Tản mạn:
Chuyện hoa
16:48', 13/4/ 2003 (GMT+7)

Phong lan (ảnh: Duy Quyên)

Hoa có một vị trí trang trọng đối với con người. Nó không thể thiếu trong các nghi lễ, giao tiếp, thưởng ngoạn. Hoa là biểu hiện cao khiết trong đời sống tinh thần .

Mỗi loài hoa có một vẻ đẹp riêng. Có điều, ngoài màu sắc, dáng vẻ, hương thơm… hoa thực sự toát lên tinh anh ở những thời điểm, vị trí nhất định. Bạn có bao giờ ngắm hoa dằng dưới trăng chưa? Dằng phủ trên gai dại khắp các đồi, gò một màu trắng loá những bông hoa thanh tú rắc từng chùm sáng sinh động dưới trăng, chừng như chỉ chiếu sáng cho riêng chúng, còn hương thơm toả ra ngây ngất cả vùng. Lúc này, mọi loài hoa sang trọng khác phải xin nhường. Mai chiếu thuỷ nở rộ vào tháng hai. Sáng sớm, khi sương chưa tan, khí trời trong lành, thoảng nhẹ hương thơm, hoa thanh khiết và duyên dáng lạ thường. Bởi cuống hoa thật mảnh và dài nên những nụ lớn tròn căng những chấm trắng cùng hoa nở đều cúi mặt như e thẹn, cuống hoa lại như chùm tia sáng toả xuống tạo nên vẻ hư thực kỳ lạ. Trưa càng nắng, bông trang, bông bụt càng ngời sắc đỏ. Bông chuối nước chỉ đẹp khi đứng ở góc vườn, bờ rào. Đi qua vùng cỏ may, nghe mang mang mùi nắng, biết chiều đang xuống vội vàng …

Không phải ngẫu nhiên dân gian có thành ngữ: “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Thậm chí thời Bắc Tống, danh sĩ Lâm Pha yêu mai say đắm, trồng mai để sớm chiều bầu bạn. Còn Tống Huy Tôn (1108–1135), ông vua đam mê nhan sắc và hoa mai đến nỗi mất cả ngai vàng nhưng đã để lại cho đời bức danh hoạ két 5 màu đậu trên cành mai hiện là một báu vật ở viện mỹ thuật Boston. Hoa mai làm ông bất tử!

Người phụ nữ thường được sánh với hoa: mặt hoa, lệ hoa, giấc mơ hoa… cụ thể là những cành phù dung, đoá trà mi, bông hoa lài… Nhưng có lẽ ở phương diện so sánh sắc đẹp người và hoa, phái đẹp gắn với hoa hồng là sát hợp nhất. Hãy xem nụ hồng tinh khôi mơn mởn xinh xắn. Cái e ấp vẫn còn hồn nhiên lắm. Rồi rạo rực nhoài ra mãnh liệt bằng những mộng mơ, chợt ngạc nhiên trước chập chờn vài cánh bướm khi kín đáo thoảng nhẹ làn hương vào tuổi dậy thì. Hàm tiếu đây, nét môi thắm, má ửng hồng, nét tròn căng nguyên trinh thiếu nữ, hương dù còn kín vẫn mãnh liệt xiết bao! Bán mãn khai… rồi mãn khai: này đây hương này đây sắc, tôi đây, dữ dội và mãnh liệt buổi hồi xuân, loé sáng cuối cùng. Và kia, từng cánh hoa bắt đầu nhàu nhò, đổi sắc, tàn phai… Một đời hoa!

Chẳng biết có phải vì sợ sự liên tưởng tàn nhẫn ấy không mà xưa nay các nhà thơ ít tả hoa tàn. Hoa nở đẹp phơi phới bao nhiêu thì hoa tàn úa xấu xí và thật buồn bấy nhiêu. Bởi vậy, cảm xúc sẽ không hề suy giảm khi ngắm cảnh tàn hoa. Mỗi loài hoa có cách nở khác nhau thì cũng tàn, chết không giống nhau. Những cánh cúc vàng lả tả rơi trong gió xuân vẫn còn nguyên sắc – luyến tiếc gì chăng hoa? Mặc chu lan sầm mặt giận dữ còn đoá hồng hom hem đau đớn quặn lòng! Duy chỉ có quỳnh hoa không tàn mà chết trên cành xanh. Hoa xuôi tay gục xuống, ngút lên nỗi đau rất thật trong ta.

Tào Tuyết Cần đưa một chi tiết thật đắt vào Hồng Lâu Mộng: nàng Lâm Đại Ngọc gom nhặt rồi khóc chôn những cánh hoa tàn! Trên đời này, đã mấy người thực sự khóc hoa? Và Tố Như, chúng tôi hiểu ông, nước mắt đã nhiều, xót thương đã lắm nên mới “tìm thấy” cảnh hoa tàn mà lại thêm tươi. Vâng, chỉ có trái tim cực kỳ nhân hậu mới toả thành ánh nhìn hiếm hoi ấy!

Ai đã từng trồng hoa hẳn biết rằng công lao chăm sóc, tưới bón một ngày nào đó cây sẽ đền ơn. Vậy mà hầu hết cứ sững sờ, lòng bật lên tiếng reo vui lúc phát hiện chồi hoa đang nhú ra. Ngạc nhiên đến ngây ngô trước hương trước sắc, rằng: nó từ đâu đến, giữa lá cành, gốc rễ với chậu đất ẩm đen sì? Cây mai thường làm nhiều người mất ăn mất ngủ. Chăm chút cả năm trời, những ngày tháng chạp quyết định sự thành bại. Gặp thời tiết diễn biến thất thường, người mỏi mắt thắt lòng chờ mãi nụ chưa trồi ra khỏi áo, kẻ đếm hoài số ngày còn lại khi mới rằm, hoa đã rực cây. Đâu chỉ người kinh doanh, ai có một chậu mai mà hoa vào tết không đạt, chẳng buồn? Loay hoay “chữa chạy”, thắc thỏm trông mong, sáng sớm đầu năm, vài bông rưng rưng hé nở là phút giây hạnh phúc vô cùng! Rất nhiều lần, vì hoa, tôi chứng kiến tiếng reo vui trẻ thơ và nỗi buồn chết lặng của những người bạn. Hoa gần gũi, thân thiết với con người xiết bao! Chẳng thế mà Abutalip, nhà thơ nhân dân của Đaghextan nói rằng người đàn ông chỉ quỳ xuống trong hai trường hợp: uống nước suối nguồn và với hoa !

Thuở nhỏ chăn bò, nhiều lần nằm trên vạt cỏ chiều, tôi thử nhá ngọn cỏ mềm mà chẳng hiểu vì sao bò ăn ngon vậy, mê mẩn ngắm hoa rau đắng trắng li ti, dí cái mũi khổng lồ như thằng tồ bên những ngôi sao bé xíu. Lớn lên một chút, có lần giữa trưa hè, đứng bên bờ đầm, cầm lòng không đậu, tôi lội ra ngắt trộm một búp sen hồng, áp môi mình lên lớp cánh mềm ấm nắng, lòng ngất ngây mơ mộng …

Giờ ngồi viết những dòng này giữa một vườn hoa: tố tâm lan, từ bi, hồng, sứ… lòng chợt dâng lên một ước muốn chân thành rằng: Tặng hoa là hành vi thật đẹp con người đã nghĩ ra… Và mọi người sẽ còn tặng hoa nhau mãi mãi, mỗi người ít nhất trong đời tìm thấy một lần cảm xúc:

Người về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cám ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

                      (Tô Thùy Yên)                                             

. Lê Hoài Lương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Có một Thái Dương Văn Đoàn  (13/04/2003)
Phù sa nhân nghĩa  (11/04/2003)
Đọc “khoa cử Việt Nam”(*), nghĩ về giáo dục Việt Nam  (10/04/2003)
Tản mạn trên những cánh hoa tàn   (10/04/2003)
Hàn Mặc Tử - nhà báo  (09/04/2003)
Trần Thị Huyền Trang  (10/04/2003)
Thơ Nguyên Hiền – Chút tình đọng lại  (08/04/2003)
Xuân Diệu với quê hương  (08/04/2003)
Lệ Thu  (08/04/2003)
Không gian và thời gian trong cảm nhận thưởng thức  (07/04/2003)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh và kỹ thuật số  (07/04/2003)
Tên tử tù trong bệnh viện   (06/04/2003)
“Giết cái thằng nịnh ấy đi”  (07/04/2003)
Đào Tấn với hoa mai  (04/04/2003)
Nước mắt và nụ cười  (03/04/2003)