“Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người…”, thật tình cờ không khi những vần thơ của thi sĩ Bùi Giáng lại hòa điệu thành ca từ luyến láy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Kể từ khi ca khúc đầu tay - Ướt mi - ra mắt thì không biết bao nhiêu lần ta gặp trong lời hát của Trịnh Công Sơn những tiếng khóc. Lạ thay, tiếng khóc ấy khiến cho ta lại càng quấn quít hơn với mảnh đất trần gian nhiều âu lo phiền muộn. Nhạc Trịnh sẽ không thể thăng hoa nếu thiếu đi chất thơ của đời trong những ca từ. Bản thân nhạc sĩ là một người vốn nhiều duyên nợ với thi ca, từ chính cuộc sống như một bài thơ của người nghệ sĩ tài hoa lãng tử ấy. Tiếng hát, tiếng khóc, tiếng ru… cứ quấn chặt lấy nhau vướng vít. Có những lời như một niềm ám ảnh: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi, ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi…” và “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mê…”. Người tình bỏ đi, nhạc tình ra đời và đọng lại những vang ngân trong biết bao tâm hồn đang khao khát yêu thương: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” và để người đời biết đến một Trịnh Công Sơn với những tình khúc bất hủ.
Nghệ sĩ quả là một con người đặc biệt, khi những đứa con tinh thần của chính họ lại kéo dài sự sống của họ ở chốn trần gian, khi thân thể đã hóa thành cát bụi. Bởi người nghệ sĩ đã nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa tìm về cái Đẹp, theo nghĩa hoàn toàn nhất của nó. Cái Đẹp không duy mỹ mà cựa quậy dữ dội trong bao biến cố thăng trầm của thời đại, có khi nó cất thành tiếng ca bi phẫn “Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người, tôi đã thấy tôi đã thấy trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn…”, những điều Trịnh Công Sơn chứng kiến trên quê hương lửa đạn căm hờn đã thành tiếng gọi người người trên quê hương sát lại “Nối vòng tay lớn”, là nỗi lòng thao thức nhói đau vì bom đạn tàn phá quê hương “Đại bác đêm đêm dội vào thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe…”.
Tấm lòng Trịnh Công Sơn đã không quẩn quanh trong khuôn đời nhỏ hẹp, cất lên thành tiếng ca ngợi tình yêu mà còn có một điều lớn hơn, day dứt hơn, đã kết lại trong ông thành tình yêu quê hương, nỗi đau thế hệ: “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì… Lòng thật bình yên mà sao buồn thế, giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ”. Những ngày dậy mà đi cùng bạn bè, cất lên tiếng hát trong những đêm không ngủ, có lẽ nhạc sĩ đã nhận ra ý nghĩa đời mình đâu phải chỉ quẩn quanh cùng những triết lý phảng phất màu khói buồn hư vô. Ngay cả những khi khủng hoảng nhất đời ông, khi bị bủa vây trong những cạm bẫy phù hoa, trong vinh quang ảo vọng thì ông vẫn giữ được điều tâm niệm lớn nhất của người nghệ sĩ đích thực: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi…” – tấm lòng cho Đời đã giúp Trịnh Công Sơn “Ôm cuộc sống trong tay bên đời quá rộng” để vượt lên bao vất vả những năm đầu sau chiến thắng mùa xuân 1975, để lại sáng tác, lại rút ruột tằm dâng đời những khúc ca hòa trộn quá khứ và hiện tại, trải lòng trên những lời ca tâm tình: “Em còn nhớ hay em đã quên…”.
Như Trịnh Công Sơn đã từng tự nhận là “Người tình của cuộc sống” – một người tình “luôn nghĩ về cuộc đời, về con người” nên không sợ cái chết “một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời, dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy, giật mình nhìn ra ồ nắng lên rồi”, nguyện dâng đời đóa hoa vô thường với bao suy ngẫm thật đẹp về nhân sinh. Vâng, Trịnh Công Sơn đã nhớ tất cả, để bao người không thể lãng quên người nghệ sĩ đã sống trọn vẹn với Đời bằng một-tấm-lòng.
. Trần Hà Nam
(Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn)
|