Khoa cử đóng vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời xưa, nhưng phần đông chúng ta ngày nay không còn biết khoa cử là gì nữa, hoặc biết mơ hồ và yên trí với sự mơ hồ đó, chẳng hạn, cho rằng khoa cử chỉ là những kỳ thi thuần văn chương.
Công trình Khoa cử Việt Nam của Nguyễn Thị Chân Quỳnh ra đời, thông qua việc khảo tả một cách tương đối toàn diện về khoa cử, đưa tới cho người đọc những hiểu biết một cách khá đầy đủ và cụ thể về khoa cử.
Nguyễn Thị Chân Quỳnh, tốt nghiệp Trường Cao học Kỹ nghệ Dệt ở Lyon, rồi chuyển sang Anh văn, đỗ tiến sỹ ở Đại học Paris IV. Rẽ qua biên khảo về khoa cử Việt Nam như một tình cờ và như một duyên nợ. Đây quả là một trường hợp lạ lùng, vì một người được đào tạo và giáo dục về văn hóa phương Tây, có bằng cấp cao, lại rẽ ngoặt vào nghiên cứu một lĩnh vực xa lạ: cổ học Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính với nếp chính xác của khoa học tự nhiên, bà làm ta ngạc nhiên với các thao tác nghiên cứu cẩn trọng, những khảo sát tinh tường, chính xác (trường hợp của bà làm ta nhớ đến GS Hoàng Xuân Hãn, cũng là một nhà khoa học tự nhiên rẽ sang làm khoa học xã hội).
Khoa cử Việt Nam là công trình công phu và dồi dào về tư liệu. Tác giả dành thời gian sưu tầm, giới thiệu kỹ lưỡng về từng thời kỳ, từ khi dùi mài kinh sử với lễ khai tâm, học chế - học vụ, sách học, chữ viết, thi khảo - thi hạch; các bước chuẩn bị kỳ thi về thí sinh, khảo quan, trường thi; lúc ứng thi, việc chấm thi và công bố kết quả rất tỷ mỷ với những khảo tả chi tiết và phụ lục. Có thể thấy, công trình quy mô, đầy đủ về khoa cử Việt Nam này là một tài liệu quý cho các nhà nghiên cứu, những người muốn tìm hiểu về nền giáo dục của cha ông ta trong một ngàn năm tự trị. Bên cạnh đó, với văn phong giản dị, rõ ràng, tư liệu dày dặn, xử lý cẩn trọng, hình ảnh sưu tầm phong phú, là những ưu điểm dễ thấy, sẽ giúp người đọc phổ thông tiếp cận tác phẩm không mấy khó khăn. Người đọc sẽ còn thấy thích thú với nhiều khám phá khá thú vị qua sự khảo sát rất kỹ của tác giả: nữ trạng nguyên độc nhất của ta sinh năm nào? Nguyễn Đình Chiểu ra Huế chuẩn bị thi Hương hay thi Hội khoa Kỷ Dậu (1849)? Cách tổ chức khoa thi nghiêm mật như thế nào?…
Với Khoa cử Việt Nam, chúng ta sáng tỏ thêm nhiều điều về nền giáo dục Việt Nam thưở xưa. Ngoài việc đào tạo được nhiều nhà khoa bảng mà ngoài sự nghiệp văn chương, đều có công giúp nước: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ… khoa cử còn cấp cho đất nước ta một nền học vấn rất phổ cập mà theo GS phan Ngọc “so với các nước châu Âu trước cách mạng tư sản thì tỷ lệ người biết chữ Việt Nam vẫn đông hơn”; việc học hành tự do, do gia đình lo liệu, không liên quan tới Nhà nước. Khoa cử cũng đã góp phần tạo nên một nền văn học lấy số phận đất nước làm mục tiêu phục vụ, những con người nhân cách cao, những anh hùng, nghĩa sĩ…
Tuy nhiên, rõ ràng là khoa cử về sau ngày một hủ bại, trở nên không thiết thực do chuộng hư văn. Một trong những lỗi lầm của khoa cử là quá trọng đãi những người thi đỗ, vô hình chung đã tạo nên lớp người học chỉ vụ lấy đỗ; bên cạnh đó, việc học chủ yếu là vận dụng trí nhớ mà thiếu tìm hiểu nghĩa thâm thúy bên trong. Nhưng có thật đó là lỗi của khoa cử?
Phan Huy Chú từng viết “Xem việc thi cử hay hay dở thì biết nước thịnh hay suy”. Thời thịnh, là khi kẻ sỹ coi nó là phương tiện, tạo điều kiện cho mình thi thố tài năng, đạo đức; còn văn chỉ là cái thứ yếu. Mục đích dạy văn là để đào tạo hạng người có kiến thức, có mưu trí, tài ứng đối mẫn tiệp, cách cư xử khôn khéo trên trường ngoại giao. Văn chương đâu chỉ là chuyện phù phiếm mà liên quan đến nhiều việc khác. Những chuyện ứng đối của ta với Trung Hoa là những ví dụ. Chẳng thế mà ngay Quang Trung, anh hùng áo vải, trước khi đại thắng quân Thanh, đã nói: “Nếu cứ binh lửa liên miên thật không phải hạnh phúc cho dân, lòng ta sao nỡ? Vì vậy, sau khi thắng trận, phải khéo dùng ngọn bút thay giáp binh”.
Ta chê khoa cử dùng thơ phú chọn nhân tài kể cũng oan vì thi hương hay thi hội đều có một kỳ thi văn sách gồm hai phần: cổ văn hỏi về chính sự và chính sử Trung Quốc, kim văn hỏi về chính sự hiện tại của nước nhà.
Như vậy, giáo dục Việt Nam thời xưa không phải chỉ dạy toàn ngâm thơ, vịnh nguyệt, nhưng vẫn thiếu óc thực dụng, cần canh cải để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nhưng không đợi đến khi đụng chạm với phương Tây, ông cha ta mới tỉnh ngộ. Hồ Quý Ly, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát… cũng từng muốn cải tổ khoa cử và văn học. Chê khoa cử thiếu thực dụng là đúng, nhưng khoa cử cũng như con dao, dùng lâu ngày sẽ cùn mòn đi. Không mài dũa, dao cùn mòn, lỗi ở người dùng hay ở con dao?
Trong nền giáo dục của chúng ta hiện nay, tư tưởng chuộng hư văn, không phải không có chỗ chen chân. Lối học vẹt, đòi hỏi phải nhớ nhiều và bắt chước khuôn mẫu có sẵn, coi nhẹ phát triển tư duy phê phán, đầu óc sáng tạo và những đức tính cần thiết khác cho hoạt động sáng tạo. Xu hướng trọng bằng cấp hơn thực lực, lấy bằng cấp là mục tiêu, nhằm đạt được sự vinh thân hơn là giá trị của những kiến thức do việc học đem lại, hậu quả là nạn bằng giả và cả những bằng cấp thật nhưng kiến thức giả. Việc học theo khuôn mẫu sẵn có, thiếu sáng tạo; kiểu học “thầy giảng, trò ghi”, rồi trò cứ thế khắc cốt ghi tâm và nhắc lại lời thầy theo, xét ra có khác gì nhiều so với những hạn chế của khoa cử thời xưa.
Đọc Khoa cử Việt Nam, nhìn vào giáo dục Việt Nam hôm nay, mới thấy việc thay đổi quan niệm, cách nhìn mới, trở nên cấp bách đến chừng nào để nền giáo dục tiếp tục phát triển. Một nền giáo dục mới, người học không chỉ đòi hỏi được tiếp thụ các tri thức cơ bản cần thiết cho cuộc sống hiện đại mà chủ yếu mong có thêm nhiều năng lực tìm kiếm tri thức và tạo tri thức, chính là tiến tới xây dựng một xã hội học tập. Ở đó, không một tài năng nào bị lãng quên mà không được khai thác và phát huy. Đó chính là một nền giáo dục hình thành trên một quan niệm mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội hôm nay.
. Lê Viết Thọ
(*)Khoa cử Việt Nam của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Nxb. Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học ấn hành, quý I năm 2003.
|