Nhà nghiên cứu hát bội Mịch Quang:
Đừng lấy tiêu chuẩn kịch nói làm mới tuồng
16:39', 30/4/ 2003 (GMT+7)

Nhà nghiên cứu Mịch Quang

Nhà nghiên cứu hát bội Mịch Quang, năm nay 87 tuổi đời, thì đã có 77 tuổi khán giả hát bội và 43 tuổi nghiên cứu hát bội. Những công trình: Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng (1963), Đặc trưng nghệ thuật Tuồng (1985), Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc (1995) và Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (1997); cùng hàng trăm tiểu luận và hàng chục vở hát bội được kết tinh từ những trải nghiệm của 77 năm mê hát như vậy. Bằng những cống hiến to lớn với ngành kịch hát dân tộc, ông đã được nhận Huân chương Lao động hạng nhất (1997), Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật (2001).

Cuộc phỏng vấn dưới đây của chúng tôi với nhà nghiên cứu Mịch Quang xoay quanh một số vấn đề về nghệ thuật hát bội, được tiến hành nhân dịp ông từ Nha Trang ra Quy Nhơn để dự Liên hoan các Câu lạc bộ Sân khấu truyền thống không chuyên tỉnh Bình Định lần thứ V- 2003 (LH). Những ý kiến của ông, khơi mở những suy nghĩ trên con đường bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật truyền thống này của dân tộc.

- Cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghệ thuật hát bội và giữ trọn niềm say mê ấy suốt 77 năm trời?

* Làng tôi (thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vốn có một đội hát bội riêng do làng nuôi, mỗi năm diễn cho dân xem không mất tiền vào các dịp tết, xuân tế, thu tế. Tôi nghe hát bội hồi còn nhỏ, và đã biết bắt chước hát giã gạo, hô bài chòi, ca cải lương, rồi được nghe cha giảng về hát bội. Năm 10 tuổi, tôi xuống Quy Nhơn học tiểu học, thân với Nguyễn Lâm, con trai ông Cửu Khi, kép hát nổi tiếng của Đào Tấn. Nguyễn Lâm đang theo cha diễn cho gánh chánh ca Đựng. Tôi thường đi theo Lâm coi hát không mất tiền. Tình yêu, niềm say mê hát bội của tôi bắt đầu từ đó. Càng say mê bao nhiêu, tôi lại càng ghét lối kịch - tuồng bấy nhiêu.

- Và phải chăng vì thế ông luôn chịu tiếng là người có những ý kiến cực đoan?

* Tôi chỉ nghĩ là, đối với một vấn đề nào đó, mình phải cố gắng nói đến nơi, đến chốn.

- Trở lại với LH vừa rồi, trong bài phát biểu tại buổi tổng kết LH, ông có khẳng định rằng các nghệ sỹ không chuyên hoàn toàn ngang ngửa với các nghệ sỹ chuyên nghiệp. Nhưng thưa ông, một bên là không chuyên, một bên là chuyên nghiệp?

* Điều này không chỉ mình tôi, nhiều người cũng có thể khẳng định như vậy. Tại sao ư? Vì các nghệ sỹ không chuyên phần lớn là con nhà nòi. Họ xem hát, học nghề diễn từ năm lên 5, lên 6 tuổi. Hát bội, với họ không chỉ là nghề mà thực sự là nghiệp. Hơn nữa, bất cứ một người diễn viên đứng vững trên sân khấu không chuyên, họ phải nắm hàng chục vai truyền thống. Hỏi bất cứ vai nào họ cũng nắm vững.

Tôi thường nghĩ như vầy: bây giờ mà có một anh chánh ca như hồi xưa, biết chọn lọc và rút đào, kép từ các CLB truyền thống không chuyên, thì chúng ta sẽ có một đội ngũ diễn viên hùng hậu và diễn dân rất thích.

- Phải chăng điều này đã giải thích vì sao các đoàn hát bội không chuyên vẫn được khán giả ưa thích?

* Quả vậy. Ai nói hát bội không có khán giả? Nếu không có là do mình đi không đúng hướng, khán giả quay lưng lại với mình. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp lấy tiêu chuẩn kịch nói làm mới tuồng. Với những vở kịch tuồng như vậy, không ai xem là phải. Hát bội truyền thống không sa vào khuynh hướng đổi mới sai lệch của tuồng chuyên nghiệp. Hát bội truyền thống không bị bàn tay đạo diễn kịch nói làm hỏng, không lai tạp… lại thêm những diễn viên tay nghề vững, am hiểu truyền thống, nên vẫn có khán giả của mình. Tôi vẫn thường nói: hát bội không chuyên đổ mồ hôi nuôi nghệ thuật…

- Nhưng chẳng lẽ chúng ta không dựng những vở có đề tài hiện đại?

* Vấn đề không phải là đề tài. Hiệu quả không ở đề tài mà ở chủ đề. Hơn nữa, vẫn có những đề tài cận hiện đại, hiện đại vào hát bội rất ngọt. Cái chính là đừng lấy tiêu chuẩn kịch nói làm mới tuồng, đừng đem lý luận của B.Bretch đưa vào tuồng. Toàn bộ hệ thống nghệ thuật học phương Tây là cơ giới hết, còn ta là biện chứng. Sân khấu B.Bretch là hướng tới lý trí của khán giả. Tuồng vừa có lý trí, vừa có cảm xúc. Đây là hai hệ thống khác nhau, không thể lấy cái này làm tiêu chuẩn cho cái kia được. Muốn cải tiến thì phải hiểu cấu trúc nội tại của nó.

- Những dự định của ông trong thời gian tới?

* Tôi đang viết “Khơi nguồn mỹ học dân gian”, cuối năm nay hoàn thành; và sẽ tiếp tục viết “Nghệ thuật viết Tuồng”.

- Xin cảm ơn và chúc ông luôn mạnh khỏe.

. Lê Viết Thọ (thực hiện)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Từ đường – chiếc nôi sinh thành  (29/04/2003)
Nguyễn Thanh Mừng  (28/04/2003)
Đọc “Thương quá đôi tay” * của Nguyễn Thị Lệ Thu  (27/04/2003)
Nguyễn Đình Thi - trời đất vô cùng vẫn đây  (27/04/2003)
Nhớ Nghệ sĩ ưu tú Long Trọng  (25/04/2003)
Chiếc bóng cút cui  (24/04/2003)
Đi theo ngọn lửa từ trái tim mình…  (24/04/2003)
Trần Thị Huyền Trang  (23/04/2003)
“Tôi nghĩ cách mạng là như vậy”*  (21/04/2003)
Tố Hữu với Quy Nhơn  (20/04/2003)
Khoảng lặng rượu cần  (18/04/2003)
Thu Mơ  (18/04/2003)
Thi khúc khải hoàn tháng Tư  (16/04/2003)
Phiên chợ Đồ Bàn  (16/04/2003)
Chiều rớt  (15/04/2003)