- “Phải, hổng phải thì tao ra gò mì nằm cho yên chuyện”. Đó là lời nói của những người già ở quê tôi mỗi khi hơn dỗi con cháu. Nhưng vì sao họ lại chọn cái gò mì chứ không phải nơi nào khác để giải quyết cho yên chuyện đời người. Đó là điều mà chỉ có những người dân quê tôi mới hiểu thấu sự tình.
Trước hết, tôi xin giới thiệu với các bạn về vùng đất quê tôi - làng Chánh Hóa (Cát Thành, Phù Cát). Phía đông là bãi cát trắng, phía tây là gò đồi chạy áp vào chân dãy núi Bà, lọt thỏm ở giữa là những rọc ruộng hẹp giống như sợi dây mỏng mảnh quấn theo làng mạc. Một vùng đất, cái khó dường như cứ mãi còn đeo đẳng, vậy mà người dân nơi đây vẫn bám trụ ít nhất đã hơn chục đời qua.
Lúc sinh thời, cha tôi kể lại: Năm xưa, ông cố tôi cũng thuộc hàng khá giả trong làng. Làm ăn mỗi năm dư dật khoảng vài chục cà tăng mì khô và vài mươi ang bột nhứt. Tích trữ đến mùa mì năm sau thấy thu hoạch kha khá thì bán số mì cũ đổi lấy vài xâu tiền đại, rủng rẻng cất vào rương. Thời bấy giờ tài sản được tính bằng mì. Vì lúa gạo không đủ ăn giáp hạt nên mì đã trở thành lương thực chính cho người dân quê này. Chỉ vài chục gốc mì khẳng khiu, còi cọc trên gò đồi đầy nắng lửa, người ta đã phải cất công đắp bờ như thành lũy và trồng gai xương rồng bao bọc. Tới mùa thu hoạch, hai tay ôm chặt gốc mì mà lòng dạ cứ nôn nao, bồn chồn cầu mong đất đừng phụ công khó nhọc. Gặp năm mưa nắng thất thường, cầm củ mì mà lòng người se sắt. Ai không đủ ăn thì gục xuống cái đói, nhỡn tiền ăn mày chết đầy đường.
Cuối đời nghe đâu cố tôi lại sa vào làm mồi cho a phiện, gia sản và con cái lần lượt ra đi tứ tán. Những người con lớn gặp lúc gia đình còn no đủ thì được dựng vợ gả chồng tương đối tử tế, còn đám nhỏ phía sau lớn lên kiếm chỗ gá bạ cho đủ đôi đủ cặp hoặc một thân cúi mặt lo chuyện đói nghèo. Ông nghiện đến queo quắt rồi chết, bà gắng gượng qua ngày đoạn tháng bằng nghề chế biến mì, ba năm sau bà cũng theo ông. Nối nghiệp của mẹ, nội tôi chắt chiu gầy dựng lại gia đình. Và từ đó, nghề chế biến mì trở thành nghề gia truyền của họ hàng nhà tôi.
Mẹ tôi là dân xứ khác về làm dâu nhà nghèo, nuôi con bằng nghề tráng bánh mì đổi gạo. Anh em chúng tôi được cha mẹ dạy khôn và mì nuôi lớn. Chiến tranh nổ ra, cày đi xới lại, làng Chánh Hóa điêu tàn, gò mì cũng trơ trọi. Nhưng sức sống muôn đời mãnh liệt, người trở về làng cũ, mì găm rễ vươn lên trên nền đất chưa nguội lửa đạn bom.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, cha tôi thôi đi dân công hỏa tuyến trở về với những cơn sốt rét rừng quay quắt. Gánh đời của mẹ mỗi lúc một nặng thêm.
Một đêm mùa đông năm bảy ba. Ngoài trời mưa rất nhỏ, thỉnh thoảng mới nghe vài giọt nước đọng từ mái hiên rơi xuống tàu chuối non lộp bộp. Tôi mơ màng thấy mình đang bay lượn trên những gò mì bạt ngàn, tít tắp cùng chiếc máy bay được lắp ráp từ những chiếc que gắp đạn AR15 màu vàng chóa, mà chiều hôm qua cha tôi cấp “bằng sáng chế” bằng những lằn roi còn tím sậm trên mông. Loáng thoáng, tôi nghe tiếng thì thào ri rí bên tai và chui vào hơi thở cả mùi ngái mốc của lớp mì cũ. Hình như mì nhà tôi bị ai đó lấy đi. Tôi muốn la thật lớn nhưng chỉ ú ớ được vài tiếng méo mó qua kẽ bàn tay dịu dàng của mẹ tôi. Cảm giác trống lạnh dưới lưng, tôi choàng tỉnh, thì ra mẹ đang bồng tôi đứng đung đưa theo nhịp ru khe khẽ. Chiếc đèn dầu, lượng sáng bị vây kín chỉ đủ tỏa xuống mặt đất một vòng tròn nhỏ lờ mờ.
- Tản cư hở mẹ?
- Xuỵt! Ngủ đi.
- Có trộm hở mẹ?
- À ơi... chiều chiều én liệng truông mây.
Tôi chồm dậy, mẹ dùng đầu cản lại nhưng không kịp. Một giọng lạ, thân mật nói:
- Cháu nó còn nhỏ, không sao đâu chị.
Đứng cạnh cha tôi đang lom khom hốt mì là hai người đàn ông mặc áo đờ nin màu xanh đen. Mặc dù trong nhập nhoạng nhưng tôi vẫn biết họ và cha tôi làm rất nhẹ tay. Bất giác tôi hỏi mẹ cũng bằng giọng thì thào:
- Ai vậy mẹ?
- Cảm thương chú Lía bị vây trong thành... hời hợi hơi...
Tôi lắc vai mẹ, thay câu hỏi lại. Mẹ gắt bằng hơi.
Đêm qua, giọng ru con lục cục của mẹ tôi đã không che nổi tai mắt tinh quái của lão liên gia trưởng. Tức thời, cha tôi bị bọn tự vệ nông thôn gông về xã.
Vẻ mặt điềm tĩnh ẩn giấu sự cam chịu khó nhọc thường ngày của mẹ tôi, giờ thay vào đó là nỗi thắc thỏm, lo âu. Chuyến này chắc cha tôi khó tránh khỏi tù đày về tội thông đồng với Việt cộng. Một tuần lễ trôi qua, chiều nào mẹ đi thăm cha cũng đến tối mịt mới về, anh em chúng tôi ngồi quanh chảo bột nhứt đã nguội ngắt. Hôm sau, để tránh sự dòm ngó của lão liên gia trưởng, mẹ bảo tôi đi đưa cơm cho cha. Nắm cơm vắt và túm cá đồng kho keo được gói trong miếng lá chuối hơ héo, nằm tòn tơn giữa chiếc rổ chưng, ẩn bên trong một miếng giấy nhỏ ghi điều gì đó, hình như có liên quan giữa mẹ cha tôi với những người mặc áo đờ nin màu xanh đen. Cha kéo tay tôi ngồi xuống trảng cỏ trong khu quản thúc, cùng ăn.
- Ở nhà còn gạo không con?
- ...
Nhìn thấy vẻ mặt của tôi lơ ngơ, môi cha giật giật rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Trước khi tôi về, cha dặn đi dặn lại:
- Về nói với mẹ, cha ăn mì cũng được rồi.
Tôi về thuật lại. Mẹ khóc. Cha tôi bị bọn tề ngụy quản thúc và chịu nhiều tra khảo, ông gầy hẳn. Sáu tháng ròng rã, cha sống bằng mì đổi món qua bàn tay chăm chút của mẹ. Nhưng cũng chỉ ba hôm mì luộc trộn muối đỗ ăn cứng cổ mới xen được một bữa bột nhứt khuấy chín, nạo dừa rắc lên chấm mắm nêm hoặc nước mắm dầm cá rô nướng ăn kèm rau chua lẻ. Đến ngày cha được thả, cả nhà mừng hết nước mắt.
Mấy tháng sau, quê tôi giải phóng.
- Ông cũng biết quê mình gò nhiều hơn ruộng, dân sống chủ yếu nhờ vào mì - Cha tôi phân bày với ông Chủ tịch xã.
- Ông thì lúc nào cũng mì mì - Ông chủ tịch dằn từng tiếng. Cha tôi lặng người. Một lát sau ông chủ tịch rời ghế bước lại gần cha tôi hạ giọng - Đây là chủ trương của xã.
- Tôi cũng đâu có muốn quê mình mãi nghèo khó nhưng...
- Chuyện đó tôi biết nhiều hơn ông - Chủ tịch xã không đợi cha tôi nói hết lời.
Từ Ủy ban nhân dân xã về nhà, mặt cha tôi buồn rười rượi. Mẹ hỏi, ông lắc đầu im lặng.
Làng Chánh Hóa, những gò mì năm xưa được quy hoạch trồng dừa ba lợi ích. Cha tôi vác cưa đi làm thợ mộc lấp rỗi nông nhàn, kiếm tiền chạy gạo. Mãi sau này tôi mới biết, một trong hai người mặc áo đờ nin màu xanh đen năm xưa là ông chủ tịch xã đã thôi chức, và sáng kiến gọi là kinh tế chiến lược của ông cũng đã bất thành.
Người dân quê tôi giờ không còn ăn mì thay cơm nữa, nhưng sức sống và màu xanh của mì vẫn bạt ngàn trong ký ức của những người không dễ quên về một thời đạn bom, đói khổ. Nhớ lời cha tôi nói: cây mì với củ mì xuyên suốt một tim, có lẽ trời sinh vậy nên rất thủy chung để cầm cự vượt qua nghèo khó.
Cha mẹ tôi giờ đã yên nghỉ trên gò đồi áp vào chân dãy núi Bà.
. Nguyễn Dự
(Chánh Hóa, tháng 5- 2003)
|