Văn Trọng Hùng với Bóng trúc
16:31', 1/5/ 2003 (GMT+7)

Sau “Dạo khúc nhân tình” (NXB Hội Nhà Văn, 1991), tác giả Văn Trọng Hùng đột ngột bén duyên sân khấu với các kịch bản công diễn đây đó và gặt hái được nhiều thành công. Con đường đến với những màn lớp đang dần rộng rãi nhưng anh cũng không quên thơ: 10 năm sau, tập “Bóng trúc” (NXB Văn Học, 2001) lặng lẽ ra mắt bạn đọc.

Thơ Văn Trọng Hùng không trau chuốt điệu đà câu chữ. Nhiều khi từng đoạn, từng bài còn sơ sài như anh đang vội chạy theo cho kịp cảm xúc. Câu chữ không tài hoa, hình thức không độc đáo, anh chinh phục người đọc bằng độ tha thiết, nồng nhiệt trong mọi giãi bày. Về tình yêu. Về thế thái nhân tình. Về những khám phá bất chợt; có khi là một chút bâng khuâng về cái thời quá vãng, có lúc giật mình thảng thốt trước những tráo trở, dối lừa.

U hoài với nỗi niềm nhân thế, lãng đãng với tình, kiêu bạc với thân phận - tất cả tạo nên chất giọng Văn Trọng Hùng.

Có thể thấy ngay rằng yếu tố sân khấu tràn sang thơ anh khá nhiều. Sự vận dụng này có chủ ý, chẳng hạn, chuyện Nguyệt Cô hoá cáo ai cũng biết, nhưng khi tác giả đặt vấn đề:

Từ cáo ta thành người

Là người ta biết yêu

Vì yêu sao hoá cáo?

Câu hỏi xoáy vào lòng người không phải để thẩm định lại nhân cách Tiết Giao mà, nhiều lần bài thơ ngắt nhịp như nhát chém oan khiên. Nhịp thơ bỗng chùng lại:

Nguyệt Cô ơi phút mơ màng

Ta nghe tiếng khóc của nàng đâu đây

(Nguyệt Cô)

Nỗi oan khiên từ ngàn xưa, từ tuồng tích cổ vọng đến bây giờ và chắc còn tận ngàn sau với lời cảnh báo: “Giật mình ngọc đã… trao tay”!

Chung quanh các nhân vật của Truyện Kiều trước nay có quá nhiều người viết, Văn Trọng Hùng cũng phát biểu, không phải không có lý:

Yêu như ai đó bằng thừa

Lấy em thay chị lại vừa được quan

Ta đây quyết chí tìm nàng

Dẫu xơ xác nhuỵ dẫu tàn tàn hương.

(Gửi Thuý Kiều)

Những nhân vật trong tuồng tích xưa: Nguyệt Cô, Đổng Kim Lân, Hứa Tiên… những hoàng cung, sơn khê, thanh gươm yên ngựa,… làm cho thơ anh có hơi hướng cổ.

Cũng như nhiều nhà thơ khác, mảng trữ tình chiếm số lượng lớn trong thơ Văn Trọng Hùng. Anh là người yêu tha thiết, chân thành:

Bóng thời gian cứ trôi

Màu thời gian ở lại

Em ơi đừng vội đi

Chúng mình đâu trẻ mãi

(Thời gian)

Có lúc cảm xúc được nống lên vượt khả năng kiểm soát của anh:

Xuân đã đến nào ai ngăn cản được

Gió tương tư thổi tím cả sông Hồng

(Nhớ Hà Nội)

Tuy thế, anh không chuyên tâm cho thơ tình yêu đôi lứa. Đối tượng trữ tình là cái cớ cho những giãi bày, về những cảm hoài nhân thế, về nỗi bất lực, những ước muốn chưa thành – mối u hoài muôn thuở của thi nhân (Tiếng hát, Gửi cố nhân, Gửi người áo tím, Sắt và kim…).

Với quê hương đất nước dường như anh bắt đầu bằng lý trí, theo kiểu trách nhiệm người ta thường máy móc đòi hỏi ở người cầm bút. Chẳng hạn, “Về lại quê em”, “Tản mạn quê hương”. Nhưng quê hương đất nước còn là những con người cụ thể, những người thân, bè bạn chung quanh, những nhân vật của lịch sử, văn hoá. Viết về họ là để xẻ chia, tâm sự. Đúng hơn, là một kiểu tự sự. Cho đến giờ, đây là mảng thơ thành công nhất của anh. Có thể kể ra đây: Nguyệt Cô, Một thoáng ngàn xưa, Câu bóng chiều thu, Tiếng đàn và nghệ sĩ… Đặc biệt, Nói với con đêm giao thừa thế kỷ là bài thơ chính trị khá kín và có sức thuyết phục cao.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ trước hết là tình cha con với những tâm sự về ước mơ, về lẽ sống, nói chung là dạy con làm người, tập trung vào “con đường cha và ông đã chọn”. Dù không nói nhiều về quá khứ nhưng: Nhà ta mộ chú con vẫn chưa tìm được/Cha mẹ thương binh/Bà nội đợi ông đôi mắt đã mờ - Yếu tố “gia phong” này được vận dụng khéo léo: người cha đã đặt con mình vào vị trí “người trong cuộc”. Và các vấn đề hết sức nghiêm trang kết thúc bằng mong con “giữ lối đi về”. Con đường khái quát, tượng trưng đã được diễn tả quá sâu sắc, thân thiết. “Lối đi về” rốt ráo là đạo lý truyền thống của dân tộc:

Con có thể trồng cây táo cây lê

Nhưng đừng đốn mất hàng cau của nội

Con có thể xây nhà tầng thay nhà ta chật chội

Nhưng đừng quên bàn thờ tổ tông

Con có thể khám phá mặt trái của vầng trăng

Nhưng đừng chê thơ cha chỉ viết về trăng sáng

Đừng cười Tố Như lẩn thẩn mấy câu Kiều

Từ giá trị chân cảm này, bài thơ đã bật lên tầng nghĩa khái quát hơn, rộng lớn hơn: Lời nhắn gởi của thế hệ cha ông đối với thế hệ trẻ hôm nay. Bao giờ cũng vậy, quá khứ dù tốt đẹp, hào hùng mức nào đi nữa thì quá khứ ấy cũng chỉ có ý nghĩa khi chuẩn bị cho tương lai hào hùng và tốt đẹp hơn. Tuổi trẻ vừa bàng quan vừa nhạy cảm với chính trị, với bài thơ này, tác giả đã nhận được nhiều sự hoan nghênh từ họ.

Tôi dừng lại hơi lâu ở đây khi bàn về nghệ thuật là có ý. Cứ chảy theo mạch cảm xúc, thơ anh còn nhiều bài dễ dãi, cái êm êm vần điệu kéo trượt ý tưởng thành lan man (Ví dụ: Lục bát tương tư, Người ơi có đợi…). Có người bảo “Văn chương là trò chơi vô tăm tích”. Câu này không hề có ý xem nhẹ hay bừa ẩu…

Tôi thường nhớ câu thơ viết như không của anh:

Sao em xơ xác sương chiều

Gió trần gian thổi bao điều vu vơ

(Gửi cố nhân)

Chắc anh cũng không ngờ cái gió trần gian của mình đủ tầm đến an nhiên như vậy. Và với Nguyệt Cô, khi anh viết “Ta nghe tiếng khóc của nàng đâu đây”, anh đã không làm thơ mà đang sống! Những trường hợp này, mũi tên thơ đã tới đích!

Xin kết thúc bài viết bằng một đoạn trong bài “Tiếng hát”, đoạn thơ gần như bộc lộ đúng tác giả và thơ, và cuộc đời:

Con cuốc nào tìm bạn bơ vơ

Anh buông cần ngẩn ngơ

Trong giỏ mấy con cá vàng đi mất

Anh nhìn trời, trời xuân trong vắt

Sao thấy mình lẻ loi

Vâng!

Buổi chiều cô tịch ấy anh chợt nhớ về em

Bỗng tiếng hát nào vọng đến:

Hương đồng cỏ nội mới nghìn năm.

. Lê Hoài Lương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đừng lấy tiêu chuẩn kịch nói làm mới tuồng  (30/04/2003)
Từ đường – chiếc nôi sinh thành  (29/04/2003)
Nguyễn Thanh Mừng  (28/04/2003)
Đọc “Thương quá đôi tay” * của Nguyễn Thị Lệ Thu  (27/04/2003)
Nguyễn Đình Thi - trời đất vô cùng vẫn đây  (27/04/2003)
Nhớ Nghệ sĩ ưu tú Long Trọng  (25/04/2003)
Chiếc bóng cút cui  (24/04/2003)
Đi theo ngọn lửa từ trái tim mình…  (24/04/2003)
Trần Thị Huyền Trang  (23/04/2003)
“Tôi nghĩ cách mạng là như vậy”*  (21/04/2003)
Tố Hữu với Quy Nhơn  (20/04/2003)
Khoảng lặng rượu cần  (18/04/2003)
Thu Mơ  (18/04/2003)
Thi khúc khải hoàn tháng Tư  (16/04/2003)
Phiên chợ Đồ Bàn  (16/04/2003)