Hát cương có nghĩa là ứng tác mà hát ngay khi biểu diễn trên sân khấu tùy theo tình huống kịch, chứ không phải hát theo kịch bản. Các đoàn tuồng không chuyên ở Bình Định trước kia khi chuẩn bị tuồng hát thường hỏi nhau: hát “tuồng ông Chinh” (cố NSƯT Hoàng Chinh) hay “tuồng ông Trọng” (cố NSƯT Long Trọng)? Tuồng ông Chinh có nghĩa là hát theo kịch bản; tuồng ông Trọng là hát cương. Cho đến bây giờ, một số diễn viên không chuyên đôi khi quên lời trong kịch bản thì cũng chơi luôn… tuồng ông Trọng.
Có nhiều diễn viên hát cương rất giỏi. Mặc dầu là làm cái việc “bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia”, lắp ghép câu này với câu khác, vở này với vở khác, thậm chí nhiều lúc phải ứng tác cho kịp với tình huống sân khấu, họ vẫn hát vế trống, vế mái rõ ràng, đối rất chỉnh giữa chữ và ý, có vần có điệu hẳn hoi. Danh thủ hát cương nổi tiếng trong giới hát bội Bình Định là cố NSƯT Long Trọng (thế mới gọi “Trọng cương”). Nhiều nữ diễn viên nổi tiếng như bà Hai Hào, chị Mai “cầu dợi”… có thể một mình độc chiếm sân khấu vài tiếng đồng hồ mà các câu hát cương của họ không hề trùng lặp.
Giới hát bội Bình Định thường gọi cố nghệ nhân Hề Công là “Trình Giảo Kim 3 búa”. Xem tác phẩm “Thuyết Đường” ta biết lão tướng Trình Giảo Kim chỉ đánh được đến búa thứ 3 là chân tay bủn rủn. Với Hề Công, vốn liếng cương tập trung lắm cũng chỉ 3 đêm, đến đêm thứ tư thì y như là “bổn cũ soạn lại”. Chuyên đóng vai hề, ông có câu hát “tủ” và thường… xài hoài:
Khổ thân qua lắm em ơi
Thân em như cánh hoa rơi
Thân qua như bánh xe hơi
Xì nổ… tạch đùng đùng.
Với nghệ nhân Nhưng Son, dù cho có đóng vai Đào Công (Đào Phi Phụng), Vương Doãn (Phụng Nghi đình) hay Kiều Công (Lục Vân Tiên)… ông vẫn “xuất khẩu” câu tuồng ruột: “Ngóng trời Nam giọng cuốc véo von” vốn là của nhân vật Thi Sách trong tuồng “Trưng Nữ Vương”. Còn với nghệ nhân Bình Trọng thì dù vai Đổng Trác (Phụng Nghi đình) hay các vai lão khác vẫn không thể nào thiếu câu “ối trời trời ôi” cố hữu.
Cương trong tuồng tiểu thuyết còn dễ, chứ gặp tuồng cổ thì khá gay go, không khéo lại bị “tổ trác”. Một đêm, diễn vở “Lưu Kim Đính giải giáp Thọ Châu”, nghệ nhân Họa Mi đóng vai Lưu Kim Đính, nghệ nhân Năm Cập đóng vai Dư Hồng. Cả hai đều không biết chữ Hán lại không thuộc tuồng, được bên trong hậu trường nhắc nhỏ, khó nghe, người đóng Dư Hồng phải cương bậy. Người bạn diễn giận quá, vì quen cương nên tay cầm kiếm bổ luôn: “Đ.mẹ cái thằng Dư Hồng!”. Khán giả được một phen cười nôn cả ruột.
Nhiều đoàn tuồng không chuyên nhưng rất “tài ba lỗi lạc” hát “tuồng pho cương” cả tuần chưa hết tuồng, dài ngắn tùy theo yêu cầu của khán giả. Thật đáng khâm phục những nghệ sĩ hát tuồng cương. Tối hát, chiều họp sắm tuồng: anh vai kép, em vai đào, chú vai tướng, bác vai lão… tình tiết sắp xếp mạch lạc, mâu thuẩn kịch cũng rất căng thẳng: yêu giận, sum họp, chia li, chết, bị thương đều có đủ, rồi… hát tới tới ! Năm 1985, người viết bài này đã có lần xem một đoàn tuồng không chuyên diễn vở “Bóng đen nghĩa hiệp” tại sân ga Quy Nhơn. Mở tuồng, một bóng người đen sì chạy ngang sân khấu và các nhân vật cứ thế mà hát đuổi theo cái bóng đen kia. Đêm thứ 2 một bóng đen chạy ngang sân khấu… rồi đêm thứ 3, đêm thứ 4 cũng thế. Cuối đêm thứ 4, nghe nói đã vãn tuồng, thế mà người xem chẳng biết cái bóng đen kia là ai. Quả đúng… tuồng cương!
Hát cương không phải dễ, cần nhất là phải quen. Diễn viên các đoàn chính quy thường hát theo kịch bản được dàn dựng nghiêm túc, rất sợ hát cương. Trong một buổi diễn, một nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Đào Tấn sau khi hát xong vế trống của câu hát nam, quên mất vế mái, nghĩ mãi không ra, liền hát đại “Nông nỗi này lòng dạ khó… cương” rồi vội vã lui vào hậu trường.
Hiện nay, trên sân khấu tuồng, đôi khi vẫn còn diễn ra tình trạng hát cương, nhất là ở một số đoàn tuồng không chuyên khi biểu diễn ở các lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển.
. Thúy Vi |