Chế Lan Viên “Trở lại An Nhơn”
17:1', 14/4/ 2003 (GMT+7)

Trong tập thơ “Hoa trên đá” (1977-1984), nhà thơ Chế Lan Viên có một bài thơ viết về quê hương thật dung dị nhưng rất cảm động. Đó là bài “Trở lại An Nhơn”:

Trở lại An Nhơn. Tuổi lớn rồi

Bạn chơi ngày nhỏ chả còn ai

Nền nhà nay dựng cơ quan mới

Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người!

An Nhơn – nơi có thành Bình Định cũ, có các tháp Chàm cổ kính trầm mặc bên sườn đồi như từng gắn bó với nhà thơ Chế Lan Viên và các bạn thơ của ông những ngày thiếu thời. Chế Lan Viên thuở nhỏ đi học ở đây, quen biết nhiều bạn thơ và viết những bài thơ đầu tiên ở chốn này. Cho nên An Nhơn đối với  Chế Lan Viên là “chốn cũ”.

Mở đầu bài thơ là sự “trở lại” của nhà thơ sau nhiều năm tháng cách xa. Câu thơ đầu, với dấu chấm câu dứt khoát, nhà thơ nói rõ điều ấy. Câu thơ 7 chữ lại chia làm 2 vế. Vế sau lại nói đến cái thực tế hiện tại: tuổi lớn rồi!

Trở lại An Nhơn. Tuổi lớn rồi

Bạn chơi  ngày cũ chả còn ai

Thật ra “tuổi lớn rồi” hay bây giờ mình đã già rồi, không chỉ để xác định thời gian đã đi qua, mà còn là thời gian đầy biến động: chiến tranh, loạn lạc, sinh, lão, bệnh, tử… đều có cả trong cái thời gian ấy. Cho nên làm sao trách cứ được sự đổi thay của nhiều thứ. Trở lại chốn cũ nhưng “người” và “cảnh” đâu còn cũ nữa.

Bạn chơi ngày cũ cùng trang lứa với tác giả giờ không còn ai nữa: kẻ qua đời vì bệnh tật, người hy sinh trong chiến tranh, lứa thì trôi dạt nơi chốn nào không liên lạc được… Hàng cha chú với tác giả hiện còn lại rất ít. Về người cũ ở quê hương là như vậy. “Bạn chơi ngày cũ chả còn ai”. Câu thơ như gợi lên cái cô độc trước nơi thân quen ngày nào!

Còn cảnh cũ thì sao? “Nền nhà nay dựng cơ quan mới”. Thế là không còn cảnh cũ nữa rồi. Xưa Nguyễn Du từng than thở về thành Thăng Long: “Thiên niên cự thất thành quan đạo” (Những ngôi nhà đồ sộ từ nghìn xưa đã biến thành đường cái quan); hay như Bà Huyện Thanh Quan thốt lên: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long thành hoài cổ). Câu thơ còn gợi đến cái không khí đổi thay của “Sông lấp”, mà Tú Xương viết: “Sông kia rày đã nên đồng. Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” để cuối cùng nhà thơ “giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Nhưng có lẽ câu thơ trong bài tứ tuyệt này của Chế Lan Viên lại phảng phất cái cảnh ngày xưa Thôi Hộ (sống khoảng trước  sau năm 796) thời Đường từng hỏi:

Tích niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

(Đề đô thành nam trang)

Dịch thơ:

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này

Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây

Má phấn giờ đâu? Đâu vắng tá?

Hoa đào còn giỡn gió xuân đây

(Đề ở trại phía Nam đô thành)

(Tương Như dịch. Theo “Thơ Đường”, tập I, NXB. Văn học, 1987, tr 249)

Cái tâm trạng chơ vơ, đơn độc và buồn của người xưa từ thuở thơ Đường như bắt gặp với cảnh chơ vơ, đơn độc khi chỗ ở nhà riêng biến thành cơ quan trụ sở mới, con người phút chốc thành “người xa lạ” trong bài tứ tuyệt này!

Vậy là, ngay chính trên quê hương mình, tác giả bài thơ - Chế Lan Viên - rơi vào một cảnh trớ trêu: Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người!

Không bạn bè cũ, không thân thích cũ, không còn cả nhà cửa cũ, tác giả không hỏi người thì biết hỏi ai đây? Đằng sau câu thơ là một tâm trạng buồn vì từ quen mà hoá lạ, còn có một tình cảm  rất người: tình cảm với bầu bạn, với quê nhà, và lớn hơn là tình cảm với đất nước, với nhân dân rộng lớn.

Thơ Chế Lan Viên đa dạng. Nhà thơ có những bài viết về quê hương đất nước, về cuộc đời chung, về Đảng và lãnh tụ rất xuất sắc. Nhưng có những bài thơ viết về những tâm trạng rất đời thường, rất người, trong những câu thơ, bài thơ ngắn gọn mà chứa đầy những suy ngẫm sâu xa. Và nó lay động được trái tim người đọc như bài tứ tuyệt này!

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tình muộn   (14/04/2003)
Nhà thơ Lê Văn Ngăn   (14/04/2003)
Chuyện hoa  (13/04/2003)
Có một Thái Dương Văn Đoàn  (13/04/2003)
Phù sa nhân nghĩa  (11/04/2003)
Đọc “khoa cử Việt Nam”(*), nghĩ về giáo dục Việt Nam  (10/04/2003)
Tản mạn trên những cánh hoa tàn   (10/04/2003)
Hàn Mặc Tử - nhà báo  (09/04/2003)
Trần Thị Huyền Trang  (10/04/2003)
Thơ Nguyên Hiền – Chút tình đọng lại  (08/04/2003)
Xuân Diệu với quê hương  (08/04/2003)
Lệ Thu  (08/04/2003)
Không gian và thời gian trong cảm nhận thưởng thức  (07/04/2003)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh và kỹ thuật số  (07/04/2003)
Tên tử tù trong bệnh viện   (06/04/2003)