Tạp bút:
Tản mạn trên những cánh hoa tàn
17:27', 10/4/ 2003 (GMT+7)

Hoa đã hiện diện trong thơ ca, nhạc hoạ từ bao đời với bao nhiêu dáng vẻ, cung bậc làm rung động lòng người. Song loài người nói rất nhiều về hoa nở mà ít khi nhắc đến những cánh hoa tàn. Như thế chẳng hoá ra con người vô tình lắm ư? Không đâu, vẫn còn đó mối đồng cảm sâu xa của một Mai Phi yểu điệu, một Chu Mạnh Trinh tài tử, một Nguyễn Bính tài hoa… Vâng không chỉ có thế, chữ yêu thương của lòng người rất rộng…

Hoa, tặng vật tuyệt diệu của thiên nhiên đối với đời sống con người từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Không kể người đam mê thực sự, bậc quyền quí đến giới bình dân ai cũng đôi lần sững sờ khi đối diện với hoa hoặc thốt nên lời trầm trồ thán phục. Con người thể hiện sự hàm ơn của mình bằng cách tiếp nhận trân trọng và góp phần lai tạo thêm nhiều giống hoa đẹp, tìm cách “đọc” ẩn ngữ của mỗi loài hoa. Giới sáng tạo văn học nghệ thuật tìm thấy ở hoa nguồn cảm hứng vô tận, khi trực tiếp như là đối tượng để giải bày, khi gián tiếp như những bông ngưu bàng gợi cho L. Tôn-xtôi viết nên thiên truyện cực hay về một nhân vật lịch sử của nước Nga: Khát-ghi Mu-rát.

Con người nói rất nhiều về cái mơn mởn tinh khôi, cái e ấp kín đáo, vẻ rạng rỡ thắm tươi hay cao sang quý phái của hoa, hoa nở. Nhưng đời hoa, kiếp hoa tàn, chết ít khi được nhắc đến. Vì xấu, vì buồn chăng? Có thể! Có thể vì quá yếu đuối, hoảng sợ và tuyệt vọng trước quy luật khắc nghiệt của thời gian, con người thường né tránh những liên tưởng gợi lên sự bất lực tất yếu của sinh tồn, nhưng nó, cái se thắt mơ hồ lại là yếu tố góp phần làm nên sự giàu có cho tâm hồn người.

Mối đồng cảm sâu xa của Chu Mạnh Trinh: “Kiếp hoa rụng chọn gì nơi đất sạch” đã xác định địa chỉ cho những cánh tàn hoa. Hoa không chọn lựa thảm cỏ non hay nền gạch bóng, mặt sông hồ hay bùn đất sạch, dơ… Thế mà kỳ lạ thay, hoa như rơi vào từng nỗi niềm riêng, tâm trạng riêng của con người! Những bông hoa vừng rắc đầy trên sóng trôi vô định, những cánh phù dung sớm nở tối tàn, vùng lau trắng bàng bạc cuối nẻo trời chiều… là lời lý giải về sự tinh tế trong rung cảm mà con người đôi khi ngộ nhận ấy là sản phẩm của tình yêu đôi lứa. Phải, tình yêu khiến tâm hồn người thăng hoa nhưng mọi sự nhầm lẫn cũng từ đó mà ra. Hãy xem, cái cô thôn nữ xưa của Nguyễn Bính nhìn hoa xoan ngày hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Vẫn mưa ấy, hoa ấy mà mấy ngày sau khi hội chèo làng Đặng về ngang ngõ thì khác hẳn:

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Cái vùng xoan rơi náo nức và hồi hộp, man mác đã vỡ thành nỗi se thắt trong mối cảm hoài từ: “thôn Đoài hát tối nay” đến “mùa xuân đã cạn ngày”! Dẫu sao, hoa xoan rơi trong mưa xuân cũng cứ còn rơi, rơi mãi trong nỗi lòng thôn nữ!

Trong sổ tay các bạn học sinh, sinh viên yêu thơ các thế hệ thường không thiếu loài “hoa giống như tim vỡ” của nữ sĩ đầy bí ẩn T.T.Kh. Hoa tigôn rụng vào cuộc tình tan vỡ của bài thơ sắc màu khác. Và, cái “Chiều thu hoa đỏ rụng. Chiều thu” ấy là một không gian thu lạ lùng, kỳ ảo khi đất trời chỉ còn loài hoa ấy, chừng như lớp lớp nối nhau trút xuống vạn trái tim đau, không thể nói là không đẹp!

Duy nhất chỉ có hoa quỳnh không tàn héo mà thực sự gục chết trên cành xanh. Loài hoa dành cho một thiểu số hạnh phúc này đã chắt lọc một đời, hoà hợp sắc với trăng trong bàng bạc, hoà hợp hương đồng cỏ nội, hoà hợp thanh âm cùng côn trùng trỗi khúc nhạc đêm mà rung chuyển cả thân cành, đau đớn và mê đắm mãnh liệt phút giây huy hoàng ngắn ngủi trong vật vã niềm đau sinh nở! Nhìn vẻ mãn khai hoàn mỹ và kiêu hãnh của hoa, con người dễ mãn nguyện và mấy ai còn ở bên hoa để thấy hoa gục chết trước bình minh. Nàng tiên áo trắng xuôi tay mỉm cười vĩnh biệt chúng ta mà cái chúi xuống rất thanh thoát ấy cứ ngút lên trong ta nỗi đau rất thật. Trên cành, hoa chết thật rồi, ta ngoảnh lại, mặt trời đang nhô lên bình thản, ngày mới bắt đầu cho muôn vạn sinh sôi…

Những cánh cúc vàng rơi, sắc chẳng tàn phai, lưu luyến chăng hoa thời rực rỡ cùng làn hương khiêm cung, chân phác? Đoá hồng lộng lẫy sắc hương rồi cũng tàn phai như buổi xế chiều. Có mấy ai đành lòng để nguyên lọ hoa hồng tàn héo?

Con người đã tìm cách giữ mãi cái tươi đẹp của hoa bằng những tác phẩm nghệ thuật. Những bông loa kèn trắng của Chu Hoạch vĩnh viễn “vươn cổ thổi lên điệu kèn im lặng/bằng độ trắng tinh khôi bằng độ trắng cuối cùng” khi bè bạn chúng ở ngoài đời đã tàn, đã héo úa, hom hem. Nhưng, đó là những tác phẩm nghệ thuật chứ không phải hoa! Và mọi loài hoa không hề muốn bằng phù phép nào đứng yên trong thời khắc đẹp nhất. Bởi vì nếu quanh mình mãi mãi là rừng hoa tươi thắm, liệu lòng người có còn khát khao chờ đợi? Bởi vì, loay hoay tìm kiếm và lí giải là cách để con người tồn tại, mà hoa, với tất cả những cung bậc của mình, mới thực sự đựng chứa được mọi khía cạnh phức tạp vi tế của hồn người.

Và, bất chợt con người nhận ra những cánh phượng vĩ đỏ thắm tạo nên tấm thảm dày quanh gốc, những cánh mai vàng tươi trải sắc trên sân không hề là kết thúc buồn. Đời hoa chưa chịu chấm hết lúc lìa đài. Không phải tham lam hay luyến tiếc, hoa đã trót vương lời nguyền cháy hết mình cùng hạ, cùng xuân!

. Lê Hoài Lương                                    

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hàn Mặc Tử - nhà báo  (09/04/2003)
Trần Thị Huyền Trang  (10/04/2003)
Thơ Nguyên Hiền – Chút tình đọng lại  (08/04/2003)
Xuân Diệu với quê hương  (08/04/2003)
Lệ Thu  (08/04/2003)
Không gian và thời gian trong cảm nhận thưởng thức  (07/04/2003)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh và kỹ thuật số  (07/04/2003)
Tên tử tù trong bệnh viện   (06/04/2003)
“Giết cái thằng nịnh ấy đi”  (07/04/2003)
Đào Tấn với hoa mai  (04/04/2003)
Nước mắt và nụ cười  (03/04/2003)
Tản mạn về ca từ Trịnh Công Sơn  (03/04/2003)
Mấy nét về ca dao địa danh Bình Định  (02/04/2003)
Bên dòng phê bình văn học hôm nay  (02/04/2003)
Bức tranh quê mẹ  (02/04/2003)