Hàn Mặc Tử - nhà báo
17:19', 9/4/ 2003 (GMT+7)

Hàn Mặc Tử – thi sĩ, điều ấy hẳn nhiên rồi. Nhưng một phần quan trọng trong văn nghiệp của Hàn là những bài báo của ông. Theo tài liệu của ông Phạm Đán Bình thì, ngoài bút danh Hàn Mặc Tử, Nguyễn  Trọng Trí - tên thật của nhà thơ Hàn Mặc Tử - còn kí các bút hiệu sau ở dưới các bài thơ, bài báo của mình: Minh Duệ Thị, Lệ Thanh, Mộng Cầm, Lệ Thanh nữ sĩ, Sông Lệ, Trật Sên, Cụt Hứng, Foong Tchoang, Phong Trần…

Chẳng hạn như Minh Duệ Thị xuất hiện ở báo Sài Gòn năm cuối 1935 đến năm 1936, Phong Trần ở báo Tân Tiến (1936-1938), Tiến Bộ (1938) trong đó có đăng phóng sự Đời tài tử (số 11/6/1938), Làm chồng đĩ (số 4/6/1938) và ở các báo khác như: Công Luận, Tân Thời, Sài Gòn văn chương, Ngày Mới…

Đương thời nhóm Thái Dương văn đoàn ở Quy Nhơn - tập hợp một số cây bút ở Quy Nhơn, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên - cũng công nhận: Hàn Mặc Tử là một nhà báo thật sự. Nguyễn  Minh Vỹ, người bạn đương thời của Hàn, một thanh niên của nhóm trên, kể: “Đối với Hàn Mặc Tử lúc ấy chúng tôi cũng chưa tìm hiểu gì về anh cho thật sâu sắc lắm. Nhưng anh lớn tuổi hơn cả trong nhóm chúng tôi, lại nhà viết báo hẳn hoi cho một tờ báo lớn ở Sài Gòn” (Thơ văn Hàn Mặc Tử, Phan Cự Đệ biên soạn, Nxb. Giáo dục, 1993, trang 494). Còn Hoàng Điệp - người bạn thuở hàn vi nói chuyện Hàn vào Nam làm báo như thế nào: “Năm 1935, Hàn Mặc Tử vào làm báo ở miền Nam, phụ trách trang văn chương của báo Sài Gòn. Chàng ra đi với một va li quần áo, mũ, giày và nột chiếc mền len”. Sau này khi về, tất cả những thứ ấy đều không còn vì bị mất cắp, và cả tiền cũng không. Nên biết rằng: “Hồi đó, báo Sài Gòn trả cho chàng mỗi tháng 35 đồng cộng với số tiền 15 đồng các báo khác mà chàng viết giúp. Với 50 đồng lúc bấy giờ, kể ra cũng là một số tiền lớn  1.

Tuy chưa sưu tầm đầy đủ nhưng có thể tạm thấy những bài báo của Hàn tập trung vào hai chủ đề chính: Thời sự văn họcthời sự xã hội.

Một nhà thơ làm báo, tất sẽ dành sự quan tâm đến những vấn đề văn học đang diễn ra ở trong nước và ngoài nước. Với Hàn cũng thế. Hàn bênh vực cho Thơ Mới khi chủ trương “không nên có luật thơ mới”, khi Hàn so sánh “thơ cũ như cô gái xưa chít khăn mỏ quạ, mang chiếc nón nan (…), thơ Mới như thiếu nữ tân thời, phấn son, kiều diễm, mơ màng” và “cô sau ấy sẽ được nhiều người giao thiệp hơn vì người ta sẽ tránh khỏi chế độ cúp cổ, cong lưng, vâng vâng, dạ dạ của cô thứ nhất”. Hàn kết luận “thơ đã là như thế mà còn bắt nạt nó, kéo phạt nó, bảo nó phải ngồi trong căn phòng luật lệ nữa mà chi ?” 1. Lập luận của Hàn đầy thuyết phục.

Hàn quan tâm đến những nhà văn thế giới có những cống hiến cho sự nghiệp dân tộc nước họ, cho việc bênh vực dân chúng cần lao. Chính vì thế mà Hàn có những quan điểm duy vật và cách mạng trong khuynh hướng văn học của mình. Với bài Một cuộc cách mạng trong văn giới Việt Nam (kí tên là Phong Trần, báo Tiến Bộ, số 3/6/1939), Hàn đã dẫn các văn sĩ nước ngoài: Maxime Gorki, Romain Rolland, Henri Barbusse…, trong nước như Hải Triều, Trần Huy Liệu, Phan Văn Hùm… và đánh giá: “Các văn sĩ ấy hoàn toàn thoát khỏi các bụi bặm của luồng gió quốc gia, biết đem cái tinh thần quốc tế để truyền bá lại những bước đường mới mẻ của thời cuộc cần phải đi.”

Chế Lan Viên cũng đã có lần gọi một phần đời của Hàn là cuộc đời cách mạng. Nếu căn cứ vào những ý tưởng trong bài báo trên của Hàn thì thật xác đáng.

Nhà báo Hàn Mặc tử có nhiều bài báo đề cập đến những vấn đề xã hội đương thời. Ở đây chúng tôi muốn nhắc đến bài phóng sự vui mà Hàn Mặc Tử kí tên là Trật Sên: Ông nghị gật, chế giễu trò hề bầu cử “Trung kì nhân dân đại biểu viện” một cách khá sắc bén và ngộ nghĩnh, đúng lúc tại địa phương có phong trào vận động bầu người do ta đưa ra, chống lại người của chính quyền. Ai đọc bài ấy cũng có thể thấy Hàn Mặc Tử rõ ràng là một nhà báo tiến bộ, bút pháp khá sắc sảo so với lúc bấy giờ.

Nhà báo Hàn Mặc Tử đã sử dụng tài tình tất cả các thể tài và bút pháp  của loại hình báo chí, từ phóng sự, bình luận, kí, cho đến phỏng vấn.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử và nhà báo Hàn Mặc Tử có gì khác nhau? Có lẽ với tính thời sự và tính chiến đấu của báo chí, Hàn - nhà báo trực tiếp bộc lộ tư tưởng, chính kiến của mình hơn.

. Trần Xuân Toàn

 

1 Thơ Hàn Mặc Tử – Sở VHTT Nghĩa Bình, XB, 1987, trang 194-195.

1 Báo Tân Tiến, Sài Gòn, tháng 7-1938. 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trần Thị Huyền Trang  (09/04/2003)
Thơ Nguyên Hiền – Chút tình đọng lại  (08/04/2003)
Xuân Diệu với quê hương  (08/04/2003)
Lệ Thu  (08/04/2003)
Không gian và thời gian trong cảm nhận thưởng thức  (07/04/2003)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh và kỹ thuật số  (07/04/2003)
Tên tử tù trong bệnh viện   (06/04/2003)
“Giết cái thằng nịnh ấy đi”  (07/04/2003)
Đào Tấn với hoa mai  (04/04/2003)
Nước mắt và nụ cười  (03/04/2003)
Tản mạn về ca từ Trịnh Công Sơn  (03/04/2003)
Mấy nét về ca dao địa danh Bình Định  (02/04/2003)
Bên dòng phê bình văn học hôm nay  (02/04/2003)
Bức tranh quê mẹ  (02/04/2003)
Ở Bình Định  (01/04/2003)