|
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi |
Những gì kia cuộn nhau
Trong bao đời bóng đêm
Cái ác của kẻ mạnh
Cái hèn của kẻ yếu
Cái tham của kẻ thừa
Cái thèm của kẻ thiếu
Dân tộc thù dân tộc
Con người sợ con người
Không sao chịu nổi
Lật hết đi
Thử xoay ngược lại
Xem thành cái gì
Cái hèn của kẻ mạnh
Cái ác của kẻ yếu
Cái thèm của kẻ thừa
Cái tham của kẻ thiếu
Dân tộc sợ dân tộc
Con người thù con người
Đã bao đời
Bóng đêm xoay ngược
Vẫn là bóng đêm
Nhưng nước mắt người mẹ
Làm đứng dậy người con
Giọt máu người ngã xuống
Thành ngôi sao dẫn đường
Và lặng im cũng thành tiếng gọi
Xoá đi bóng đêm
Mở ra buổi sáng
Không có bóc lột,ăn hiếp
Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc
Mỗi con người cần đến mỗi con người
Thưa bạn
Tôi nghĩ Cách mạng là như vậïy
Mở ra buổi sáng
Mới vỡ nghìn hang ổ
Của những gì cuộn nhau trong bóng đêm
Nhưng đó không phải chuyện của một lúc
Cách mạng là gì? Các sách về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản với học thuyết đấu tranh giai cấp đã giải đáp rất tưòng tận. Hay nói vui như nhân vật của Lỗ Tấn trong AQ chính truyện khi chiết tự từ “Cách mạng” là “cách” mẹ cái “mạng” nó đi. Nói đến cách mạng dễ thường người ta nghĩ đến những gì có liên quan đến một sự thay đổi lớn lao…
Có người đã nghĩ về cách mạng rất khúc chiết, nhưng cũng không kém phần thơ mộng. Bởi vì họ nghĩ về cách mạng bằng những vần thơ. Ta tìm thấy điều ấy trong bài thơ Cách mạng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Mở đầu bài thơ, tác giả nêu lên một hiện thực:
Những gì kia cuộn nhau
Trong bao đời bóng đêm
Nói đến những gì hắc ám, khổ đau, tồi tệ… người ta thường ví với bóng đêm (như “đêm trường trung cổ” chẳng hạn). Bóng đêm - đó là chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa thực dân… “Bao đời bóng đêm” là một hiện thực ở nước ta, hết phong kiến ngàn năm đến thực dân… trước Cách mạng. “Những gì kia cuộn nhau” được tác giả cho biết ở những khổ thơ tiếp theo. Đó là cái ác, cái hèn, cái tham. Đó còn là kẻ mạnh, kẻ yếu, kẻ thừa, kẻ thiếu…
Dưới bóng đêm kinh hoàng đó là sự tồn tại:
Cái ác của kẻ mạnh
Cái hèn của kẻ yếu
Cái tham của kẻ thừa
Cái thèm của kẻ thiếu
Dân tộc thù dân tộc
Con người sợ con người
Sống trong bóng đêm như thế, con người muốn thay đổi hoàn cảnh sống “tức nước vỡ bờ”. Đấy là lúc họ nổi can qua:
Không sao chịu nổi
Lật hết đi
Thử xoay ngược lại
Xem thành cái gì
Thì đây, bây giờ là:
Cái hèn của kẻ mạnh
Cái ác của kẻ yếu
Cái thèm của kẻ thừa
Cái tham của kẻ thiếu
Dân tộc sợ dân tộc
Con người thù con người
Thật trớ trêu, những tưởng “con vua thất thế lại ra quét chùa” nhưng đâu vẫn vào đấy. Đó là sự hoán vị triều đại này bằng triều đại khác. Bản chất của bóng đêm vẫn không thay đổi. Hai khổ thơ trên cho thấy điều ấy: cái ác/kẻ mạnh, cái hèn/kẻ yếu thành cái hèn/kẻ mạnh, cái ác/kẻ yếu…
Tác giả Nguyễn Đình Thi nhận thấy:
Đã bao đời
Bóng đêm xoay ngược
Vẫn là bóng đêm
Các cuộc khởi nghĩa của cha ông ta bao đời nay vẫn không thay đổi được bóng đêm. Ngay như phong trào nông dân Tây Sơn của Nguyễn Huệ thiên tài vẫn chỉ là thiết lập lại một nền phong kiến như xưa mà thôi. Phải làm gì khác và theo cách khác thôi. Nhưng đó là cách gì, theo đường hướng nào?
Trong khổ thơ tiếp theo, tác giả dẫn dắt người đọc:
Nhưng nước mắt người mẹ
Làm đứng dậy người con
Giọt máu người ngã xuống
Thành ngôi sao dẫn đường
Và lặng im cũng thành tiếng gọi
Cuộc chuyển biến, đổi thay nào chẳng là sự hi sinh, mất mát. Thế nhưng sự mất mát hi sinh ở đây vì một lí tưởng mới, một xã hội mới công bằng, hạnh phúc theo ngôi sao dẫn đường. Ngôi sao ấy là lí luận cách mạng của những người theo chủ nghĩa xã hội khoa học, theo ánh sáng dẫn đường của đường lối cách mạng của Bác và Đảng ở nước ta. Chỉ có vậy mới:
Xoá đi bóng đêm
Mở ra buổi sáng
Một cách vĩnh viễn và triệt để hơn. Đó là xã hội dưới ánh sáng. Đó là cảnh:
Không có bóc lột, ăn hiếp
Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc
Mỗi con người cần đến mỗi con người
Đấy là những điều hoàn toàn khác với những xã hội trước đây. Đó cũng là quan niệm của tác giả về cách mạng :
Thưa bạn
Tôi nghĩ Cách mạng là như vậy
Mở ra buổi sáng
Mới vỡ nghìn hang ổ
Của những gì cuộn nhau trong bóng đêm
Những khổ thơ trên tạo nên một hình ảnh rất thú vị. Trong ngôi nhà đầy bóng đêm, dù anh có cố sức xô cánh cửa về phía nào cũng chỉ gặp bóng đêm. “Đã bao đời , bóng đêm xoay ngược vẫn là bóng đêm”.
Kết thúc bài thơ, diễn đạt ý nghĩa thay bậc đổi ngôi thật sự trong cách mạng là chuyện lâu dài và lắm hi sinh như tác giả nói:
Nhưng đó không phải chuyện của một lúc
Trải qua nhiều gian lao khổ đau, hi sinh mất mát, dưới ánh sáng của đường lối cách mạng của Đảng và Bác, nhân dân ta từ địa vị người dân mất nước, thành người làm chủ xã hội, làm chủ đất nước này, và đang ngày càng làm cho nó phát triển. Dân ta đã làm thay đổi số phận của mình.
Bài thơ thống nhất trong cùng một hình ảnh đất nước quật cường xoá bỏ bóng đêm để vươn lên ánh sáng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ trong máu lửa
(Trích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi)
. Trần Xuân Toàn
* (Đọc bài thơ “Cách mạng” cuả nhà thơ Nguyễn Đình Thi – Thơ Việt Nam hiện đại- tập I – NXB. Hội Nhà văn, H. 1993) |