ông mỉm cười, nửa đùa nửa thật:

- Con  với  cái  hay chưa?    lại  muốn  cha      đóng hàm thiếc như ngựa chắc?

- Không, răng xương cha ơi!

- Thứ gì cũng đồ giả tạo, sao bằng răng thật.

Hạnh biết ông nói nhây cho vui nên không buồn cãi nữa. Cô dịu dàng đưa thuốc cho ông:

- Cha không chịu thì thôi. Cha uống thuốc đi.

Và khi ông Ba ngửa tay đón mấy viên thuốc từ tay Hạnh, cô nhìn kỹ gương mặt cha. Nếu có phút nào trong lúc vui đùa mà vẫn muốn khóc, thì  với Hạnh đó là phút này đây. Sống mũi cô nóng lên. Vội vã, Hạnh quay sang phía khác, vờ tìm cái giẻ lau bàn. Những quầng nước loang được lau ráo đi, mặt bàn quang hẳn. Hạnh ngẩng đầu lên, hai cha con nhìn nhau cười ấm cúng.

Thực tình, ông Ba ngượng với con. May mà Hạnh không hỏi vặn: “Sao cha chỉ đau răng một phía?”. Nếu Hạnh hỏi vậy, ông biết trả lời với con cách sao? Phen này ông sẽ đi bệnh viện một mình, mà nhổ thật, đau mấy cũng ráng chịu. Tuy nhiên, biết trước đau như thế nào cũng không phải vô ích. Ông bắt đầu thăm dò dư luận.

Một người hàng xóm bảo:

- Đau đớn gì, như kiến cắn thôi anh ạ.

Ông ta trước kia từng làm báo. Ông Ba nghe những lời ấy với vẻ nghi hoặc dễ tha thứ.

Người hàng xóm thứ hai sang, ông Ba châm trà.

- Này ông, chả mấy chốc mà cánh mình già hết đấy nhỉ? – Ông nghiêng bình – Trà ngon con Hạnh mới mua, mời ông uống với tôi miếng nước.

Ông trao tách trà cho bạn. Ông hàng xóm nông dân đỡ lấy, chưa uống vội:

- Chậc, tôi không biết mươi năm trước ông ra sao, chứ tôi thì khỏe như vâm. Ấy vậy mà, ông trông, giờ chỉ còn bộ khung ông ạ.

Ông Ba nheo mắt sau làn khói trà thơm thơm:

- Nói vậy chứ ông đã đến nỗi nào. Chẳng sợ già, chỉ sợ ốm đau thôi phải không ông?

Người hàng xóm đồng tình:

- Còn phải nói … Bây giờ bộ phận nào trong cơ thể cũng muốn rệu tới nơi. Uống trà  nóng  thú vị  thật , chỉ   phải  cái  nó muốn bưng răng mình nó chạy thôi.

Nghe vậy, ông như cầu thủ trước cú sút quyết định:

- Nhổ đi cho khỏe, chẳng đau mấy đâu.

Người hàng xóm tròn mắt:

- Ứ? Tôi nhổ rồi chứ chưa à? Trời ui, nhổ cái răng ra tôi thấy cả thúng đom đóm trước mặt. Đừng giỡn.

Ông  Ba cười ngất. Lát sau, tiễn người  hàng xóm  về, ông nghe cái răng bệnh nói với cái bên  cạnh: - Thôi, chuyến  này  tớ quyết ra đi.

Nhớ lại câu nói của ông hàng xóm thứ hai, ông Ba lo lo: Ông ấy là nông dân, gặp đom đóm hoài là đúng lý. Còn mình?

*

Ông Ba ngồi vào ghế đợi. Cô y sĩ phát thẻ tiến lại phía ông, cười lém lỉnh. Chết tổ rồi! Chính cái cô hôm nọ! Trước mắt ông là một vầng hào quang tím xanh. Chốc nữa đau, chắc hào quang rực rỡ lóa mắt..

Ông không phải đợi lâu. – “Số 3!”. Ông bước lên. Không sao, chỉ như kiến cắn thôi! Ông há miệng ra, đồng thời cố nhấn những lời ấy vào lòng nhưng nó cứ trồi lên. Chỉ như kiến cắn thôi… Lạ! Ma ám hay sao mình cứ nhai lại lời ông hàng xóm thứ nhất. Ông Ba chờ lóe hào quang. Có chút gì tròn trĩnh êm êm ấn vào chỗ thịt hàm. Thì ra cái răng rồi đời. Vật tròn trĩnh êm êm ấy là miếng bông tẩm thuốc cầm máu. Tự dưng ông thấy mình đã  ngớ ngẩn vô ích. Và lúc ấy, mọi cử  chỉ của ông trở lại đĩnh đạc, dứt khoát- sự đĩnh đạc, dứt khoát vốn có trước khi ông nghĩ đến chuyện nhổ răng. Trưa về, ông trệu trạo nhai cơm. Bắt gặp ánh mắt  ái  ngại  đầy thương yêu của con gái, ông cười âu yếm:

- Ăn đi con gái! Rồi sang năm cha sẽ đóng hàm thiếc.

Tối đến, ông thắp hương cho vợ. Bà nó ơi! Mình vẫn thắm thiết với nhau đấy chứ nhỉ?

T.T.H.T

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>