Nhớ Nghệ sĩ ưu tú Long Trọng
17:11', 25/4/ 2003 (GMT+7)

Nghệ sĩ Long Trọng tên thật là Trần Long Trọng, sinh năm 1916, mất năm 1989, quê ở Tuy Phước. Năm 15 tuổi, Long Trọng được ông Chánh Ca Chạng nhận làm con nuôi và dạy nghề hát. Ông có hơi xuôi, hát rất ngọt, năm 18 tuổi đã nổi tiếng là một kép trẻ đầy tài năng. Long Trọng cùng với hai nghệ nhân Hoàng Chinh, Tư Cá được khán giả xưng tụng là “Bình Định tam danh ca”. Cả 3 người đều được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Ông ít thuộc tuồng, lên sân khấu thường hát cương, tuy nhiên ông hát cương rất giỏi, đối đáp nhanh nhẹn, ý tứ rõ ràng chứ không tối nghĩa, nên thường được gọi là “Trọng Cương”.

Trong cuộc đời đi hát, Long Trọng lang bạt ở nhiều nơi, ra Quảng Nam hát cho gánh Ý Hiệp miền Trung, vào Phú Yên hát cho gánh Bang Hưng, và vào đến tận Sài Gòn… Ông đã từng cùng với các nghệ sĩ Cửu Vị, Minh Đức, Hồng Thu được mời ra kinh đô Huế hát trong cung vua Bảo Đại, riêng ông được Bảo Đại thưởng kim tiền (như huy chương vàng). Người nghệ sĩ tài hoa này cũng rất “ngông”, ông đã đem kim tiền đổi lấy rượu uống chơi. Long Trọng nổi tiếng qua nhiều vai kép trắng và kép độc trong nhiều vở tuồng đề tài tiểu thuyết. Riêng tuồng cổ, ông cũng thành công ở nhiều vai: Tào Tháo (Huê Dung lộ), Lưu Bị (Giang Đông phó hội), Vương Doãn (Phụng Nghi đình), Châu Thương (Quan Công hồi Cổ thành).

Sau năm 1954, Long Trọng cùng Hoàng Chinh, Tư Cá lập gánh hát Đoàn Kết ở Bình Định. Một thời gian sau ông chuyển sang hát cho gánh Thống Nhất, biểu diễn liên tục nhiều năm liền tại rạp Cộng Hòa ở Quy Nhơn. Nhờ lang bạt nhiều nơi, hát cho nhiều gánh hát từ miền Trung đến miền Nam nên Long Trọng thu thập được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, từ việc biểu diễn cho đến công tác tổ chức một gánh hát, kể cả việc thiết kế mỹ thuật sân khấu. Ông được xem là người có công đầu trong việc đưa thể loại tuồng tiểu thuyết đến với Hát Bội Bình Định vốn chuyên hát các vở truyền thống, hình thức sân khấu đơn giản. Ông tự làm đề co sân khấu, vẽ phong cảnh, tự tạo các phương tiện để sân khấu Hát Bội không còn đơn điệu mà trở nên gần gũi, hấp dẫn khán giả trong các vở tuồng đề tài tiểu thuyết. Khi hát ở gánh Thống Nhất, ông đã cùng với nghệ sĩ Hoàng Chinh biên soạn một số vở tuồng tiểu thuyết như: Máu nhuộm rừng xanh, Trái tim xẻ nửa, Lưỡi gươm hiệp khách, Lưỡi kiếm Bạch Vân Long… Từ năm 1954 đến 1975 Long Trọng đã sát cánh cùng với một số nghệ sĩ gạo cội của tỉnh Bình Định đương đầu với các bộ môn nghệ thuật khác, nhất là Cải lương, để duy trì Hát Bội Bình Định. Sau năm 1975 ông tham gia hoạt động Hát Bội tại Câu lạc bộ An Nhơn, rồi năm 1978 cùng với Hoàng Chinh, Tư Cá trong nhóm “Tam danh ca Bình Định” về diễn cho Đoàn Tuồng Nghĩa Bình, tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1980 tại Hà Nội, với vở Quang Trung đại phá quân Thanh.

Từ năm 1981 đến năm 1983 ông hát cho các đội tuồng không chuyên trong tỉnh. Năm 1984 lại trở về hát cho Đoàn Tuồng Thực nghiệm của Nhà Hát Tuồng Đào Tấn đến năm 1988. Năm 1989, Long Trọng qua đời vì bệnh nặng, thọ 74 tuổi, để lại trong lòng khán giả nhiều tiếc nuối một nghệ sĩ tài hoa, yêu nghề, và có nhiều công lao đối với sân khấu Hát Bội Bình Định.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chiếc bóng cút cui  (24/04/2003)
Đi theo ngọn lửa từ trái tim mình…  (24/04/2003)
Trần Thị Huyền Trang  (23/04/2003)
“Tôi nghĩ cách mạng là như vậy”*  (21/04/2003)
Tố Hữu với Quy Nhơn  (20/04/2003)
Khoảng lặng rượu cần  (18/04/2003)
Thu Mơ  (18/04/2003)
Thi khúc khải hoàn tháng Tư  (16/04/2003)
Phiên chợ Đồ Bàn  (16/04/2003)
Chiều rớt  (15/04/2003)
Có một dòng sông  (14/04/2003)
Chế Lan Viên “Trở lại An Nhơn”  (14/04/2003)
Nhà thơ Lê Văn Ngăn   (14/04/2003)
Chuyện hoa  (13/04/2003)
Có một Thái Dương Văn Đoàn  (13/04/2003)