Thi khúc khải hoàn tháng Tư
17:12', 16/4/ 2003 (GMT+7)

Đọc lại những vần thơ tháng Tư năm 1975, hoà mình vào nhịp bước hành quân thần tốc của đoàn quân giải phóng, mới thấy hết cái vĩ đại, tầm vóc của “chàng Thạch Sanh thế kỉ hai mươi” trong  đại thắng mùa xuân 1975 cách đây 28 năm qua.

Chế Lan Viên trong một bài viết vào những ngày tháng ấy đã gọi đó là “Ngày vĩ đại”. Không vĩ đại sao được khi “lịch sử của nhiều thế kỉ, nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày” đã dồn tụ lại trong một ngày, một tháng, một mùa: Mùa Xuân vĩ đại 1975.

Ta reo vui sao bỗng chốc khóc ròng

Cái hữu hạn lòng ta oà lên vì gặp cái vô cùng

Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại

Có phải ta vừa giành lại non sông? Có phải….

Không ngỡ ngàng sao được khi mà đoàn quân giải phóng đánh thần tốc, đánh phủ đầu “chưa mọc mặt trời đã giải phóng xong ba ấp”, “Ta chưa xong một câu thơ thì đã thu hồi hàng trăm dặm đất”. Thế quân ta như “trúc chẻ ngói tan”.

Mỗi trái tim  muốn cùng triệu trái tim thời đại mình thông báo

Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3 đòn điểm huyệt tuyệt vời

Rụng Kon Tum, Pleiku 18, 19 tháng 3 giặc tháo chạy tơi bời

Ngày 26 tháng 3 các vua xưa ở Ngọ Môn lại cúi đầu dưới sao vàng rực sáng

Ngày 29 tháng 3 thiết giáp ta tiến hai hàng vào sân bay Nước Mặn

Đà Nẵng đây chỉ nghìn quân ta mà mười muôn lính nguỵ chửa hoàn hồn

Tổ quốc thu về bán đảo Sơn Trà và những Ngũ Hành Sơn…

(Chế Lan Viên - Ngày vĩ đại)

Cùng trong một niềm reo vui chiến thắng như thế, Tố Hữu trong bài “Toàn thắng về ta” (1-5-1975) đã thể hiện khí thế quân ta “trăm trận thắng bừng bừng”:

Giặc Mỹ kiêu căng, tưởng có thể ngủ yên trên giường vàng, đầu gối lên bom

Nghe chúng ngáy đủ run – đã có dã man làm luật

Bỗng choàng dậy – bàng hoàng… sắp tắt hoàng hôn

Người chôn chúng là Anh, Anh Giải phóng quân Việt Nam - mũ tai bèo, chân đất

Xử phạt chúng là Anh, nhân danh là tình thương và lẽ phải…

Sài Gòn đã giải phóng. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước bị chia cắt bao nhiêu năm đã thống nhất liền một dải. Độc lập, tự do, một khoảng trời xanh vĩnh viễn cho dất nước này…

Tôi chưa bao giờ gặp đâu một bầu trời như thế

Bầu trời trong cao rộng khác thường

Những hàng me vừa mùa thay lá

Sắc xanh non tuôn sáng những bờ đường

(Ngô Thế Oanh – Khoảng yên lặng tháng Tư)

Đi giữa Sài Gòn sau giải phóng, trong những ngày sôi động như thế, Xuân Diệu như cảm nhận hết giá trị của niềm vui này:

Hai cuộc trường kì kháng chiến, bền gan gian khổ, nhà đổ máu sa

Để có được hôm nay tôi về giữa Sài Gòn chiến thắng, lộng lẫy cờ hoa

Lòng sướng vui như muốn vỡ oà chan hoà nước mắt

Tôi ngẩng đầu nhìn trời: trời của ta cao ngất

Tôi đi trong phố: phố rợp những vì sao

Tôi lắng thân yêu mỗi lời của đồng bào

Và hoà trong niềm vui chiến thắng đó, Xuân Diệu được cảm nhận cái vui riêng: nếm xoài Thanh ca Bình Định quê má mà bao năm rồi Bắc Nam chia cắt ông không có dịp thưởng thức:

Nay mai về Bình Định

Núi sông thống nhất rồi

Thanh ca xoài đến trước

Đưa hương đón bước tôi

(Xuân Diệu – Xoài Thanh ca Bình Định )

Trong những khúc ca khải hoàn tháng Tư năm ấy, có những nốt lặng mà các tác giả đã trân trọng dành cho Bác Hồ kính yêu. Nhớ năm nào, Bác đã không nhận tấm huân chương mà Quốc hội và nhân dân dành cho Bác, vì “Miền Nam mà hai mươi năm qua/ Mỗi trận càn đều làm thân thể Bác đau/ Phải giải phóng miền Nam để huân chương Bác giữ lại ngày nào tổ quốc sẽ gắn lên ngực Bác” (Chế Lan Viên – Nghĩ suy 68). Hôm nay:

Cho chúng con giữa vui này được khóc

Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già

Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc

Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhoà

(Tố Hữu – Toàn thắng về ta)

Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, cả dân tộc này và mỗi người dân Lạc Hồng của thế kỉ hai mươi, trong ngày vui chung đó tất cả đều tự nhủ vậy…

Và những nốt lặng đó còn dành cho những chiến sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc trường kì kháng chiến và cho cả những chiến sĩ giải phóng đã hi sinh trước cửa ngõ của ngày đại thắng. Cả dân tộc này đổ máu và nước mắt cho ngày vĩ đại ấy.

Tạm đóng những dòng viết về thi khúc khải hoàn tháng Tư, tôi xin mượn bài thơ của nhà thơ Thanh Quế viết vào những năm sau ngày Đại Thắng Mùa Xuân 1975 ấy để thấy hết cái đau thương mà vĩ đại, những “máu và hoa” mà dân tộc ta đã trải qua và có được:

Trưa 30 –4 năm 1975

Bạn tôi hát: “Sài Gòn ơi, ta đã về đây…”

Mắt anh lung linh nắng

Chúng ta không ngờ , từ một hẻm sâu kẻ thù đang rình bắn

Anh ngã xuống buổi trưa ngày 30 tháng 4

Ngay lúc ấy, cờ ta bay trên đỉnh “Độc lập”

Cờ lượn nhấp nhô qua những phố phường

Bao người không quen nhau

Bỗng khoác tay hát giữa lòng đường

Thành phố trào lên như biển

Năm tháng trôi qua những tờ lịch trên tường

Nhưng ánh mắt bạn tôi phút đó

Cứ lặng gởi bao điều thăm thẳm nữa

Trong mỗi ngày đời tôi.

 

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phiên chợ Đồ Bàn  (16/04/2003)
Chiều rớt  (15/04/2003)
Có một dòng sông  (14/04/2003)
Chế Lan Viên “Trở lại An Nhơn”  (14/04/2003)
Nhà thơ Lê Văn Ngăn   (14/04/2003)
Chuyện hoa  (13/04/2003)
Có một Thái Dương Văn Đoàn  (13/04/2003)
Phù sa nhân nghĩa  (11/04/2003)
Đọc “khoa cử Việt Nam”(*), nghĩ về giáo dục Việt Nam  (10/04/2003)
Tản mạn trên những cánh hoa tàn   (10/04/2003)
Hàn Mặc Tử - nhà báo  (09/04/2003)
Trần Thị Huyền Trang  (10/04/2003)
Thơ Nguyên Hiền – Chút tình đọng lại  (08/04/2003)
Xuân Diệu với quê hương  (08/04/2003)
Lệ Thu  (16/04/2003)