|
Cảnh trong một vở tuồng |
Năm 1976, trong một đợt hát án tại đình Kim Chua (huyện An Nhơn) nghệ nhân Bình Trọng (Nhơn Hòa – An Nhơn) đóng vai tên nịnh Phụng Kỳ trong vở tuồng “Phụng Kỳ soán đế”. Ông diễn vai tên nịnh đạt quá, làm khán giả thêm căm ghét nhân vật ông thủ diễn. Người cầm chầu cầm cả nắm thẻ thưởng cố ý ném thẳng vào mặt cái tên nịnh rất dễ ghét ấy, bởi ông ta đã quên hẳn là cái thẻ tre dùng để thưởng, mà lại xem như một vũ khí bất chợt có trong tay, phải ném trúng “cái mặt mốc” đang cười hơ hớ kia thì mới hả giận.
Bây giờ chẳng phải riêng mình diễn viên nhập vai mà cả khán giả cũng thế. Đêm diễn đang lên đến cao trào. Nhờ chiếc quạt lông đang phe phẩy trên tay - vừa là phương tiện biểu diễn, vừa là vật che chắn - cùng với tài lanh lẹ, Bình Trọng nhiều lần né được nắm thẻ tre cứ bay lên nhằm mặt. Mỗi lần né được, ông lại hất cái mặt mốc với hàm râu rìa đầy vẻ khiêu khích về phía người cầm chầu. Ông này giận cái tên nịnh kia quá, liền đứng hẳn dậy, cầm dùi chầu chỉ thẳng vào mặt nhân vật Phụng Kỳ mà hét to giữa buổi diễn: “Giết cái thằng nịnh kia đi!”. Mấy cụ bà, mấy chị phụ nữ ngồi gần sân khấu cũng đã “sực” lắm rồi, thấy có người “xướng” liền nhao nhao “họa” theo, đòi “giết đầu cái thằng nịnh” ấy! Vừa diễn xuất, Bình Trọng vừa hết sức đề phòng, cái dùi chầu kia mà bất ngờ bay lên nhằm đầu thì… chắc chết! Lúc này nhạc chơi điệu “xàng xê”, Phụng Kỳ với chiếc bụng phệ ễnh ra; miệng cười hớ hớ, hớ hớ hớ đầy vẻ đắc ý, chiếc quạt trên tay phe phẩy theo tiếng cười, đồng thời xoay trở lia lịa làm vũ khí cản thẻ thưởng và đất cục từ phía khán giả bay lên, chân ông bước khệnh khạng theo nhịp nhạc “xàng xê”, cứ bước ba bước, đến nhịp trống lại ễnh cái bụng chang bang, rồi hất cái mặt nịnh lên mà nghênh ngó xuống khán giả, lại càng dễ ghét thậm tệ. Tình huống sân khấu lúc này là Phụng Kỳ bắt đầu tiếm ngôi vua, hắn chỉnh chệ bước lên ngai và nói:
Giang sơn này ta đã tóm thâu
Văn ban đâu? Võ bá đâu? Vậy là nó rủ nhau chạy theo lũ Tống Vương rồi. Ơ mà cóc cần, văn ban chi, võ bá chi, một mình ta làm vua cho rộng.
Mỗ tôn mỗ vị vương tức vị.
Diễn viên diễn xuất đến chỗ cao trào. Khán giả cũng lên đến cao trào thưởng thức. Diễn viên nhập vai đến “xuất thần”, khán giả cũng xem đến “xuất thần”, bây giờ khán giả không còn ở vị trí người xem mà trở thành chứng nhân của lịch sử. Sự giao lưu giữa khán giả và diễn viên lên đến cao điểm.
Nghệ nhân Khánh Dư bấy giờ đóng vai Phụng Giao - con gái của Phụng Kỳ - ngăn cản không cho cha soán đế. Sau một hồi giằng co giữa hai cha con, chiếc rương đựng phục trang (cũng vừa dùng làm đạo cụ sân khấu), đang dùng làm ngai vàng – vốn đã quá cũ kỹ, mục nát, bỗng nhiên đổ sụm xuống vì chịu không nổi sức nặng của hai người nhảy ở trên. Bình Trọng đang múa may diễn xuất, bất ngờ bị lọt thỏm vào giữa rương, chiếc bụng được độn to mắc kẹt trong lỗ thủng, 2 chân 2 tay đưa cả lên giẫy đành đạch, miệng hét lên câu nói cố hữu của ông: “Ối trời trời ôi , ối trời trời ôi !”. Vô tình nhờ lớp tuồng đặc biệt và đầy bất ngờ chưa hề có trong kịch bản này mà lớp diễn đạt hiệu quả mãnh liệt. Khán giả thấy tên nịnh gặp “tai nạn” rất thỏa lòng hả dạ, reo hò vang dội: “Đáng đời cái thằng nịnh”. Vị cầm chầu hả hê, cười tít mắt, bê luôn cái khay gỗ đựng thẻ thưởng ném đánh bịch trên cái bụng phệ của tên nịnh Phụng Kỳ. Gánh hát phải cho người ra sân khấu khiêng cả rương và người vào hậu trường mới gỡ nghệ nhân Bình Trọng ra được.
Khi vãn tuồng, không khí nghệ thuật đã lắng xuống, khán giả trở về với vị trí người xem, nhân vật lại cởi lốt thành diễn viên, người cầm chầu chạy vào hậu trường, tìm Bình Trọng:
- Tôi ghét cái thằng nịnh ấy quá nên quên là đang xem hát bội, may mà ném không trúng mặt anh, xin anh bỏ qua cho.
Bình Trọng cười thoải mái :
- Tôi biết rồi, xin cảm ơn anh.
Trước một lớp khán giả nhiệt tình, hào hứng với nghệ thuật đến thế, có người diễn viên nào mà lại không yêu nghề.
. Thúy Vi
|