Với Nguyễn Trí Huân và những nhà văn cùng thế hệ với ông, viết về chiến tranh không chỉ đơn thuần là chuyện một đề tài văn chương, mà còn là cái gì, dường như là máu thịt, là món nợ ân tình. Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, cũng vậy. Cuốn tiểu thuyết này viết về Hoài Nhơn, mảnh đất mà tác giả đã từng sống, chiến đấu và gắn bó máu thịt suốt những năm 70 của cuộc chiến tranh và đã trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của ông. Tuy nhiên, yếu tố chính làm nên thành công của Chim én bay là đã đặt được một vài vấn đề về cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh được nhìn nhận ở một góc độ khác các tác phẩm trước đó.
Đó là vào những năm sau cuộc tập kích chiến lược tết Mậu Thân, lực lượng tại chỗ của Hoài Nhơn hầu như không còn. Ngay sư đoàn Sao Vàng, một sư đoàn chủ lực của chiến trường khu V, cũng đã bị đẩy lần khỏi đồng bằng, khỏi vùng ranh giới và cuối cùng bị đẩy bật lên thượng nguồn sông Côn, phần đất giáp với biên giới Việt- Lào. Những người còn trụ được ở các thôn ấp phải âm thầm rút vào hầm bó mật. Khắp nơi trên đất Hoài Nhơn, đồn bốt mọc lên dày như nấm. Những trận đánh vừa và nhỏ không sao thực hiện được. Tình hình đó buộc người dân nơi đây phải thực hiện một phương thức tác chiến: diệt ác. Đội “Chim én” đã được thành lập với mục tiêu như vậy. Quá trình của Quy, nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết, gia nhập đội “Chim én” sau khi những người thân trong gia đình lần lượt bị địch giết, rồi những chiến công diệt ác của chị: Hai Đích, Giám Tuân; rồi cuộc sống bình thường cùng những trăn trở thời hậu chiến, đã trở thành nhịp mạch chính của câu chuyện.
Nhưng đây không phải là một cuốn tiểu thuyết viết về những chiến công của một nữ anh hùng. Hơn thế, tác giả dường như không tập trung những trang viết vào việc tái hiện những chiến công, nói cho đúng hơn là không cố “sử thi hóa” những chiến công. Không bao trùm một không gian rộng, cũng không tập trung miêu tả những trận địa quy mô, không mải mê với số lượng bom đạn hay số người tham gia và cũng chẳng tường thuật những trận đạn bom nảy lửa - những nhược điểm vốn đầy rẫy trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh gần đây.
Chim én bay chỉ tập trung vào những số phận cụ thể, vào từng con người cụ thể trong và sau chiến tranh, mà tâm điểm là Quy. Ở đây, sự kiện chỉ là cái đường dây bám cho mạch tâm lý nhân vật, để nhân vật hiện lên với những nét tâm lý riêng biệt của nó. Đó là cái băn khoăn của Quy khi lần đầu được phân công diệt ác. Rồi giây phút đứng sững, không nổ súng vì đối diện với chị không chỉ là thằng Giám Tuân, tên phản bội, mà trên tay nó còn là đứa con út. Một thằng bé hết sức kháu khỉnh. Cảm giác bứt rứt, cảm thấy có trách nhiệm khi đứng trước số phận, trước sự mặc cảm của vợ con những tên ác ôn khi chiến tranh đã lùi xa được mười năm...
Khi đã dồn nén tính chất khốc liệt cuộc chiến vào số phận người, tất cả chi tiết được tác giả cô đọng đến mức giản dị nhất. Một trong những yếu tố chính trở thành xương sống, thành trụ cột của cuốn tiểu thuyết chính là ký ức. Ký ức được khơi màn từ việc Quy tìm lại nhà những thằng ác ôn bị chị giết hơn mười năm trước. Liệu những người vợ, người con của những tên ác ôn ấy hiện đang sống ra sao? Những gì đang cản trở họ sống? Họ còn ở những ngôi nhà cũ hay đã bị tịch thu, đã chuyển đi nơi khác? Và ký ức trở thành chất keo kết dính của tác phẩm, kết dính quá khứ chiến tranh với “vị đắng chát” của hiện tại hậu chiến. Ký ức làm cho nhân vật vừa có thể sống bằng máu thịt của hiện tại, vừa được dưỡng nuôi bằng dưỡng khí tinh thần của quá khứ. Và nhân vật Quy dường như chỉ nhờ ký ức mà tựa vào cuộc sống hiện tại, vốn dĩ quá đỗi bấp bênh.
Cả một mạch truyện là dòng chảy đan xen của quá khứ và hiện tại. Quá khứ là “bốn năm trời chị đã bị cuốn vào một cuộc sống lẽ ra không nên có ở tuổi niên thiếu của chị. Nhưng chiến tranh là vậy. Cái không bình thường đã trở nên bình thường”. Quá khứ ấy gắn liền với sinh mệnh, với sự mất còn của quê hương chị mà nếu được trở lại những ngày tháng ấy, chắc chắn chị cũng không làm khác. Còn hiện tại, hơn mười năm sau khi chiến tranh đi qua, biết bao đổi thay đã diễn ra trên quê hương chị. Những tên lính Mỹ, những quả đạn pháo nổ bất chợt, những bộ đồ rằn ri của bọn biệt động, thủy quân lục chiến… vĩnh viễn bị dẩy lùi vào dĩ vãng. Đã có một thế hệ cắp sách đến trường không hề biết thế nào là tang tóc, là chiến tranh. Nhưng những di chứng của chiến tranh, dường như vẫn còn đâu đó, trong thái độ ác cảm, có lúc là hằn thù của mọi người với vợ con những tên phản bội. Còn với Quy thì “chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì cần thiết nhất cho một đời sống bình thường của chị”.
Khác với cấu trúc tiểu thuyết theo kiểu lịch sử sự kiện (chẳng hạn: Xung kích - Nguyễn Đình Thi, Dấu chân người lính - Nguyễn Minh Châu…) hay lịch sử - tâm hồn (như: Thời gian của người - Nguyễn Khải, Thời xa vắng - Lê Lựu…) ra đời trước đó, Chim én bay cũng như những cuốn tiểu thuyết: Thân phận tình yêu - Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai… cùng ra đời vào nửa cuối những năm 80, ký ức đã trở thành một thành tố quan trọng của cấu trúc tiểu thuyết. Chính ký ức đã tạo nên trong tác phẩm thời gian tâm lý, tạo nên sự chiêm nghiệm của đời sống nhân vật, tạo nên tính đa chiều của tác phẩm - một trong những yếu tố quan trọng của tư duy tiểu thuyết thời hiện đại. Thêm vào đó, với chủ âm của cuốn tiểu thuyết là sự đằm thắm trong giọng điệu nghệ thuật. Tất cả những yếu tố này, mặc dù không mới trong thi pháp tiểu thuyết, nhưng đã góp phần tạo nên sức ngân vang cần thiết vào lòng người trong mạch suy tư về chiến tranh.
Hơn thế, khi chiến tranh đã kết thúc, những quy luật của chiến tranh đã được phát triển trọn vẹn, những số phận người đã được phơi bày trọn vẹn. Người cầm bút, nhờ vậy mà nhìn được trên tất cả các mặt của cuộc chiến tranh: khát khao hạnh phúc, khát khao về những điều làm nên cuộc sống bình thường của Quy; rồi cái nhìn bứt rứt trước hoàn cảnh của vợ con của những tên ác ôn sau chiến tranh… và như vậy, nói được một vài điều về chiến tranh, về số phận con người trong chiến tranh. Và chính điều này làm nên sức hấp dẫn của Chim én bay.
. Lê Viết Thọ
(*) Đọc Chim én bay, tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân, Nxb. Kim Đồng- 2000.
|