Không lớn tiếng, bởi theo ông, văn chương dù thanh cao vẫn chỉ là sản phẩm phụ so với khổ đau, hạnh phúc. Không lớn tiếng, bởi tác giả đã tự xác định cho mình một quan niệm nghệ thuật: những lời thơ nghiêng về những người lao lực, những con người đang thầm lặng làm nên cuộc sống. Quan niệm ấy được tác giả trung thành trọn đời, từ những vần thơ đầu tiên, cho đến những bài thơ mới nhất, được sáng tác gần đây.
Hãy lấy hai dấu mốc: Vào một thời im bóng tập thơ thứ hai, xuất bản năm 1974 và Không nguôi niềm hy vọng mới được tác giả tập hợp năm 2003 dưới dạng bản thảo để dõi theo một hành trình thơ.
Vào một thời im bóng, tập thơ quay renéo và xuất bản bất hợp pháp trước năm 1975 ở miền Nam, tập hợp 17 bài thơ của Lê Văn Ngăn, sáng tác giữa khi đất nước còn chia cắt. Sống trong khung cảnh “những tấm màn đen… tiếng hận thù đang lan vào đồng cỏ…. Những chén độc dược uống mỗi ngày” (Lưu vực gió mùa); “Những người trẻ tuổi lớn lên biệt tăm trong chiến tranh, những người già nằm xuống” (Bên những dòng sông)… tập thơ là tiếng của một tấm lòng “Dù cơn hồng thủy đang muốn dập vùi/ vẫn còn một nơi cho mùa bông muối rụng” (Giữa khi mưa lưu hoàng đổ) và “Ánh mắt như mỉm cười… Mang theo những hứa hẹn” (Mùa thu). Vào một thời im bóng có vóc dáng của một trường ca. 17 bài thơ, như 17 khúc của một trường ca, là tiếng nói có phần đại diện của một thế hệ thanh niên bị trục xuất khỏi chốn quê nhà, bị ném vào lò lửa của cuộc chiến tranh tàn khốc. Giữa thời im bóng ấy, họ cất tiếng nói phẫn nộ, của tình yêu và những khát vọng sống.
Tôi đã thử chia Vào một thời im bóng thành những khúc đoạn khác nhau của một trường ca: đi từ quê hương, đến những hoài niệm, rồi sự đổ vỡ trong hiện tại và những hy vọng xót xa về tương lai. Ở đó, quê hương và nỗi khát khao tình yêu cứ lập đi lập lại như một ám ảnh, và kết tinh lại trong một biểu tượng vẹn toàn của giấc mơ vĩnh hằng về cái đẹp và sự sống. Đọc mục lục của tập thơ này, ta thấy Lê Văn Ngăn dành nhiều tình thương mến cho những nơi chốn anh qua. Một chốn quê nhà cụ thể, hay chỉ là một chốn không gian đã đi qua, còn in hằn trong sâu thẳm ký ức. Và tất cả, đều hiện hữu hình bóng em. Biểu tượng vẹn toàn ấy, sự hợp nhất ấy của quê hương và tình yêu, dồn tụ rõ nét nhất trong một địa danh cụ thể: Quy Nhơn. “Bão cát thổi dưới trời Quy Nhơn/ những âm vang trong lòng tôi”, câu thơ dẫn của cả tập, làm ta nhớ đến Pablo Neruda: “Nếu trời mưa ở Lota/ thì trời cũng mưa trên vai tôi” (Bao giờ). Quy Nhơn, nơi Lê Văn Ngăn đã trọ học trong suốt mấy năm trời từ 1964-1966 và hơn thế, “Quy Nhơn như một tấm lòng người mẹ, người tình”. Sóng vẫn đập vào eo biển, là một trong những bài thơ hay nhất của tập thơ này, cũng là bài thơ viết về Quy Nhơn, cho Quy Nhơn: “Quy Nhơn Quy Nhơn, từng đêm bão cát thổi qua lòng em/ và tôi, lặng lẽ dưới mái nhà/ căng lòng mình ra như tấm áo/ trên tấm áo ấy, bão cát chỉ gây ra lời hy vọng/ che chở được em”.
Có lẽ, chính bởi cái quan niệm về văn chương ấy mà Lê Văn Ngăn khá e dè trong việc tập hợp những sáng tác sau này trong một tập thơ hoàn chỉnh, dù thơ ông, vẫn đăng tải rải rác trên các báo, tạp chí chuyên về văn nghệ. Mãi gần đây, ông mới tập hợp lại thành một tập Không nguôi niềm hy vọng và đến nay vẫn chưa xuất bản. Tiếp nối giọng điệu của Vào một thời im bóng, nhưng tập thơ này phần nào thiếu hẳn cái hào sảng của những bi phẫn và niềm hy vọng. Giọng điệu trữ tình có phần đằm thắm, trầm tĩnh hơn, nghiêng về suy tư và độc thoại.
Những bài thơ trong tập thơ này nghiêng hẳn về những người phu xe, chị quét đường, những người trồng hoa, người nữ tiếp viên, người mẹ bán hàng rong… tóm lại là những số phận và cuộc đời chưa dễ khô những giọt nước mắt, mồ hôi. Đó là những người lao động bình thường mà trước mắt họ, thơ không cần thiết, nhưng chính họ chứ không ai khác, đã tạo ra sự sống và những ẩn dụ cho thơ.
Những bài thơ: Gặp một người bình thường, Những người trồng hoa, Tả thực… chia sẻ cùng họ niềm vui, những nỗi âu lo bình thường, những cái bình thường làm nên cuộc sống. Không cầu kỳ trong triết lý, không xa lạ trong tình cảm, cả cuộc đời thơ mang mẫu số chung với cái thường nhật. Điệu thơ cũng vậy. Giản dị và trầm mặc như hạt lúa, củ khoai, xa lạ với mọi dáng vẻ điệu đà, để tiến tới như một lời thường (chữ Ngô Thế Oanh). Câu, chữ, hình ảnh như được Lê Văn Ngăn góp nhặt, dồn tụ ngay từ cuộc sống thường nhật, giản dị, không có vẻ gì là thơ như người ta vẫn thường quan niệm. Những câu thơ tự do, giàu nhạc tính, nhịp điệu như đi từ bên trong, như toát lộ từ tấm lòng nhiều cảm mến, suy cảm về cuộc đời. Câu chữ cũng như lời người trò chuyện, rất đỗi khiêm nhường, nhẹ nhàng, và trên hết vẫn như một điệu bộc bạch với người tình, với bạn bè, với những người bình thường. Thư về quê hương, Tiếng vọng, Xuống tàu giữa đêm khuya…những bài thơ về quê hương, cho quê hương; rồi Nhà cũ, Một ví dụ về nói tiếp… những bài thơ về mẹ, Thơ tặng chị Ba ở Phan Rang, Lâu năm chưa phải là vĩnh viễn… là những bài thơ xao động tâm hồn người đọc.
Câu chữ, đã không còn là câu chữ thuần túy, mà đi vào lòng người tự nhiên, bằng nhịp điệu nội tại. Nhờ vậy, người đọc có thể dễ dàng chia sẻ với tác giả những suy niệm về cuộc đời và phần nào cảm thông với tác giả trong những giây phút do quá say sưa, nhà thơ hơi sa đà vào sự triết lý, triết lý một cách thành thực. Tuy vậy, với cảm nhận của riêng tôi, những bài thơ trong Vào một thời im bóng đã là kết tinh của một giọng điệu thơ, mà những bài thơ sau này của tác giả không dễ tìm lại.
Giữa cái không khí văn chương đang ồn ã với bao lý thuyết, bao lời hô hào đổi mới thi pháp, Lê Văn Ngăn từ tốn trong sự thành thực với con người mình, với sự lựa chọn giọng điệu riêng của mình. “Thơ Lê Văn Ngăn chính là con người, cuộc đời anh” (Ngô Thế Oanh). Thú vị thay, chính bởi sự thành thực ấy, làm cho thơ Lê Văn Ngăn mang một bản lĩnh thơ rất riêng, hiện đại và không lạc giọng trong cái đương thời của nghệ thuật.
. Lê Viết Thọ
|