|
Mãn nguyện (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Kỹ thuật số là một công nghệ mới được ứng dụng vào nhiếp ảnh và phát triển rất nhanh chóng trên khắp thế giới chỉ trong vòng hơn mười năm qua. Tháng Chín 1992, tờ tạp chí nhiếp ảnh thâm niên nhất của Mỹ là tờ Popular Photography nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo đầu tiên đã thay đổi luôn cả tôn chỉ của mình. Không cần thông báo trước, Popular Photography đã âm thầm thay câu khẩu hiệu luôn xuất hiện dưới tên tờ báo “TẠP CHÍ NHIẾP ẢNH LỚN NHẤT THẾ GIỚI” (The World’s Largest Photo Magazine) thành “TẠP CHÍ NGHỆ THUẬT HÌNH ẢNH LỚN NHẤT THẾ GIỚI” (The World’s Largest Imaging Magazine). Từ đó, song song với việc giới thiệu các loại máy ảnh, ống kính, phim... mới ra đời thì tờ Popular Photography cũng giới thiệu luôn cả các phương tiện kỹ thuật số như máy ảnh số, máy quét, ổ đĩa và phần mềm xử lý ảnh.
Những sản phẩm của công nghệ thông tin ấy đã trở thành công cụ quen thuộc và cần thiết đối với những người đeo đuổi nhiếp ảnh trên thế giới. Và với kỹ thuật số khái niệm nhiếp ảnh cũng đã thay đổi: Hình ảnh có thể tạo dựng ra từ óc tưởng tượng chứ không nhất thiết phải chụp bắt trong đời thực. Bằng sự thay đổi này, Popular Photography đã lường trước nhiều sự phản đối, thậm chí cự tuyệt của một bộ phận độc giả trung thành nhưng bảo thủ.
I – Nhiếp ảnh kỹ thuật số trên thế giới
Trên thế giới hiện nay, nếu không kể những lãnh vực chuyên dụng phục vụ cho nghiên cứu khoa học thì có hai lãnh vực mà kỹ thuật số chiếm ưu thế đặc biệt là nhiếp ảnh thương mại-quảng cáo và nhiếp ảnh báo chí.
Những nhà nhiếp ảnh thương mại chuyên chụp ảnh quảng cáo có lẽ là những người tiên phong trong việc cổ võ và sử dụng máy ảnh kỹ thuật số. Ngay từ thuở sơ khai của máy ảnh số, họ đã sử dụng những thiết bị đắt tiền nhất thiết kế cho dân chuyên nghiệp để chụp trong studio. Trong lãnh vực đầy cạnh tranh khốc liệt này, các nhà nhiếp ảnh quảng cáo muốn tồn tại phải thể hiện hết tài năng của mình để mang lại một sức thu hút và tình cảm cho những sản phẩm thương mại vô hồn hay những ý tưởng tiếp thị trừu tượng. Máy ảnh số chuyên dụng thời đó rất đắt tiền, nhưng vì không tốn phim và công in tráng, làm ảnh nên về lâu về dài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ sự tiết kiệm này, nhà nhiếp ảnh có thể thử nghiệm với mọi ý đồ để tạo được hình ảnh độc đáo làm hài lòng các công ty thuê quảng cáo mà không ngại tốn phim. Các cơ sở cũng in quảng cáo thích nhận hình ảnh dưới dạng số để đỡ mất thời gian và tiền bạc quét hình.
Các phóng viên ảnh quốc tế và các hãng thông tấn cũng là những người tiên phong trong việc ứng dụng máy ảnh kỹ thuật số bởi vì họ có thể truyền tức thì hình ảnh chụp ở hiện trường về tòa soạn hay văn phòng qua đường điện thoại hay qua vệ tinh. Một khi ảnh đã đến nơi nhận, tòa soạn có thể xem, biên tập và sử dụng ngay, không cần phải chờ lab in tráng. Với những tờ báo lớn quốc tế một ngày ra 2 ấn bản cho buổi sáng và buổi chiều, thì việc báo phát hành đăng kèm hình ảnh tường thuật một sự kiện nào đó khi sự kiện ấy vẫn chưa kết thúc là điều bình thường. Kết hợp với Internet và thư điện tử, nhiếp ảnh kỹ thuật số đã góp phần tạo ra cuộc cách mạng thông tin.
Không chỉ phục vụ cho báo in, nhiếp ảnh kỹ thuật số còn phổ thông hơn trong lãnh vực báo điện tử – những tờ báo phát hành trên Internet cho độc giả sử dụng máy vi tính. Vì ấn bản điện tử luôn luôn hiển thị trên màn hình máy tính, hay từ máy tính rọi lên những màn hình lớn, các hình ảnh dưới dạng số là điều bắt buộc. Cho dù chụp trực tiếp bằng máy ảnh số hay số hóa bằng cách quét từ một hình ảnh trên giấy in, hình ảnh cuối cùng phải là một hình ảnh dưới dạng số.
Trong lãnh vực nhiếp ảnh sáng tạo thì kỹ thuật số cũng đã giành được một vị trí vững chắc không thể lật đổ. Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) mà Việt Nam là một thành viên cũng đã bảo trợ các cuộc thi hay liên hoan ảnh chuyên về ảnh kỹ thuật số hay có mảng thể loại kỹ thuật số.
Dưới sự bảo trợ của FIAP, Hiệp hội Nhiếp ảnh Áo (VOAV) từ năm 1996 đã có cuộc thi truyền thống hàng năm chuyên về thể loại ảnh kỹ thuật số. Người tham gia có thể gửi ảnh bằng các loại đĩa mềm, đĩa CD, hay phổ biến nhất và nhanh nhất là truyền qua đường thư điện tử. Việc chấm điểm cho ảnh dự thi được thực hiện qua màn hình phóng lớn nối với máy vi tính. Tổ chức cuộc thi theo cách này tiết kiệm rất nhiều chi phí cho cả ban tổ chức lẫn người tham dự. Nhiều cuộc liên hoan ảnh ở các nước khác cũng theo chân VOAV. Và cách gửi nhận ảnh dự thi qua đường thư điện tử và chấm ảnh qua màn hình vi tính sẽ ngày càng phổ biến.
II – Nhiếp ảnh kỹ thuật số ở việt nam
Nếu nói nhiếp ảnh kỹ thuật số trên thế giới bắt đầu phát triển nhanh từ 10 năm qua thì cũng có thể nói rằng công nghệ nhiếp ảnh kỹ thuật số cũng đã du nhập vào nước ta cũng từ 10 năm trước. Chính việc cải tiến công nghệ ấn loát của các nhà in lớn và các tờ báo lớn cùng với việc phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam đã góp phần đem kỹ thuật số đến với các nhà nhiếp ảnh nước ta.
Dù hình ảnh được chụp bằng phim nhựa và in tráng bằng kỹ thuật truyền thống thì việc xuất bản hình ảnh trên báo chí, trong các ấn phẩm, và ngay cả trên những tập vựng ảnh của các liên hoan ảnh truyền thống định kỳ ở Việt Nam như Liên hoan ảnh toàn quốc và Liên hoan ảnh các CLB do Hội NSNAVN tổ chức, Liên hoan ảnh Tp.HCM do Hội Nhiếp ảnh Tp.HCM tổ chức, Liên hoan ảnh Phụ nữ và cuộc sống do NVH Phụ nữ Tp.HCM tổ chức, vv... đã là những sản phẩm kỹ thuật số của công nghệ tin học ứng dụng. Những hình ảnh trên các xuất bản phẩm ấy chính là hình ảnh kỹ thuật số bởi vì theo nguyên lý, chúng được tái tạo từ các tín hiệu số. Còn cho dù chúng được chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số đích thực hay chụp bằng các phương tiện truyền thống trước khi được số hóa bằng các thiết bị máy quét thì điều đó không quan trọng. Và dù có in trên giấy ảnh, in bằng máy in gia dụng, in với kỹ thuật ấn loát hay hiển thị trên màn hình vi tính thì hình ảnh cũng vẫn là hình ảnh.
Do đó có thể nói những người đầu tiên tiếp cận nhiếp ảnh kỹ thuật số ở Việt Nam chính là các hoạ sĩ đồ hoạ làm việc với máy vi tính và giới trẻ say mê công nghệ thông tin. Phóng viên ảnh của nhiều tờ báo lớn trong nước hiện nay cũng đã sử dụng máy ảnh kỹ thuật số trong nghiệp vụ hàng ngày của mình. Cụ thể là nhà nhiếp ảnh Dư Hải, phóng viên ảnh của báo Thể Thao Tp.HCM, và anh cũng là một Hội viên Hội NSNAVN. Và kể từ cuối năm 1997, khi Việt Nam hòa mạng Internet với toàn cầu, các tờ báo điện tử như Nhân Dân, Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Quốc Tế, Sài Gòn Tiếp Thị, Người Lao Động, Đồng Nai, Bình Định.. và các website của TTXVN, VNN, FPT, ... đã đưa lên mạng toàn cầu biết bao hình ảnh từ công nghệ kỹ thuật số. Và cũng chính thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, những thông tin về nhiếp ảnh kỹ thuật số đã dần dần đến với công chúng yêu ảnh.
Trong thời gian qua, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh ở nước ta đã âm thần học hỏi và ứng dụng kỹ thuật số trong việc của mình – đặc biệt là những nhà nhiếp ảnh chuyên về quảng cáo. Một trong những bức ảnh từng đoạt giải Ảnh Đẹp hàng năm của tạp chí Nhiếp ảnh khoảng 3 năm trước đây là một bức ảnh có xử lý vi tính của tác giả Trần Vĩnh Nghĩa (Bình Thuận). Các nhà nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ ở Tp.HCM, Long Thành ở Khánh Hoà... cũng đã cho số hoá các tác phẩm của mình để giới thiệu trên Internet.
Nhưng theo tôi, năm 2000 – năm cuối cùng của thế kỷ XX – chính là năm khởi đầu cụ thể của nhiếp ảnh kỹ thuật số tại Việt Nam với cuộc triển lãm Cuộc trò chuyện tháng Tư tại Tp.HCM và Hà Nội do công ty Epson tài trợ. Toàn bộ các bức ảnh triển lãm tuy chụp bằng các phương tiện truyền thống nhưng tất cả đều được nhà tài trợ cho số hóa bằng máy quét và in trên loại giấy in chất lượng cao với máy in phun màu. Cũng chính công ty Epson vào cuối năm 2000 đã phát động cuộc thi ảnh kỹ thuật số chủ đề “Không khí gia đình đầm ấm trong ngày tết cổ truyền Việt Nam”. Cuộc thi này đã tổng kết và trao giải vào đầu năm 2001. Mùa hè năm 2001, công ty Hewlett Parkard (HP) cũng tài trợ cho cuộc triển lãm ảnh và thơ của nhà thơ Nguyễn Duy với toàn bộ hình ảnh được in khổ lớn trên chất liệu giấy dó cổ truyền Việt Nam bằng các loại máy in phun cao cấp của công ty này sản xuất.
Song song với các hoạt động nói trên, năm 2000 cũng là năm có thể nói đã đặt dấu mốc quan trọng để phổ biến công nghệ kỹ thuật số đến giới nhiếp ảnh Việt Nam. Môn học nhiếp ảnh kỹ thuật số đã được đưa vào giảng dạy thử nghiệm tại lớp nhiếp ảnh của Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Tp.HCM. Và cũng trong năm này, Hội NSNAVN đã tài trợ cho một hội viên biên soạn công trình biên khảo tổng quát đầu tiên tại Việt Nam về đề tài nhiếp ảnh kỹ thuật số. Công trình này đã được nghiệm thu, đánh giá tốt, và sau khi xuất bản thành sách phát hành rộng rãi lại được Hội NSNAVN trao giải Nhiếp ảnh Xuất sắc Quốc Gia 2001 ở mảng sách Nghiên cứu-Lý luận nhiếp ảnh
III - Cần định hướng cho sự phát triển nhiếp ảnh kỹ thuật số
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các minilab kỹ thuật số của Fuji hay Kodak và các dịch vụ chỉnh sửa ảnh bằng máy vi tính ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Nha Trang, Cần Thơ..., cùng các loại máy ảnh kỹ thuật số ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường, có thể nói, nhiếp ảnh kỹ thuật số đến nay đã bắt đầu có ảnh hưởng mạnh đến những người quan tâm đến hình ảnh ở nước ta. Và việc mảng nhiếp ảnh kỹ thuật số bắt đầu xuất hiện và đoạt giải cao trong các cuộc thi ảnh trong 2 năm qua chứng tỏ xu hướng này đã bắt đầu phát triển nhanh ở nước ta.
Nhiếp ảnh đã đến lúc cần và phải theo một con đường thông thoáng hơn. Nhưng làm gì để phát triển nhiếp ảnh kỹ thuật số ở nước ta sao cho vừa hội nhập với thế giới vừa giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị là một vấn đề lớn nằm ngoài thẩm quyền của tôi. Thực tế hiện nay là ngay cả giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng không mấy người có cái nhìn toàn cục về sự phát triển của các kỹ thuật mới. Nhiều người chơi ảnh nghiệp dư cũng muốn tiếp cận với kỹ thuật số thế nhưng rào cản chưa vượt qua được đối với họ là những hiểu biết cơ bản về tin học – bắt đầu từ việc làm quen với những thiết bị. Cuộc cách mạng công nghệ mà kỹ thuật số đem lại cho nhiếp ảnh ngày nay đã kéo theo cùng với nó quá nhiều thiết bị phức tạp, những nguyên lý hoạt động mới mẻ, và những khái niệm kỹ thuật hoàn toàn xa lạ với những ai đã quá thành thạo với nguyên lý đơn giản về tốc độ, khẩu độ, và độ nhạy phim của chiếc máy ảnh truyền thống.
Xin nhắc lại cuộc thi ảnh kỹ thuật số do công ty Epson tài trợ. Mặc dù cuộc thi chưa thu hút được nhiều người tham gia nhưng một số nhà nhiếp ảnh có tên tuổi trong nước như Hoàng Thế Nhiệm, Thu An, Phạm Thị Thu.... cũng đã góp mặt và đoạt giải. Nhưng 2 giải cao nhất lại thuộc về 2 sinh viên Hà Nội và Tp.HCM – những người chơi ảnh nghiệp dư nhưng lại thành thạo kỹ năng vi tính. Việc chậm tiếp thu những thông tin mới, công nghệ mới, ứng dụng mới của nhiếp ảnh thế giới đã trở thành một rào cản đối với các nhà nhiếp ảnh đầy ắp những ý tưởng sáng tạo mới nhưng không tìm ra phương cách thực hiện. Sự thiếu cập nhật thông tin cũng gây ra nhiều hiểu biết sai lệch hay tâm lý sùng mộ quá đáng và cả tâm lý e sợ, dị ứng đối với nhiếp ảnh kỹ thuật số.
Nhiếp ảnh kỹ thuật số không nhất thiết phải là những hình ảnh với các kỹ xảo lạ lùng như nhiều người đã và đang ngộ nhận. Sự ngộ nhận này thực tế đã được phản ánh qua thể lệ của một số cuộc thi ảnh gần đây ở trong nước, trong đó ban tổ chức quy định những điều như: “Không chấp nhận ảnh xử lý bằng vi tính” hay “Chấp nhận mọi kỹ thuật ngoại trừ ảnh kỹ thuật số”, vv. Kỹ thuật số chỉ là một công nghệ, một phương tiện. Còn hình ảnh hiện thực hay phi hiện thực, chân phương hay phức tạp, thì đó chỉ là các thủ pháp sáng tạo của tác giả. Hơn nữa, trong khoảng 2 năm gần đây, sự phát triển của các loại máy minilab kỹ thuật số ở nước ta với những khả năng thực hiện những điều chỉnh, chắp nối tinh vi, những hiệu ứng đặc biệt khó thực hiện hay không thể thực hiện bằng kỹ thuật phòng tối truyền thống, cũng đã góp phần nâng cao chất lượng kỹ thuật cũng như nghệ thuật của hình ảnh càng khiến cho sự ngộ nhận trên càng trở nên sai lầm, lạc hậu. Và tai hại hơn, sự ngộ nhận ấy sẽ trói buộc óc sáng tạo của các nhà nhiếp ảnh tương lai.
Thế kỷ mới sẽ là thế kỷ bùng nổ của hình ảnh kỹ thuật số. Chúng ta sẽ là những người thiệt thòi nếu không biết tiếp thu và ứng dụng những thành tựu mà công nghệ thông tin đã, đang và sẽ mang lại cho đời sống và cũng chính là cho nhiếp ảnh.
. Trần Đức Tài
(trductai@hcm.vnn.vn)
|