Bình sinh, Đào Tấn (1845-1907) rất yêu hoa mai, loài hoa mọc nhiều ở núi đồi xóm mạc quê hương, loài hoa biểu trưng cho cốt cách và tiết tháo của các bậc hiền nhân quân tử. Ta đã gặp hoa mai hoặc “tùng cúc trúc mai” trong thi ca phương Đông, trong thi ca Việt Nam cổ cận, ở Ức Trai, ở Tố Như … Gần với thời Đào Tấn hơn là Cao Chu Thần “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai). Lần đầu tiên ta gặp Đào Tấn với sự “mai hoa hóa” bằng cái biệt hiệu Mộng Mai, Mai Tăng với lời ước nguyện “Nhàn hướng Mai Sơn bốc thọ viên- Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn- Mai sơn tha nhật tàng mai cốt- Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn” (Nhân lúc rảnh rỗi đến núi mai tìm sanh phần – Đứng trên mỏm đá cao cười mà không nói – Ngày nào đó núi mai giữ lại xương mai – Hẳn có hoa mai hóa làm hồn mộng).
Tinh thần ấy, mong muốn ấy đã hiện diện cách chúng ta khoảng một thế kỷ trước, vào cái thời đen tối khổ nhục nhất nhì trong lịch sử dân tộc. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Vinh Thạnh, phủ Tuy Phước, nhờ bẩm tính thông minh và hiếu học, Đào Tấn đã nhập thế bằng con đường khoa cử, làm quan từ triều Tự Đức đến Thành Thái, khi tri phủ, khi phủ doãn, khi tổng đốc, khi thượng thư… Mới thoạt nhìn qua ta thấy đây là một vị quan to đầy quyền sinh sát. Thế nhưng đi sâu vào từng quãng đời, từng ngày tháng, từng mối liên hệ xã hội, từng tâm sự trong tuồng, trong thơ, trong từ khúc ta mới thấy Đào Tấn quả nhiên không phải là ông quan theo đúng nghĩa “cơ chế”. Đường hoạn lộ chỉ là nơi bó buộc thể xác, còn linh hồn ông đã trút vào văn chương, nghệ thuật. Cuộc đời Đào Tấn là cuộc đời bi kịch, bi kịch của một trái tim trung thực trong sáng giữa cuộc thế đảo điên. Ông đã mang nỗi đau ấy trọn một kiếp, nỗi đau lớn tạo sức bật cho nghệ thuật. Một đời làm quan của ông luôn đau đáu giấc mộng hoàn hương để được vui vầy trong gian nhà cỏ đầy ắp những câu hát nam, hát khách, thực hiện sở thích “Tiếu ngã phù sinh như mãn bách – Dã ưng đề vịnh biến thiên nhai”( Nực cười thay giá đời ta sống đến trăm tuổi – Cũng nên đề vịnh khắp nẻo ở bên trời). Chính vì vậy mà nền văn hóa nước nhà nay mới còn được một nhà thơ, nhà soạn tuồng, nhà lý luận và đạo diễn – sân khấu, vị hậu tổ của nghệ thuật tuồng: Đào Tấn.
Sự nghiệp của Đào Tấn là sự nghiệp của một nhà hoạt động nghệ thuật kiệt xuất mà chốn quan trường thời nhiễu loạn không làm hoen ố được tấm lòng vằng vặc nỗi niềm ưu ái quốc dân. Vâng, Đào Tấn là con người ưu quốc ái dân, tuy ở ông, nó không đẩy thành những hành động như Phan Đình Phùng, Mai Xuân Thưởng, như Phan Bội Châu, như Nguyễn Trọng Trì… Nhưng tâm thế của ông là tâm thế hướng về những con người ấy và trong thực tế ông đã ngấm ngầm giúp đỡ các sĩ phu cũng như biểu đồng tình với họ trên những trang văn, trực tiếp hoặc gián tiếp, đẫm đầy huyết lệ. Trong thời buổi ấy, ông đã dám thể hiện tình cảm với Phan Đình Phùng một cách mạnh mẽ : “Thủ vãn sơn hà tâm vị tử – Thân kỳ cơ vĩ khí do sanh – Kinh qua đương nhật ban sư địa – Thiên cổ linh nhân thế lệ hoành” (Một tay cứu vớt non sông, tấm lòng son chửa mất – Thân dù cưỡi sao Vĩ sao Cơ khí phách vẫn còn nguyên – Qua nơi thắng trận năm nào – Dù đến nghìn sau vẫn khiến người ta phải sụt sùi nhỏ lệ). Hay với Phan Bội Châu, Đào Tấn viết : “ Đãn nguyện nhân dân như thử sĩ – Bất sầu định quốc dữ an gia” (Ước gì ai cũng như kẻ sĩ ấy ( thì ) việc trị nước yên nhà chẳng phải lo chi). Đọc lại “Khốc Phan Đình Nguyên” (khóc Đình nguyên Phan Đình Phùng), Ức Phan San (Nhớ Phan Bội Châu), Tặêng Hoàng Kế Viêm tướng quân… ta càng hiểu thêm tâm can của ông với dân với nước. Và do vậy, trái tim ấy mới sản sinh các vở tuồng đầy nghĩa khí với các hình tượng Quan Công, Trương Phi, Hoàng Phi Hổ, Triệu Khánh Sanh, Lan Anh, Tiết Cương, Đổng Kim Lân .v.v. những nhân vật dõng dạc bước vào cõi “ Lao xao sóng bủa ngọn tùng – Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.
Trong thơ và từ khúc của mình, Đào Tấn hay nhắc đến hoa mai. Đó là “Nhi kim biệt xứ mai hoa cửu – Mai hảo ưng như cựu – Phong sương quý ngã tiệm thương nhan” (Mà nay xa cách mai lâu lắm – Chắc mai vẫn đẹp như xưa – Thẹn thay, ta cứ hao gầy theo sương gió). Đó là“ Bất tất vấn mai hoa – Hàn chi tận mộ nha” (Cần gì hỏi hoa mai – Quạ chiều đã đậu cành cây lạnh). Đó là “Trường an ngã hữu mai viên tại – Mộng lý hoàn gia tam thập xuân” (Nơi Trường An đã có vườn mai ở đó – ba chục năm nay ta vẫn mơ trở về quê cũ)… Đào Tấn trước hoàn cảnh ấy đã chọn cho mình một thái độ. Lúc ngồi trong dinh tổng đốc An Tịnh, ông chợt nghĩ về người vợ hiền ở quê nhà và tự hổ thẹn : “Cùng thời điển y xuân ngã tửu – Loạn thời khí gia bão ngã ấu - Kim tư vinh lạc đạm dĩ tịnh – Đối khanh bất giác ngã bình lậu” (Thuở nghèo khó đợ áo mua rượu cho ta – Lúc loạn lạc bỏ nhà bế con thơ cho ta – Nay vinh hiển vẫn lặng lẽ sống thanh bần – So với nàng ta bỗng trở thành kẻ hèn kém). Ông nhìn thấy những người nông dân lam lũ : “Ngũ nguyệt lục nguyệt bất vũ thiên – Đạp xa nhi nữ ca thả niên – Thi nhân mỗi đạo điền gia lạo – Như thử điền gia tối khả liên” (Tháng sáu tháng năm mưa chẳng hột – Đạp xa, em ngủ gật trên guồng – Nhà thơ cứ bảo nhà nông sướng – Thế đấy, nhà nông thật đáng thương - Xuân Diệu dịch). Cái nhìn của Đào Tấn đã biểu hiện một nhân cách.
Ngót một thế kỷ nay, Đào Tấn nằm lại trên núi Hoàng Mai quê nhà đúng với nguyện ước thuở sinh thời của ông. Đây là một trong những thắng tích Bình Định, ngày xưa rợp bóng rừng mai cổ thụ, từ tháng chạp đến tháng giêng sắc hoa vàng rực một vùng, nhân dân quanh vùng đua nhau đi hái lộc xuân. Đứng ở núi Hoàng Mai, có thể dõi mắt nhìn về Mai Viên, tức vườn mai nhà cũ Đào Tấn, cách đó một quãng đồng. Dường như vẫn phảng phất trong hoa mai vần thơ thanh khiết của Đào Tấn Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn”.
. Nguyễn Thanh Mừng
|