Trong bối cảnh “Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” có vóc dáng Nguyễn Đình Thi, một trong những mẫu hình tiêu biểu của kẽ sĩ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
“Chúng ta bước nhanh, chân nhẹ nhõm, tựa chắc trên một quá khứ vững chãi mà không nặng vướng những đồ vàng giả của một cuộc đời già lụ khụ. Một chương Kiều của Nguyễn Du, một bài thơ Hồ Xuân Hương, một câu ca dao đồng ruộng đủ cho chúng ta tin ở văn nghệ dân tộc. Bao nhiêu sáng tác giữa lòng nhân dân đang kháng chiến, tuy còn chập chững đã mở ra những khoảng sáng rộng”.
Những dòng trên trích từ “nhận đường”, một thiên chính luận khá đặc sắc của Nguyễn Đình Thi viết từ năm 1947. Trong khoảng sáng rộng của thời đại mới mở ra, Nguyễn Đình Thi là một trong số những nhà văn mà số phận cá nhân gắn kết chặt chẽ với số phận cộng đồng, tư cách công dân, tư cách trí thức, tư cách văn nghệ sĩ gắn kết chặt chẽ với nhau trong vận mệnh của dân tộc, của cách mạng.
Quê gốc ở Hà Nội, sinh trưởng tại Luông-pha-băng (Lào) năm Giáp Tý (1924), lên bảy theo gia đình về học tại Hà Nội, Hải Phòng. Năm 17 tuổi tham gia cách mạng, làm báo, viết sách triết học, văn chính luận, hoạt động tích cực trong phong trào học sinh sinh viên chống thực dân, từng bị Pháp bắt giam nhiều lần. Năm 1945, ông làm Tổng thư ký Hội văn hóa cứu quốc, Ủy viên Ban thường trực Quốc hội và ban dự thảo hiến pháp. Ông là đại biểu quốc hội các khóa I, II, III. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Ủy viên Ban thường vụ Hội văn nghệ Việt Nam. Từ 1956-1958, ông là Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam. Từ 1958-1989, ông là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam đồng thời là Phó chủ tịch Liên hiệp VHNT Việt nam từ 1958-1995. từ 1995 đến nay là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Ông được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhiều năm rồi, mỗi năm chúng tôi được gặp gỡ và làm việc với nhà văn Nguyễn Đình Thi một vài lần, khi ở Hà Nội, khi ở TPHCM, khi ở các tỉnh thành khác, trong các Đại hội, Hội nghị về văn học nghệ thuật. Anh chị em lãnh đạo các Hội văn nghệ địa phương trong toàn quốc thuờng có dịp chia xẻ với ông niềm vui nỗi khổ của những người đứng mũi chịu sào trong từng vùng văn học nghệ thuật. “Lãnh tụ của văn chương”, có ai đó đột nhiên gọi ông như thế, có lẽ hàm ý nhấn mạnh cương vị đứng đầu Hội văn hóa cứu quốc, Hội nhà văn Việt Nam, Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam mà ông đảm nhiệm từ lúc đầu xanh tuổi trẻ cho đến cuối đời. Hơn thế nữa, họ muốn nhấn mạnh các góc độ lấp lánh của một tài năng đa diện và phong thái đĩnh đạc tự tin của ông. Tất cả những điều ấy đã tạo lập cho ông và mọi người một khoảng cách, không phải là khó gần nhưng nhất định không phải dễ gần. Tôi nghĩ, uy lực của ông ở cương vị mà ông đảm trách phần lớn thiên về biểu tượng. Biểu tượng, hay anh em thường gọi là cái phông văn hóa của người cầm chịch, là một trong những điều kiện tiên quyết đưa các Hội vào vị thế sang trọng của nó.
Tất nhiên, biểu tượng mà Nguyễn Đình Thi mang lại không chỉ đơn thuần là chuyện đo đếm số trang của những tiểu thuyết truyện ngắn, tiểu luận, ca khúc, kịch bản, thơ; mặc dù chỉ như vậy không thôi đã cho chúng ta thấy sự chất ngất, đồ sộ của một hành trình sáng tạo bền bỉ dồi dào. Nguyễn Đình Thi của văn xuôi với Xung kích, Thu đông năm nay, Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ… Nguyễn Đình Thi của lý luận với Mấy vấn đề văn học, Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay, Công nghệ của việc người viết tiểu thuyết… Nguyễn Đình Thi của kịch với Con nai đen, Hoa và Ngần, Giấc mơ, Hòn cuội, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc… Nguyễn Đình Thi của thơ với Bài tơ Hắc Hải, Dòng sông trong xanh, Tia nắng, Sóng reo… Cái chính là trên từng chặng đường sáng tác, ở thể loại nào ông cũng để lại những ấn tượng không dễ mờ phai trong nền văn học nghệ thuật đất nước, dân tộc.
Tiếp xúc với ông, điều dễ nhận thấy là chúng ta đang đối diện với một trí tuệ uyên bác và một phong thái lịch lãm, hào hoa, một con người mà thời gian dường như nhiều lúc đi qua cũng không nỡ khắc nghiệt dàn ra những quy luật thông thường. Có nhà thơ đã sững sờ thốt lên rằng cứ nghĩ ông lúc nào cũng trẻ, khó có thể ngờ rằng một lúc nào đó ông có thể ra đi. Đối với tôi cũng vậy. Tin ông từ trần đến với tôi qua điện thoại di động, lúc tôi đang lênh đênh trên con thuyền đi thực tế các xã đảo Quy Nhơn. Giữa muôn trùng sóng nước, cảm giác trống vắng đến thao thiết cứ bíu chặt lòng tôi, cả những câu thơ sức nặng không phải vừa nhưng có cảm giác ông viết ra cứ nhẹ như không, lúc cuối đời: “Có một khoảng trời xanh kia - Đâu phải chuyện đùa…”
Mới ngày nào, dù bận bao nhiêu công việc ông vẫn nhận lời mời đến thăm Hội văn học nghệ thuật Bình Định và tôi có dịp đưa ông lên An Nhơn trò chuyện với nhà thơ Yến Lan. Trong quyến luyến cảm động, ông cùng Yến Lan ôn lại những kỉ niệm bạn bè và nhắc đến những nhà thơ danh tiếng của xứ sở này. Mắt ông dõi về thế hệ cầm bút trẻ với giọng nói ấm áp và trìu mến: “Đất này có lửa”. Sau này, mỗi lần gặp ông, ông vẫn thường hồi tưởng lại chuyến đi ấy và bảo tôi, không biết lúc nào có dịp sẽ trở lại Bình Định. Giờ thì ông đã đi xa, thật xa, ngoài những trông chờ và hẹn ước.
Không hiểu sao, trong tôi cứ hiển hiện một Nguyễn Đình Thi trong khoảng sáng rộng với nét cười bình thản trên mắt: “Núi biếc trong mây nghĩ ngợi - Trời đất vô cùng vẫn đây”.
. Nguyễn Thanh Mừng
|