Nhà thơ Tố Hữu đã có duyên nợ với Quy Nhơn. Tiếc rằng, những dịp ấy lại là khi nhà thơ bị địch bắt đi đày lên Buôn Mê Thuột hay khi bị giam ở xà lim Quy Nhơn. Nhà thơ có 7 bài thơ, có ghi chú là làm ở xà lim Quy Nhơn là: Người lính đêm (6-1941); Ba tiếng (8-1941); Cảm thông (9-1941); Người về (9-1941); Tiếng chuông nhà thờ (9-1941); Đời thợ (10-1941); Một tiếng rao đêm (11-1941).
Chính nhà thơ Tố Hữu kể lại những ngày tháng đó trong hồi ký của mình “Nhớ lại một thời” (NXB. Văn hoá thông tin, 2002), và qua đấy chúng ta thêm hiểu biết về một số bài thơ mà Tố Hữu sáng tác ở xà lim Quy Nhơn như sau:
“Tôi ở Daklay mới hơn một tháng, thì có lệnh phải về gấp “trả nợ” sáu tháng tù tăng án, vì đấu tranh ở Huế. Thế là lại phải xuống Quy Nhơn một lần nữa. Về đây, mới biết rõ tin bọn phát xít Đức tấn công Liên Xô từ cuối tháng sáu. (….) Trong hoàn cảnh ấy, đối với tôi, những ngày tháng ở nhà tù Quy Nhơn thật vô cùng căng thẳng, may nhờ có vài anh lính gác tốt bụng, tôi vẫn được xem báo, thoi dõi chiến sự hằng ngày ở Liên Xô và cả tình hình bọn quân phiệt hoành hành ở châu Á. Mỗi trận thắng lớn của Hồng quân đều cho tôi một liều thuốc bổ vô giá.
Ở đây tôi có một bạn tù mới. Bên cạnh xà lim của tôi có đồng chí Lung, một anh thợ điện bị bắt mấy tuần trước. Mỗi lần được ra sân chơi, chúng tôi liền thảo luận về tình hình và “hâm nóng” lòng tin cho nhau ở chiến thắng cuối cùng của Liên Xô. Lúc nào cũng sôi nổi, Lung nói dứt khoát: Thế nào thằng Hít- le cũng chết!
Đêm đêm, khi đã khuya mà chưa ngủ được, tôi thường nghe một tiếng rao của một em bé gái: “Ai mua bánh bột lọc không?” Tiếng nó rao nhỏ yếu, nghe mà thương quá. Kể thì cũng bình thường, các cháu bé ngày đêm giúp mẹ đi bán dạo những bánh mì bánh ú… Một buổi sáng dậy, bỗng nghe anh Lung gọi sang tôi: “Này, tối qua, mi có nghe con nhỏ mô rao bán bánh không?” Tôi đáp: “Ừ, đêm nào cũng nghe nó rao ngoài tường nhà lao, như để hỏi mình có mua không, thật tội nghiệp!” Bỗng nghe tiếng Lung cười to mà như một tiếng nấc: “Con gái út của tao đó, mới tám tuổi mà đêm nào cũng phải mang bánh đi bán cho mẹ. Hắn biết tao ở trong này nên cố ý rao to cho tao nghe đó. Có đứt ruột không chớ!”. Tôi nghẹn cổ, ứa nước mắt, nhưng cũng cố gắng nói một lời: “Đời còn khổ lắm, Lung ơi, nên phải làm cách mạng chớ sao!” Thế là ngay hôm ấy, tôi lẩm nhẩm bài Một tiếng rao đêm:
Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
….
Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu chỉ vừa đủ rao mời
Mà giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái “bén”…
…
Anh nằm nghe, qua cửa khám xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm, nhỏ nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ, tóc chưa viền
Manh áo mỏng che em không kín ngực
Đầu không nón, bụi sương thầm chấm ướt
Đuôi tóc chuôi chừng bảy tám năm thôi
Ấy chân em leo lên bước đường đời
Ngày tháng đó, trong mủng vài chục bánh
Gia tài đó, mấy đồng xu mỏng mảnh
Biết bao giờ mà sướng được, em ơi!
Nhưng đời không chỉ là tiếng rao đêm ấy. Ngày nào, ở trong nhà lao Quy Nhơn tôi cũng nghe tiếng của nhà máy điện, tiếng chuông của nhà thờ và tiếng kẻng của lính gác, tưởng như cuộc đời chỉ còn Ba tiếng đó. Tiếng thì gọi phải lao động, tiếng thì như ru ngủ tinh thần, còn tiếng thì đe doạ mạng sống! Nghĩa trong đời ba tiếng, Máy điện giục gầm gừ, Chuông đạo hát vô tư, Kẻng tù khua gắt gỏng… (…). Chao ôi! Dưới ách thống trị của bọn đế quốc thực dân, bọn địa chủ, tư bản áp bức, bóc lột thì cuộc sống con người chỉ có thế thôi! Không thể “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” được, nhà thơ Xuân Diệu của tôi ơi! Mà cũng không thể “ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua” được, anh Thế Lữ buồn đời ạ! Bởi vì:
Đời đắng cay không một chút ngọt bùi
Đời đau buồn không một tiếng cười vui
Đời đen tối, phải đi tìm ánh sáng
Cho nên:
Ta bước tới chỉ một đường cách mạng!
Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công
Như những con tàu, giữa biển mênh mông
Còn xa đất, vẫn tin ngày cập bến!
Cuộc chiến đấu sinh tử đang giục ta, từng ngày:
Không thể nữa lưng chừng hay tính toán
Trọn đời ta rút gọn ở giờ này
Bão đã rốc thổi già trên biển loạn
Sống là đây, mà chết cũng là đây!
….
Không thể nữa, cầu xin êm gió nước
Gió vô tri và nước cũng điên cuồng
Phật vẫn lặng như nghìn năm thuở trước
Và trời hay Thiên chúa cũng hư không!
Ở Quy Nhơn mới đó mà đã hết hạn sáu tháng tăng án. Lại có lệnh phải đi đày lên Daklay. Ừ, thì đi. Rồi sẽ tính. Chiếc xe tải chở tù lại đưa tôi đi qua thị xã, như lần trước :
Đường qua mấy phố Quy Nhơn
Nhà sao trông lại yêu hơn mọi lần..
Người đi, quấn áo chen chân
Ờ sao như đã quen thân từ nào!
Xe ơi, chầm chậm, ngừng giây phút
Kẻo nữa rồi đây lại khát khao!
Trên cái ghế dài lắc lư của xe tải, tôi lại ngâm mấy câu thơ của Tiếng hát đi đày nhưng tinh thần tôi không còn như chuyến đi trước, tôi đang tính kế thóat ngục đây.” (tr 60-65)
Như vậy, qua đoạn hồi ký trên, ta thấy, nhà thơ Tố Hữu đã đi qua và ở lại Quy Nhơn ít nhất hai lần. Ở trong tù, nhà thơ đã làm quen với một người dân Quy Nhơn là đồng chí Lung, một thợ điện cũng bị tù đày như nhà thơ. Điều đó nói lên tinh thần đấu tranh cách mạng của người dân Quy Nhơn lúc bấy giờ. Bài thơ Tiếng rao đêm được gợi hứng từ tiếng rao bán bánh của con gái anh Lung. Những tháng ngày ở trong xà lim Quy Nhơn, nhà thơ Tố Hữu thêm một lần nữa thể hiện sắc nét tình cảm nhân đạo cộng sản: Yêu thương quần chúng lao động, trui rèn ý chí cách mạng, quyết tìm đường giải phóng nhân dân, dân tộc ra khỏi cảnh áp bức, lầm than. Cuộc chiến đấu đó như đang giục bước chân nhà thơ. Và bây giờ chuyến đi đày lần này, sau khi ở Quy Nhơn, với nhà thơ đã “không còn như chuyến đi trước ”, nhà thơ lạc quan, tin tưởng ở tương lai thắng lợi của cách mạng: “tôi lại ngâm mấy câu thơ” và “tôi đang tính kế thoát ngục đây”. Tù đày, chết chóc với nhà thơ lúc này sao mà nhẹ như lông hồng. Có thể nói rằng, những ngày ở xà lim Quy Nhơn đã giúp nhà thơ thêm niềm tin yêu, khẳng định, củng cố thêm lí tưởng cách mạng đã có “từ ấy” ở nhà thơ trẻ Tố Hữu.
Cũng trong hồi ký của mình, nhà thơ còn kể thêm một câu chuyện có liên quan đến Quy Nhơn:
“Anh cả tôi cũng kể lại một câu chuyện khá cảm động. Chính trong thời gian tôi bị giam ở nhà lao Quy Nhơn hồi 1941, anh tôi đang làm việc ở sở Bưu điện. Khi tôi vượt trại giam tháng 3/1942, anh nhận được lúc nửa đêm bức điện khẩn và mật của địch phải truyền đi khắp nơi. Lẽ nào, anh lại truyền lệnh địch lùng bắt em? Thế là anh giả vờ ngủ quên, coi như không biết. Sáng hôm sau, viên chủ sở hỏi, anh tỏ vẻ ngơ ngác, liền bị mấy bạt tai và bắt phải điện đi ngay, suýt nữa bị tù. Chắc là tôi sẽ bị bắt lại, nên nhân khi Côn Đảo đang cần cán sự bưu điện, anh tôi liền xin ra đó làm việc, hòng có thể giúp em được chút nào nếu tôi bị đày ra đảo. Nhưng tôi đã thoát nạn, và anh tôi lại có cơ hội gần gũi nhiều cán bộ ta bị nhốt ở nhà đày, giúp một số việc, báo chí thuốc men, thư từ, nhất là liên lạc với đất liền” (tr 244-245).
Đấy là duyên nợ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu cách đây hơn 60 năm với Quy Nhơn chúng ta !
. Trần Xuân Toàn |