Trao đổi:
Không gian và thời gian trong cảm nhận thưởng thức
17:13', 7/4/ 2003 (GMT+7)

Trong cuộc sống hằng ngày, có không ít điều ngỡ quá bình thường lại bất ngờ lấp lánh những vẻ đẹp, sự lý thú khi ta đặt nó trong một không gian, thời gian phù hợp. Bài viết này chỉ là những tản mạn về cảm nhận, thưởng ngoạn.

Hoàng hôn trên hồ Phú Hòa (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Xin bắt đầu bằng chuyện nghe nhạc. Gu thưởng thức mỗi người một khác: nhạc ngoại, nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến… không có gì bàn cãi. Loại nhạc được số đông quần chúng thích, dễ hát, dễ thuộc, giới trí thức thường gọi nôm na là nhạc sến được thể hiện chủ yếu bởi các điệu bolero… Quả là ở phố xá, cái chất thiệt thà, dễ dãi của những bài hát này nghe không hợp. Nhưng lúc nào có dịp về miền biển hoặc đồng quê bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy nó… cũng hay. Ở nơi không gian thoáng đãng, yên ả của những ngôi nhà, thấp thoáng sau những bóng câu, sau những hàng rào cổng ngõ bằng cây xanh, trong âm thanh hiền hoà: chim cu gù, gà cục tác quãng nửa buổi sáng, người làm vườn người làm đồng, nhà ai mở casstte cả xóm nghe, thấy cái nắng trên đồng cũng chất phác. Và những bài nhạc sến mới “ý nghĩ” làm sao!

Tôi không thích cải lương, vậy mà… Chúng tôi đang ngồi câu bên bờ sông Hà Thanh, giữa vùng đồng vắng. Khúc sông nước lợ này có nhiều cọc tre và đá kè bờ cá hồng thích ở, tuỳ con nước, có khi câu suốt đêm. Dòng sông không hoàn toàn hoang vắng. Dòng sông thức với lưới gõ, ánh đèn soi cá xa xa, thỉnh thoảng những chuyến ca nô chạy về Trường Úc. Lúc ấy khoảng hai giờ sáng. Trăng đã lặn. Mặt sông đêm đen thẫm khua nhẹ tiếng mái chèo và tiếng hát cất lên. Chàng lưới gõ cứ thản nhiên thả từng trích đoạn từ những tuồng cải lương xưa cũ. Tôi từng nghe các danh ca Tấn Tài, Minh Cảnh… hát nhưng chưa bao giờ tôi xúc động bằng tiếng hát của người ca sĩ vô danh kia, tiếng hát lan lan trên sóng mềm lúc triều lên sông khuya. Và tôi chợt hiểu vì sao cải lương đã được sinh ra ở Nam bộ dọc ngang kênh rạch!…

Con khướu bạc má kêu chát tai ở lồng nhưng nghe nó hoà giọng rất hay. Con sơn ca bay vút lên trời trong nắng mai mà thả xuống từng dải âm thanh tuyệt diệu. Rồi tiếng hót họa mi trong đêm trăng … Tiếng cồng chiêng, đànt’rưng, đànblơnkhơn, krôngbut, prok, h’đong … nghe trong bập bùng ánh lửa với rượu cần giữa ba bề bốn bên rừng núi mới thực sự thấm thía! Một lần cùng các ngư dân Đề Gi đi nghinh (nghênh ông:rước vong cá voi) ngoài biển, tôi mới thực sự cảm nhận cái hay của chèo bá trạo dù đã nhiều lần xem biểu diễn ở sân khấu.

Lại chuyển sang chuyện nhìn. Trang trí nội ngoại thất không thể thiếu yếu tố quan trọng đầu tiên: sự hài hoà về tổng quan. Chẳng hạn không thể đẹp nếu những chậu cảnh quá lớn trong sân hẹp, cái non bộ quá khổ trong hồ chật, hoặc ngược lại. Rất nhiều điều để nói, để đo đếm, tính toán, chỉ xin lan man chuyện ngắm hoa.

Từ nhà đến cơ quan, cả trên đường, nơi công cộng, ít nhiều đều có hoa hàng ngày quanh ta. Có hoa sang quý đắt tiền, có hoa dân dã dễ trồng dễ kiếm, và hoa dại ven đường nữa ! Có loài hoa ở trong vườn, trong chậu hay cắm vào lọ cũng đều đẹp: hồng, cúc, đồng tiền, cẩm chướng… Có loại ở những vị trí và thời điểm nhất định mới đúng nghĩa. Hoa chuối thật lộng lẫy ở bờ rào, ở trong vườn còn nguyên lùm và chẳng ra sao nếu ai cắt vào cắm bình !

Bạn đã bao giờ thưởng thức hoa dằng dưới trăng? Cái loài hoa dại thân dây phủ trên các bụi gai ở đồi, gò dưới trăng như trắng hơn, thứ màu trắng vừa thực vừa thật huyền ảo như những ngôi sao rắc, kiêu hãnh và dịu dàng, giăng giăng cùng làn hương nồng nàn. Lúc này sức mê hoặc của hoa thật lớn. Hoa cải vàng tươi tinh tế trong nắng mai để lại ấn tượng khó quên ở những vạt bên bờ sông. Bạt ngàn dã quì ngui ngút trong nắng chiều, khắp các ngả đường xe qua ở Tây Nguyên. Dẫu có bị phê phán “cưỡi ngựa xem hoa”, tôi cũng thích ngắm dã quì khi cưỡi… ô tô. Hoa, nối tiếp hoa vàng trôi qua ta day dưa miền ký ức. Bông bụt hàng rào đẹp nhất giữa trưa. Sắc đỏ của hoa càng ngời trong nắng gắt. Cây vừng rất khéo chọn chỗ ở bờ sông bờ suối. Những vòi hoa li ti màu đỏ không có gì đặc biệt nếu không kết hợp với những cánh hoa rơi đầy mặt nước. Sáng tinh mơ những chùm mai chiếu thuỷ thật tinh khôi, thanh thoát-sáng xuân quá đỗi trong lành, hương hoa đã ngấm vào sương mai!

Cả cái sự ăn nữa. Những chuyến đi dã ngoại, bao giờ người ta cũng thấy ngon miệng hơn ở nhà. Con cá nướng trui rồi bày biện mâm bát đàng hoàng ở nhà không đã đời bằng ở giữa đồng, bờ sông, bờ suối. Cạo sạch lớp vảy cháy, những con cá niêng, cá lóc bày biện trên lá, dùng tay mà gỡ những miếng hôi hổi bốc khói. Chỉ cần chuẩn bị gói muối ớt, mấy tép sả và, dĩ nhiên, chai rượu với dăm ba người bạn, sẽ thấy rằng miếng ngon trên đời vừa đơn giản vừa cầu kỳ đến vậy !

Yếu tố không gian và thời gian có can thiệp vào sự cảm nhận thưởng thức của con người. Ngay cả chuyện tình cảm, đôi khi cũng bị thiên nhiên dẫn dụ. Có lênh đênh trên biển mới hiểu vì sao những chàng thuỷ thủ lãng mạn, đa tình. Mà thôi, xin trở về với những lan man cảm nhận và kết thúc theo cảm nhận rằng, bằng cái cách rất riêng nào đó, không gian và thời gian đã can dự vào rung cảm của con người. Và hình như trong mỗi con người chúng ta đã có sẵn một không gian và thời gian riêng. Không tin, bạn hãy lắng nghe, sẽ nhận ra tiếng thì thầm mách bảo, bạn sẽ có những cảm nhận khác tôi. Khác rất nhiều…

.Lê Hoài Lương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ sĩ nhiếp ảnh và kỹ thuật số  (07/04/2003)
Tên tử tù trong bệnh viện   (06/04/2003)
“Giết cái thằng nịnh ấy đi”  (07/04/2003)
Đào Tấn với hoa mai  (04/04/2003)
Nước mắt và nụ cười  (03/04/2003)
Tản mạn về ca từ Trịnh Công Sơn  (03/04/2003)
Mấy nét về ca dao địa danh Bình Định  (02/04/2003)
Bên dòng phê bình văn học hôm nay  (02/04/2003)
Bức tranh quê mẹ  (02/04/2003)
Ở Bình Định  (01/04/2003)
Không mưa  (01/04/2003)
Vầng trăng hình hạt lúa  (01/04/2003)
Vài giai thoại về “tuồng cương”  (01/04/2003)
Hoa sim lại nở trên đồi trạng nguyên  (31/03/2003)
Hồi ức Quy Nhơn  (31/03/2003)