1. Ca dao địa danh là những câu ca dao gắn liền với một địa danh (tên đất, tên làng, tên núi, tên sông…). Kho tàng ca dao Bình Định có nhiều bài ca dao như thế phản ánh đời sống tinh thần và đời sống vật chất của người dân địa phương.
Người Bình Định tự hào về quê hương mình- một quê hương nổi tiếng về danh lam thắng cảnh:
Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có Cù lao xanh..
Sự kết hợp hài hoà giữa núi-sông-biển đã làm cho bức tranh Bình Định thêm sinh động. Rất nhiều thắng cảnh được nhắc đến trong kho tàng ca dao Bình Định. Nói đến phong cảnh Bình Định mà không nó đến tháp cổ Chăm-pa quả là một thiếu sót. Bởi đây là những công trình văn hoá độc đáo. Người dân Bình Định rất tự hào về những ngọn tháp đó:
Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di
Non xanh nước cũng xanh rì
Từ Nam ra Bắc ai cũng đi đường này
Cầu Bà Di là nơi gặp nhau giữa quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt. Đây là vị trí mà đi từ Nam ra Bắc ai ai cũng đều nhìn thấy ngọn tháp. Trong quần thể các ngọn tháp ở Bình Định, Tháp Đôi cũng là tháp được nhiều người biêt đến bởi vì nó nằm ngay trên cửa ngõ ra vào thành phố Quy Nhơn:
Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi
Vật vô tri còn đèo bòng duyên lứa
Huống chi ta với mình
Cách tháp Đôi chừng 1 cây số là hai cầu đường sắt và đường bộ song song nhau nên gọi là cầu Đôi, bắc qua sông Hưng Thạnh. Chính sự trùng hợp này mà dân gian có cách so sánh độc đáo giữa cảnh vật và sự gắn bó trong tình yêu đôi lứa như vậy.
Phong cảnh Bình Định làm cho bao du khách ngẩn ngơ khi và khi trở về, cái đọng lại trong họ còn có thêm dư vị các món ăn:
Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm
Ai đã một lần được ăn “nem chợ huyện” thì không sao quên được hương vị đặc sắc của nó. Bên cạnh những món ăn nổi tiếng, Bình Định còn có nhiều món ăn đặc sản độc đáo, trong đó có những món ăn tuy bình dân nhưng rất hấp dẫn cũng được nhiều người biết đến:
Ai về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
Bí đỏ và dừa thì nơi đâu mà chẳng có. Thế nhưng bí đỏ xắt thành từng miếng nhỏ nấu chung với nước cốt dừa có lẽ ít ở đâu có. Sau khi nấu chín, ta sẽ có một món canh bí đỏ vừa bùi, vừa béo, vừa thơm. Ngon tuyệt! Món này thường có ở vùng quê dừa Tam Quan (Hoài Nhơn). Người Bình Định khéo léo trong việc chế biến những món ăn ngon đồng thời cũng có tài làm ra những sản phẩm mỹ nghệ nổi tiếng:
Gò Găng có nón chung tình
Ở đây có một dạ với mình, mình ơi!
Nếu ai đó đặt chân đến Gò Găng (Nhơn Thành- An Nhơn) thì chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì ở đây hầu như nhà nào , người nào cũng biết chằm nón. Đây là một nghề được lưu truyền từ xưa và cho đến nay vẫn còn là một nghề thủ công chủ yếu của người dân nơi đây. Một sản phẩm thủ công khác cũng nổi tiếng và được nhiều người ưa thích, đó là lụa Phú Phong:
Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương
Tương truyền rằng khi xưa: Nguyễn Ánh bắt được nữ tướng Bùi Thị Xuân, chúng muốn hạ nhục bà bằng cách bắt ngồi trên xe bêu khắp phố. Nhưng chúng không ngờ rằng đây là một vùng dệt lụa nổi tiếng, thế là dân chúng đem hàng trăm cây lụa phủ lên mình bà. Có lẽ chính vì điều này đã góp phần làm cho lụa Phú Phong thêm nổi tiếng chăng?.
Phong cảnh Bình Định đẹp, sản vật Bình Định độc đáo, còn người Bình Định ? Người Bình Định rất mến khách, sống có tình nghĩa, có trước có sau, “có mình, có ta”, có tình cảm gắn bó giữa các địa phương trong tỉnh:
Em về Đập Đá quê cha
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng
Trong tình yêu, con trai, con gái Bình Định rất chân thật. Vì thế lời tỏ tình của họ cũng rất chân chất như tâm hồn của của họ vậy. Họ không có cách tỏ tình “rào trước đón sau” như “mận” hỏi “đào” mà họ nói thẳng:
Đường lên An Lão cheo leo
Thương em anh mới băng đèo tới đây
Chàng trai kia đã lấy nỗi vất vả, gian truân trên con đường đèo dốc để chứng tỏ tình yêu của mình. Và để đáp lại tình cảm mặn nồng của chàng trai, cô gái An Lão cũng bộc lộ tình yêu chung thuỷ của mình.
Bao giờ rừng An Lão hết cây
Sông Lại Giang hết nước thì em đây mới hết tình
Xa nhau một ngày, họ mong chờ đến khắc khoải:
Dừa xanh trên bến Tam Quan
Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu
2. Tên núi, tên sông, tên đồng đã là máu thịt của mọi miền quê hương.
Với người Bình Định, núi thể hiện một không gian đặc biệt trong ca dao địa danh Bình Định. Trong quan niệm thẩm mỹ phương Dông, người xưa thích sự kiên định, tĩnh, vững chãi của núi (non) hơn là sự thay đổi, động, trôi chảy của sông (nước). “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thuỷ” (Người nhân thích núi, người trí thích nước). Người xưa trọng nhân hơn trí, chẳng trách họ thích “đăng cao”. Tên núi- trong ca dao Bình Định- gắn liền với sự kiên định:
Vọng Phu thuộc dãy núi Bà
Phước Sơn chất ngất gọi là núi Ông
Phải chi đây đó vợ chồng
Gánh tương tư khỏi nặng lòng nước non
Núi biểu tượng cho sự tương xứng, hài hoà trong tình cảm.:
Hòn Ông đứng trước hòn Bà
Chồng cao vợ thấp đôi đà xứng đôi
Dáng núi thể hiện khí phách con người Bình Định thượng võ:
An Khê nổi tiếng hòn Bình
Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này
3. Tháp cổ như một đặc trưng của không gian văn hoá trong ca dao địa danh Bình Định
Không chỉ Bình Định mới có tháp Chăm, nhưng tháp Chăm ở Bình Định thật lạ, là “quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát. Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm” (Xuân Diệu- Nhớ quê Nam), là “từ trời xanh- rơi- vài giọt tháp Chàm (…) Tôi như đứa trẻ yêu huyền thoại” (Văn Cao- Quy Nhơn). Bởi vì tháp Chăm trong ca dao Bình Định đóng vai trò như cái đình trong tâm thức người dân Bắc Bộ. Người dân Bắc Bộ mượn cái đình để thể hiện tâm tư:
Qua đình ngã nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Thì người dân Bình Định cũng biết mượn đến tháp:
- Ngó lên hòn tháp Chợ Dinh
Biết ai còn tưởng nghĩa mình hay không?
- Cầu Đôi mà tháp cũng đôi
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được nhau
Hơn nữa, tháp cổ còn gắn liền với thịnh suy của quê hương:
Vững vàng tháp cổ ai xây
Bên kia Thủ Thiện bên này Dương Long
Nước sông trong dò lòng dâu bể
Tiếng anh hùng tạc để nghìn thu
4. Ca dao về địa danh, hình ảnh con người Bình Định rất phong phú và là một di sản văn hoá vật chất và tinh thần quý báu, gắn liền với cuộc sống lao động xây dựng quê hương của người Bình Định từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai.
. Trần Xuân Toàn |