Sống và viết ở Bình Định là niềm hạnh phúc lớn của đời tôi. Tôi có một Bình Định thẳm sâu, vùng hiện thực mà tôi đi về như một sự ám ảnh. Đôi lúc vốc ngụm nước cửa sông đất này, nghe rõ tiếng khóc cười của mình, nhận diện được bóng hình mình trong chân dung quê hương, chân dung tầng tầng lớp lớp những thế hệ ký thác bằng máu, mồ hôi, nước mắt. Ấy vậy nên người bạn đèn sách của tôi, hít thở khá sâu khí vị Đạo Đức kinh, mượn trộm lời Lão Tử “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần - Thị vị huyền đồng” (Hòa cùng ánh sáng, đồng cùng bụi bặm - Ấy là Huyền Đồng).
Dòng sông văn hóa Việt vạm vỡ đã đem tiếng sóng của mình reo trên thanh gươm ngọn bút, trên gánh gồng của những người mở đất ở một cõi phương Nam xa xưa. Trong hành trang ấy, niềm vui và nỗi đau của mỗi kiếp người, mỗi tộc họ, mỗi nhóm cư dân được đặt trong thân phận cộng đồng chung lưng đấu cật. Sâu xa hơn, nó được đặt dưới ánh mắt cha Rồng mẹ Tiên vĩ đại, luôn âu lo và kỳ vọng theo bước thăng trầm của đàn con cháu có cội nguồn từ cùng bọc trứng. Từ đó, văn hóa xứ sở này, trong huyết quản của văn hóa Việt, đã không ngừng nảy nở sinh sôi.
Có lẽ ước mơ cầm bút của tôi xuất phát từ căn nguyên dòng sữa dân gian Bình Định. Có phải như thế không, thuở bé nơi thôn hương, tôi nghe mẹ tôi hát ru “Một mai nước lớn đò trôi - Cây khô lá rụng bậu ngồi chờ ai - Bậu ngồi chờ kẻ văn tài - Chờ người nho sĩ nào ai chờ mình”. Có phải như thế không, từ trong sự tích Bình Định, người ta đã ví một ngọn núi và một bàu nước là Bút, là Nghiên với những lý giải về vùng đất nhiều thủ khoa, thịnh đạt về chữ nghĩa. Có phải như thế không, người Bình Định đã giành một vị trí cho kẻ hàn nho nhập thế bằng đôi bồ chữ dãi dầu như Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ, con đường từ kẻ chăn trâu đến bậc đại thần, vừa ngàn dặm vừa gang tấc.
Ngay như vị anh hùng dọc ngang binh nghiệp Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng đồng thời là một nhà cầm quyền hết sức trọng văn. Qua cải cách của ông như việc chính thống hóa chữ Nôm từ các văn bản nhà nước đến việc dịch các tác phẩm kinh điển Nho học; qua cá tính của ông như việc phê đơn bằng thơ lục bát, đã nói lên điều ấy. Những văn thần của ông là những văn tài đương thời như Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Đề... ngoài nghĩa vua tôi còn tìm thấy ở ông một tâm hồn tri âm hạnh ngộ. Kẻ sĩ Bình Định xưa, từ Đào Tấn, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ đến Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Đào Phan Duân, Hồ Sỹ Tạo... dù là quan to của triều đình hay chí sĩ xả thân của thời tao loạn, đều để lại tấm gương về khí phách, tâm can của những con người ưu thời mẫn thế, biết sống đúng nghĩa con người có chữ.
Người Bình Định đứng trước đầu sóng ngọn gió của cuộc va đập, sàng lọc trên địa đầu biên ải của thời mở cõi, nửa cuối thế kỷ XV trở đi. Dọc con đường khốc liệt của cuộc chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xã hội, những huyền tích ra đời như muối mặn kết tinh sau phong ba bão táp. Huyền tích về cuộc mặc cả giữa dương trần và âm ti ở bãi Cách Thử mà hàng buôn phải lấy thau nước để thử tiền, đồng nào chìm là của người, đồng nào nổi là của ma, đã nói lên mức độ phức tạp của cuộc hỗn cư, trên con thuyền di dân còn lẫn lộn bậc trí giả và kẻ bịp bợm. Tấm lòng người Bình Định đã cảm thấu tấm lòng trời đất để tạo nên huyền tích về con cọp đến tham thiền, ăn cơm rau với lão sư trụ trì chùa Ông Núi mà sau nầy, Đào Tấn từ quan về tu nơi đây, có ghi lại “Tay cầm gậy trúc hỏi rồng vàng - Chỉ thấy vết cọp còn trong hang - Mây tỏa dứt thung nơi đất Phật - Trúc tùng nửa núi gió thu vang”.
Người Bình Định có thể biến báo từ đòn tỉ thí của gà chọi thành thế võ để cứu đời giúp dân trong câu chuyện về tác giả thế võ “Hùng kê quyền” - Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Cái ngông của họ cũng góp vào giai thoại làng văn một thiên tuyệt diệu như truyện về Nguyễn Bá Huân và Phạm Trường Phát thế kỷ thứ XIX mà đương thời gọi là “Bình Định song cuồng”. Các vị giận quan trường phong kiến bất công, cũng lều chõng đi thi nhưng vừa viết văn vừa tự rót rượu thưởng cho mình, xong rồi lại đắc ý tự khuyên son, sợ để giám khảo chấm uổng...
Doc cuộc sàng lọc để định hình một bản sắc, dòng sông văn hóa đã không ngừng trải rộng, không ngừng nâng cao bãi bờ trần gian bằng một thứ phù sa của đạo làm người - phù sa nhân nghĩa. Do vị trí lịch sử và địa lý của mình, Bình Định xưa là nơi hợp lưu của nhiều mặt đối lập trong một chỉnh thể biện chứng giữa tĩnh tại và biến dịch, giữa kinh kỳ và thôn dã, giữa đại thần và dân đen, giữa văn chương và võ thuật, giữa cương và nhu... Xưa có người cho rằng phong vận Bình Định là phong vận của một khách văn chương khoác trên mình cung kiếm. Lại có người cho rằng đó là phong vận của một hào kiệt luôn dõi tâm về sao Khuê, sao Đẩu. Dù thế nào chăng nữa, nơi xuất phát và cái đích của họ cũng là bến bờ nhân nghĩa, ở đó họ có thể vỗ bầu rượu, trông vời cao xanh mà nhắc lại lời Khổng Tử “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ” (Sớm nghe được đạo lý, chiều chết được rồi). Cái lý sống trong đời họ cuối cùng nằm ở một gánh tình “Nghĩa nhơn ba gánh tràn trề - Gánh từ Phù Mỹ gánh về Bồng Sơn - Mẹ cha nào kể thiệt hơn - Bạc vàng nặng ít nghĩa nhơn nặng nhiều”...
Thời thơ ấu đi qua trong một vườn cam nơi góc núi, tôi được chuốt lấy từ những mùa quả ngọt ngào chút hương vị óng ả của lịch sử, rằng đấy là giống cam miêu duệ của rừng cam tổ có từ thời nghĩa quân Tây Sơn. Tôi có ý nghĩ ngộ nghĩnh rằng giá viết được bản tộc phả của cây, hẳn sẽ khám phá ra cả kho tàng giai thoại về các văn thần võ tướng họ Nguyễn họ Trần họ Võ họ Bùi... của cuộc khởi nghĩa nông dân xưa. Những hạt giống quả nầy đã từng được nâng niu trên bàn tay những con người biết viết văn biết dịch sách, biết múa kiếm biết đi quyền và biết cả cầm cày cầm cuốc. Những bóng lá xanh nồng nã đã chinh phục tôi với niềm liên tưởng kỳ ảo về một áng văn hịch được đọc trên lưng voi lưng ngựa, truyền đi dưới tầng cây, trong lời lẽ thấm máu và bùn, trào dâng lên phong vị đaiï nghĩa chí nhân.
Từ sử sách đến huyền tích, từ đỉnh núi đến đáy sông, thậm chí từ một chiếc lá nhỏ đến khoảnh khắc vô tình, ấp iu nhặt ủ lên trang viết, tôi có một quê đầy đặn trong Tổ quốc muôn trùng. Sự đầy đặn trong muôn trùng ùa vào tâm thức tôi, vun bồi và ký thác...
. Nguyễn Thanh Mừng
|