Thơ Nguyên Hiền – Chút tình đọng lại
17:17', 8/4/ 2003 (GMT+7)

(Đọc tập thơ Thầm thì lá – NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2002)

Đôi khi đọc thơ Nguyên Hiền, tôi có cảm giác khó chịu bất chợt. Nên thường phải chọn lúc thật khuya. Bởi ban ngày, giá như có vần thơ nào của anh vang lên sẽ bị lọt thỏm vào muôn mặt đời thường tấp nập, ồn ã những âm thanh. Mặc dù thơ anh không thiếu những âm vang, những nhịp sóng nhưng tôi đồ chừng âm vang ấy là của một quá khứ không nguôi ngoai, nhịp đập ấy là tiếng bồi hồi của chính trái tim anh nên bản thân Nguyên Hiền đôi khi cũng cảm thấy ngỡ ngàng:

Hình như có tiếng vỡ òa

Tôi da diết nhớ sông và biển đau

Thảo nào hương mận vườn sau

Lùa thành con sóng ngầm, sâu, xoáy lòng

(Hình như)

Dường như có một hướng cảm xúc chung cho các nhà thơ bây giờ: rất nhiều hoài niệm và bãng lãng suy tư. Cái bình dị mộc mạc của gốc lúa bờ tre nơi Nguyên Hiền dời chân đi vẫn còn in hằn trên gương mặt từng trải của anh. Có chút gì như vọng về trong từng nhịp thơ lục bát khá già dặn mà không để rơi vào hoa ngôn sáo ngữ ghép vần, có lẽ đó là tấm chân tình anh gửi gắm về miền quê xứ cát. Và thật ngẫu nhiên chăng, khi ánh nhìn chạm cánh buồm trên biển Quy Nhơn đã nối dòng cho con sông quê hoài niệm chảy suốt thơ anh:

Buồm căng gió níu câu thề

Phía xa xăm cũng nhớ quê chiều hồng

Dốc lưng mấy ngụm men nồng

Vịn câu thơ đứng bờ sông đợi chờ

(Hoa giao thừa)

Nguyên Hiền có nhiều câu lục bát hay, phần lớn chứa đựng tâm tình quê hương và khát khao kiếm tìm tri âm của anh. Có ai ngờ con người có vẻ khắc khổ ấy lại là người dễ xúc động vì một ánh mắt, một làn tóc, một sắc nắng, một vầng trăng... Thơ anh có rất nhiều mộng mơ nhưng không phải là cái mộng hão huyền “treo ngược cành cây”. Bởi hồn anh bắt rễ vào mảnh đất nồng mặn mồ hôi và ngất ngây men say tình người:

Con cá rô đồng dâng hương lạ

Thết bàn tiệc rượu nảy mầm thơ

Dăm ba quý khách lưng bầu ấm

Đạm bạc hương quê thấm mặn mà

(Chiều ru Thạch Đề)

Có thể rải rác trong nhiều bài thơ ta gặp một nỗi niềm như thế: Nắng lên rồi xuống cánh đồng/ Gió xôn xao thổi, tóc bồng bềnh bay/ Tôi về Thái Phú chiều nay/ Lúa thơm chín hối bàn tay rộn ràng (Ngõ quê); hay: Mỹ Đức rót trăng say hò hẹn/ Bóng chiều nghiêng núi Chóp Chài thương/ Anh có đến xin đêm ở lại/ Anh ra đi mãi nhớ sóng quê hương (Sóng quê). Không gian kỷ niệm của Nguyên Hiền xôn xao sắc nắng của một niềm thương đau đáu: Nắng chín vàng đồng đội, nắng nung đất bạc, nắng xanh, chùm hoa nắng,... Bao sắc nắng ấy làm nên tình nắng chứa chan.

Nguyên Hiền đã có bao cuộc trở về để kết đọng những vần thơ dâng tặng. Tặng bạn bè, quê hương, gia đình, tặng những con người lam lũ gánh gồng bằng những lời giản dị mà ấm lòng. Tư duy thơ của anh không thiên về triết lý răn đời hay suy tư thân phận mà đúng như tên gọi tập thơ: Thầm thì lá. Phải chăng thầm thì, thủ thỉ là tạng thơ, tạng hồn của anh? Bởi bằng giọng thơ ấy, anh được trở về với chính mình, trở về tuổi thơ đồng vọng và khát khao, được cảm nhận thời gian với tất cả những lắng đọng buồn vui trong cuộc sống. Tiếng lá thầm thì hay chính là nhịp thời gian được anh chắt chiu? Và ùa về bao không gian hoài niệm, nơi anh từng sống, từng yêu: về với chiến khu xưa, trở về trường cũ, bâng khuâng một ánh trăng Mỹ Đức, dạt dào cùng tình quê Hội Vân... Những phút trở về, tìm về, lần về để mở tiếp những con đường giúp anh gặp gỡ, tin yêu con người, cuộc đời hơn:

Con đường dọc ngang đất nước

Tôi đi mới nửa cuộc đời

Nắm chặt tay người phía trước

Ngày đêm thầm lặng buồn – vui

(Tôi đi)

Thơ Nguyên Hiền nhẹ nhàng, rất nhiều thi ảnh, không có nhiều tứ lạ nhưng không phải là thứ thơ vần vè dễ dãi. Bạn bè, người yêu thơ có thể được cùng sẻ chia với anh chút tình đồng điệu. Anh đã có những bài thơ rất trẻ, rất xuân, thậm chí có phần trẻ hơn rất nhiều lứa tuổi của anh. Những vần thơ ấy đã xuất hiện, được chép lại trong rất nhiều những sổ tay thơ của lứa học trò mới lớn. Âu cũng là hạnh phúc!

. Trần Hà Nam

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xuân Diệu với quê hương  (08/04/2003)
Lệ Thu  (08/04/2003)
Không gian và thời gian trong cảm nhận thưởng thức  (07/04/2003)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh và kỹ thuật số  (07/04/2003)
Tên tử tù trong bệnh viện   (06/04/2003)
“Giết cái thằng nịnh ấy đi”  (07/04/2003)
Đào Tấn với hoa mai  (04/04/2003)
Nước mắt và nụ cười  (03/04/2003)
Tản mạn về ca từ Trịnh Công Sơn  (03/04/2003)
Mấy nét về ca dao địa danh Bình Định  (02/04/2003)
Bên dòng phê bình văn học hôm nay  (02/04/2003)
Bức tranh quê mẹ  (02/04/2003)
Ở Bình Định  (01/04/2003)
Không mưa  (01/04/2003)
Vầng trăng hình hạt lúa  (01/04/2003)