|
Cây dừa 3 thân |
“Công đâu công uổng công thừa,
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”…
Có bao nhiêu con nước êm ả và cuồng nộ đã chảy qua dòng sông Lại? Và đã có bao nhiêu thế hệ đời người nối tiếp nhau sinh tồn, chiến đấu và tưởng nhớ người “ra đi không hẹn ngày về” trên mảnh đất Hoài Nhơn một thời in dấu? Bức ký hoạ hoành tráng về miền dừa bạt ngàn trung du, đồi núi ấy lưu giữ đậm nét hơn trong tâm thức những người con xa xứ. Ngoài cái mênh mông đi vào ca dao dân tộc, nỗi êm đềm của ký ức tuổi thơ vẫn còn mãi tiếng vọng về như lời nhắn nhủ thầm thì của nước dừa tinh khiết, ngọt tràn theo đôi bờ của dòng sông. Và dường như điều ấy đã luôn song hành bên dòng đời xuôi ngược, đã đến hồi viên mãn trong tiềm thức cội nguồn những kẻ hoài hương…
Tôi ghé chơi nhà một bác sĩ quê Hoài Nhơn đang sống và làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Quy Nhơn, vào ngày nghỉ khi anh đang chăm sóc một “bức tranh quê”. Thú thật, bức tranh đẹp như một… Hoài Nhơn thu nhỏ! Lập tức, nó gợi trong tôi chuỗi hình ảnh từ miền xa xăm ký ức… Đó là cây dừa 3 thân có một không hai của anh. Cây dừa được trồng trong một chậu mỏng, men màu trắng xanh, đặt trang trọng nơi phòng khách và rất phù hợp với không gian nhỏ, xinh xắn của kiến trúc nhà ở đô thị. Gặp tôi, anh nói ngay: “Đây là tác phẩm sống “Quê Mẹ”, là hình ảnh đưa nôi thời thơ ấu của mình!” Tôi là người cùng quê với anh và cũng xa quê từ thuở nhỏ nên tôi hiểu và thấm thía điều anh nói.
Theo lời kể, cây dừa 3 thân là kết quả của một buồng dừa thu hái từ cây dừa mẹ có vóc dáng bình thường. Sau thời gian trái già và thêm một thời gian nữa để khô, nó nứt ra 3 mộng. Thấy lạ, người nông phu miền quê liền đem trồng riêng vào một cái chậu, nhưng không phải chậu mà chính xác là một cái la-răn xe nhà binh của Mỹ nằm lăn lóc nơi góc vườn. Một chiếc nôi đầu đời bằng phế tích chiến tranh. Từ đó, nó được duy trì cuộc sống bằng sự chăm sóc đặc biệt hơn, nhưng sự phát triển lại không giống cuộc sống bình thường như đồng loại xung quanh. Năm lên sáu và đến bây giờ cũng thế, cây dừa 3 thân mười tuổi này hãy còn như một hài nhi trong khi chiếc la-răn đã dần mục nát như chấm dứt một quá khứ phi nghĩa…
Còn nhớ một lần, theo người lớn về thăm quê, tôi đã thấy rất nhiều thật nhiều những cây dừa mất ngọn, chỉ còn thân chỏng chơ vì bom đạn. Bom nổ trên miền sơn cước Hoài Ân, bom rơi ở đồng bằng Hoài Nhơn và cả thuốc khai quang của Mỹ rải xuống. Ngoại tôi bảo rằng: “Dừa cũng như người, không biết bao nhiêu cây đã ngã xuống!” Sau hoà bình 1975, dừa được trồng bổ sung. Hiện nay đã lên đến hàng trăm ngàn cây trên toàn huyện Hoài Nhơn và dĩ nhiên như huyền thoại về một người mẹ anh hùng, dừa tiếp tục nuôi dưỡng con người.
Trở lại với cây dừa 3 thân, một hình ảnh của thời thanh bình mà có lẽ nó phải đạt “giải A” trong bất kỳ cuộc trình diễn nông nghiệp hay cuộc thi nào liên quan đến con người, chiến tranh và công cuộc xây dựng đầy khó khăn của đất nước để có một diện mạo mới như hôm nay. Bởi trước hết, đó là một minh họa thật đậm nét về ý thức sinh tồn, về sự sống có cả khổ đau và hạnh phúc của cây trái và của quê mẹ Bình Định.
Trong căn nhà khang trang mới xây với những chi tiết thoáng nét hiện đại của người bác sĩ, “bức tranh quê mẹ”của anh vươn tàu lá xanh mướt còn là nội tĩnh về sức mạnh “…ba cây chụm lại thành hòn núi cao” của dân tộc Việt. Và trong cái nhất thể của Thiên-Địa-Nhân ấy, một tâm sự xuyên suốt được ký gởi vượt trên không gian lẫn thời gian: trong cuộc mưu sinh để khẳng định sự sống, con người vẫn luôn giữ gìn bên mình tấm chân dung tráng lệ về nguồn cội mà nét chấm phá là những bông hoa. Cũng không ai phủ nhận được đây chính là mối tình không lời về quê mẹ. Đó là sự sống của mọi người chứ không chỉ riêng ai.
. Trần Hoàng |