Bên dòng phê bình văn học hôm nay
17:37', 2/4/ 2003 (GMT+7)

1. Vương Trí Nhàn, trong lời bạt tập tiểu luận - phê bình văn học Nghiệp văn của mình (Nxb.Văn hoá Thông tin – H.2001) cho rằng: “Không khí phê bình văn học đã khá sôi động theo cái nghĩa: nhiều người nhập cuộc” và “phê bình đã đạt tới tình trạng gần như thơ, tức là không còn ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư, giữa người để cả đời làm với người tạt ngang tạt ngửa, rỗi rãi nên thử viết cho vui”. Đành rằng tất cả những hiện tượng ấy có tạo nên sự sôi động giả tạo và ồn ào của đời sống văn học thì bản thân nó cũng phản ánh một hiện trạng: phê bình văn học đang đi dần đến sự tẻ nhạt. Khi phê bình không hơn gì bài điểm sách, khi những cây bút phê bình không là những người đọc đặc tuyển hướng dẫn thị hiếu thẩm mĩ, thì phê bình đang tiệm cận đến chính cái điều mà Vương Trí Nhàn đã lên tiếng: “văn hoá quà vặt”.

Trong khi đó, những tác phẩm phê bình văn học của chúng ta lại quá hiếm hoi, không đủ gây nên một không khí học thuật cần thiết cho sự định giá những cái mới trong văn học. Trong sự hiếm hoi đó lại có không ít những tác phẩm phê bình văn học, không có gì hơn là lập lại một cách không mệt mỏi những điều ai cũng biết, hoặc tập trung vào cách ăn ở, ứng xử của nhà văn, mà thiếu đi những mô tả rành mạch về tài năng sáng tạo, giá trị thẩm mỹ tác phẩm văn chương. Văn hóa quà vặt, đã thế, lại dẫn tới sự xuất hiện những “nhà” phê bình ăn theo. Bởi vậy, cũng thật dễ hiểu tại sao, những người sáng tác khinh bạc khi nói đến vai trò của phê bình trong sự phát triển của một nền văn học.  

2. Nói như thế không phải là để phủ nhận những nỗ lực đổi mới của những người làm phê bình văn học thời gian qua. Từ sau năm 1986, cùng với trào lưu đổi mới chung của đất nước, giới phê bình văn học đã cố gắng khắc phục những thiên lệch của phương pháp phê bình xã hội học: thiên về cái xã hội được phản ánh trong tác phẩm hơn là bản thân tác phẩm và tác giả chỉ được coi là con người xã hội. Những người viết phê bình đã quan tâm nhiều đến đặc trưng thẩm mỹ của văn học, ngay mối quan hệ giữa văn học và hiện thực không chỉ là phản ánh mà còn “nghiền ngẫm hiện thực”(chữ Lê Ngọc Trà). Từ quy chiếu xã hội, sang quy chiếu con người, phê bình đã đi thêm một chặng đường mới và tạo thành một diện mạo mới. Chính trong diện mạo mới đó, cũng có những cách tiếp cận khác nhau. Từ đó, tạo thành sự phong phú của phê bình. Nhưng những thay đổi này, theo nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thuý, chỉ là những thay đổi có tính cục bộ. Còn một xu hướng khác, là những nhà phê bình, mà với họ, tác phẩm văn học được quan niệm là một văn bản có tính chỉnh thể, có quy luật nội tại riêng, một thế giới nghệ thuật riêng và là nhân vật trung tâm của phê bình văn học. Những yếu tố như tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, thời đại… chỉ là những tài liệu tham khảo. Họ quan niệm: “Người phê bình ‘giải mã tác phẩm’, còn gọi là ‘làm nổ tung văn bản’, rồi tổng hợp các mảnh vụn thành một cấu trúc chỉnh thể, toàn vẹn với những ý nghĩa nhiều tầng, nhiều lớp của nó” (Đỗ Đức Hiểu- Thi pháp hiện đại). Người làm phê bình trong quan niệm này, nâng cao tầm cỡ của người viết phê bình, xứng đáng với khả năng hiểu biết và cảm thụ của họ. Áp dụng những lý thuyết của phê bình mới: phê bình phân tâm, phê bình cấu trúc, phê bình ngôn ngữ học… những công trình: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du qua truyện Kiều (Phan Ngọc), Đổi mới phê bình văn học, Thi pháp hiện đại (Đỗ Đức Hiểu), Tài năng và người thưởng thức (Đặng Anh Đào), Con mắt thơ, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (Đỗ Lai Thuý), Từ văn bản đến tác phẩm văn học (Trương Đăng Dung)… là kết quả những hướng tìm tòi đó. Trong những thành tựu của phê bình văn học đổi mới có phần đóng góp quan trọng của hướng tiếp cận này.

3. Nhưng những cách tiếp cận khác nhau đó cũng không đủ để tạo thành sự sôi động của phê bình văn học. Những tiếp cận đó, hầu hết chỉ ưu tiên cho sự phát hiện lại những tác giả mà tên tuổi đã định vị trong lịch sử văn học. Thỉnh thoảng, cũng có những bài viết về các cây bút đương đại như Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh… nhưng chỉ như sao buổi sớm. Bản thân các nhà phê bình cũng tránh né “đụng” đến những tác phẩm mới, tác giả mới. Bởi thế, sách in tuy nhiều nhưng định hướng thẩm mỹ của phê bình chẳng bao nhiêu. Ngay một tác giả trẻ phần nào đã định hình như Phan Thị Vàng Anh thì bài phê bình thành công như: Trong sân chơi của Vàng Anh (Huỳnh Như Phương) lại càng hiếm hoi. Những người phê bình trẻ viết về những cây bút trẻ lại càng hiếm. Khoảng trống trong phê bình là điều có thật và không thể phủ nhận.

4. Trở lại cái nhìn khinh bạc của giới sáng tác với những người viết phê bình. Nhiều người có khuynh hướng xem phê bình như cái gì đến sau sáng tác và phụ thuộc sáng tác. Điều này hoàn toàn có lý, khi những người cây bút phê bình không tự vươn lên văn hóa phê bình, khi phê bình đơn thuần chỉ là những hàng chợ. Nói cách khác là với một nền phê bình chưa được chuyên nghiệp hóa.

Không ai có thể bao quát hết một cách toàn diện mọi vấn đề của đời sống văn học. Trong dòng chảy ngày càng trở nên đa dạng, phong phú của văn học đương đại, mỗi nhà phê bình, sẽ chọn cho mình những đối tượng riêng để hướng đến, để khám phá, xuất phát từ những quan niệm thẩm mỹ riêng. Tuy nhiên, nhìn trên toàn cục, đối tượng chính mà nhà phê bình hướng đến, luôn là những thành tựu lớn, trong đó, ưu tiên hàng đầu thuộc về những thành tựu chưa được mọi người công nhận, những thành tựu lớn của tương lai. Do vậy, để có một sự thay đổi, người làm phê bình phải vươn tới văn hóa phê bình. Phát hiện thấy cái đẹp ẩn tàng và điển phạm hóa cái đẹp, xét cho cùng là khởi điểm và cũng chính là đích đến của mọi hành động phê bình.

5. Chừng nào người viết phê bình tự ý thức về công việc của mình như Kim Thánh Thán đã viết khi phê bình Mái Tây: “Chính ý tôi là muốn làm duyên với người đời sau đôi chút, chứ có hoài sức đâu mà chật vật vì người đời xưa” thì mới không tự làm mình cùn mòn đi và thành một thứ dây leo đứng cạnh tác phẩm. Phê bình văn học, khi đó đủ sức tạo thành sự sôi động và góp vào sự sôi động chung của đời sống văn học.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bức tranh quê mẹ  (02/04/2003)
Ở Bình Định  (01/04/2003)
Không mưa  (01/04/2003)
Vầng trăng hình hạt lúa  (01/04/2003)
Vài giai thoại về “tuồng cương”  (01/04/2003)
Hoa sim lại nở trên đồi trạng nguyên  (31/03/2003)
Hồi ức Quy Nhơn  (31/03/2003)
Lý ngựa ô đương đại  (31/03/2003)
Kẻ sĩ Bình Định dưới ngòi bút Vũ Ngọc Liễn  (31/03/2003)
Cái răng  (31/03/2003)