Tản mạn:
Từ đường – chiếc nôi sinh thành
17:40', 29/4/ 2003 (GMT+7)

Hàng năm, cứ đến độ Thanh minh trong tiết tháng ba là chúng tôi - những người xa quê, làm ăn sinh sống trên nhiều miền đất nước - lục tục kéo về quần hội nơi đất tổ của dòng họ ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn). Đây là một ngôi làng nằm khuất dưới rừng dừa bao bọc, trước mặt là mênh mông đồng ruộng. Nơi đây cũng chính là điểm dừng chân của lưu vực hạ nguồn dòng Lại giang - nơi khúc quanh tích tụ phù sa mà mùa này, nông dân vừa thu hoạch đậu phụng trỉa ở hai bên - trước khi hòa vào biển Đông, nơi mặt trời mọc mỗi sáng, và phả những tia nắng ấm áp đầu tiên lên khắp bình nguyên.

Tôi rời làng từ năm mới lên ba… Phải mất đến 30 năm sau mới có dịp quay về. Sự trở về như một cuộc hành hương đi tìm cái nhau hiện hữu của kẻ được làm con người lúc mới sinh ra. Cảm nhận đầu tiên của tôi ngày ấy khi đặt chân xuống quê nhà, là một chuỗi rung động khó tả được phát ra như từ trái tim của một kẻ lạc giống. Ba tôi mất sớm khi tôi chưa vượt tuổi nhi đồng. Rồi mẹ tảo tần nuôi con… Chiến tranh. Cứ thế, cứ thế… Thời gian cùng chuyện cơm áo như sợi dây vô tình cuốn lấy dòng đời tất bật. Khoảng cách nơi sống đến nơi sinh là một chặng đường hữu hạn mà như xa cách nghìn trùng…

Những người bà con, nhất là ở xa về dự lễ Tế hiệp ở từ đường… như Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương, Lâm Đồng, TP.HCM… bao giờ cũng báo trước để rủ tôi cùng đi, hoặc tôi nhắn tin trước rủ họ cùng về. Từ ấy, tạo thành thói quen nề nếp.

Từ đường của dòng họ tôi được xây dựng mới hồi năm ngoái. Nhưng để đi đến kết quả ấy là cả một quãng thời gian dài tập hợp rất nhiều ý kiến, công sức, tiền của đóng góp từ mọi người trong họ. Trước hết là công lao đề xuất của những bậc trưởng lão, của những chú, những bác mà thời trẻ họ cống hiến tuổi xuân cho đất nước; rồi trở về từ miền Bắc, từ các chiến trường ở miền Nam, đến nghỉ hưu sau hòa bình 1975. Một bác lớn tuổi nói rằng bây giờ nhìn lại, giai đoạn gian khổ nhất sau hòa bình cũng đã qua rồi. Khi đời sống kinh tế của từng người, từng nhà, từng địa phương dần dần khởi sắc trong ổn định cũng là lúc ta cần thiết lập lại nếp văn hóa từ đường một thời chìm trong im lặng, để mà lưu dưỡng đạo sống... Tất cả những chúng tôi, những phái, những chi phái thuộc cội nguồn cây gia phả với 4 nhánh chính đã hoàn thành tâm nguyện của người đi trước: có được một nơi riêng biệt để thờ phượng chung, tưởng nhớ công ơn những người đã khai sinh ra mình.

Trong khói lam chiều trước ngày Tế hiệp, nhóm phụ trách tảo mộ, dâng hương ở nghĩa trang đã xong nhiệm vụ và nhà bếp của từ đường cũng đã hoàn tất một mâm cơm để dâng lên bàn thờ ông bà, làm lễ Tiên thượng. Lúc này mọi người ở phương xa chưa tề tựu đông đủ. Tuy nhiên những người có mặt cũng quần tụ mà kể chuyện rôm rả. Chúng tôi được gặp thêm những người bà con chưa một lần gặp, nghe những câu chuyện mình chưa từng nghe, và biết một quá vãng mà thế hệ chúng tôi chưa từng sống qua.

Từ trước thềm của “ngôi nhà chung” nhìn ra xung quanh, cuối xuân một màu xanh mướt của cỏ cây trải khắp các nẻo đường. Mặt tiền nhà thờ xoay qua hướng Nam. Dường như những người trong dòng họ muốn thắp lên ngọn lửa sáng ở phía cung Ly, soi thấu cội nguồn. Bên phải là quả núi thấp đang ngự như ngọa hổ, bên trái là bức thuỷ mặc của con sông nước chảy quanh năm. Núi và nước bao lấy ngôi làng tạo thành thế đất mà đời sống ăn nên làm ra của những người trong làng như hứa hẹn ngày một thịnh vượng hơn.

Chợt bồi hồi nhớ lại ngày xưa, khi nội tôi còn sống, ông luôn đọc nhắc cho chúng tôi – những chú bé nhi đồng - nghe một câu trong giờ học chữ Hán do ông đảm trách.

Học giả hảo, bất học giả hảo.

Học giả như hòa như đạo, bất học giả như cảo như thảo!

(Học cũng tốt, không học cũng tốt.

Học thì như lúa như nếp, không học sẽ như cỏ như rác!)

Chúng tôi luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy ấy. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, chính từ học tập, chúng tôi thấy lại được bao nhiêu dấu tích văn hóa của tổ tiên truyền đạt qua một hệ mạch lô-gích. Từ thuở mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng, vua Hùng dựng nước… đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước. Tâm thức cội nguồn trở thành ý thức lịch sử. Mà lịch sử của mỗi dòng họ lại thể hiện hầu hết qua Văn hóa Từ đường - văn hóa từ những chiếc nôi sinh thành.

. Trần Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Thanh Mừng  (28/04/2003)
Đọc “Thương quá đôi tay” * của Nguyễn Thị Lệ Thu  (27/04/2003)
Nguyễn Đình Thi - trời đất vô cùng vẫn đây  (27/04/2003)
Nhớ Nghệ sĩ ưu tú Long Trọng  (25/04/2003)
Chiếc bóng cút cui  (24/04/2003)
Đi theo ngọn lửa từ trái tim mình…  (24/04/2003)
Trần Thị Huyền Trang  (23/04/2003)
“Tôi nghĩ cách mạng là như vậy”*  (21/04/2003)
Tố Hữu với Quy Nhơn  (20/04/2003)
Khoảng lặng rượu cần  (18/04/2003)
Thu Mơ  (18/04/2003)
Thi khúc khải hoàn tháng Tư  (16/04/2003)
Phiên chợ Đồ Bàn  (16/04/2003)
Chiều rớt  (15/04/2003)
Có một dòng sông  (14/04/2003)