|
Một vở diễn tại Liên hoan |
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, trong không khí rực rỡ cờ hoa, Bình Định đón mừng kỷ niệm 28 năm Ngày giải phóng miền Nam (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5), và tại TP Quy Nhơn người dân có thêm một niềm náo nức: Liên hoan sân khấu không chuyên toàn tỉnh lần thứ V với 10 vở tuồng, bài chòi cổ được 10 đoàn liên tục biểu diễn trong 4 ngày đêm, cuốn hút sự tham gia của gần một vạn lượt người xem.
* Sinh động và hấp dẫn
Đó là nhận xét của Ban giám khảo và của rất nhiều người mê hát bội đến xem các buổi biểu diễn của Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên toàn tỉnh lần thứ V. Thật kỳ lạ, trong suốt thời gian Liên hoan, Hội trường Quang Trung luôn chật kín người. Phần lớn là những cụ ông, cụ bà tuổi quá sáu mươi, có cụ dễ đến gần chín mươi tuổi cũng nhờ con cháu đèo xe hoặc đi xích lô đến xem đủ mỗi ngày 3 xuất diễn. Nhiều cụ có nhà ở rất xa nơi diễn ra Liên hoan, tận Khu 1, Khu 2, Khu 6, xóm Nhà Đèn… vẫn đều đặn theo ngày 3 xuất diễn.
Còn các đoàn tham gia Liên hoan thì cũng thật rộn ràng, muôn vẻ. Có đoàn tổ chức dàn dựng vở thật công phu với cái đích nhắm đến là giải thưởng số 1 như đoàn Trần Quang Diệu (Quy Nhơn). Bầu Hải của đoàn này tâm sự: “Đoàn Trần Quang Diệu tuy còn non trẻ nhưng cái chung của các diễn viên là nhiệt huyết và đam mê. Là người “lĩnh tờ” cho đoàn, tôi đã cố gắng tập hợp được những người đam mê nghề nghiệp và giúp tạo ra sự gắn bó giữa họ với nhau.” Đoàn Trần Quang Diệu có lẽ là đoàn có sự chuẩn bị cho Liên hoan kỹ nhất. Đoàn đã dành cả tháng trời mời đạo diễn Hoàng Việt, con trai của nghệ sĩ Hoàng Chinh, đến dựng vở Đào Phi Phụng, một vở diễn mà sinh thời nghệ sĩ Hoàng Chinh vào vai chính rất hay. Bằng ký ức của mình về vai diễn của người cha quá cố, Hoàng Việt đã phả vào vở diễn tâm huyết và những miếng nghề độc đáo, được Ban Giám khảo đánh giá là vở diễn rất khó và đã đạt giải nhất tại Liên hoan. Tuy nhiên, cũng có đoàn hầu như không chuẩn bị gì nhiều cho Liên hoan. Các đoàn như Suối Tre, Sao Mai lo đi diễn quanh năm suốt tháng, đến thời điểm Liên hoan thì về thẳng Quy Nhơn tham gia, không kịp nghỉ ngơi, hơi hám không kịp phục hồi nên tham gia Liên hoan mà nhiều diễn viên trong tình trạng tắt tiếng. Bầu Nhờ của đoàn Suối Tre tâm sự: “Liên hoan lại rơi đúng vào tiết Thanh Minh, chúng tôi phải đi hát suốt, nên chẳng kịp nghỉ ngơi để củng cố vở diễn”. Đoàn Suối Tre thời gian vừa rồi vào tận các tỉnh Nam bộ như Kiên Giang, Đồng Tháp… biểu diễn. Theo bầu Nhờ, dân Nam bộ cũng mê hát bội không kém gì dân Bình Định.
So với 4 lần trước, mà lần gần đây nhất cũng đã qua 4 năm, thì Liên hoan lần này có một bước nhảy vọt về chất. Đặc biệt trong chọn vở, các đoàn đã khai thác triệt để các vở diễn tuồng cổ trong kho tàng tuồng hát bội, tuồng bài chòi cổ dân gian Bình Định như: Hộ sanh đàn, Huê Thần nữ, Tiêu Anh Phụng, Tam hùng kiệt, Tiết Giao đoạt ngọc… Những pho tuồng đã được thử thách qua thời gian vẫn luôn là nỗi đam mê truyền đời của công chúng hát bội.
. Ngọc phải mài
Tại Liên hoan, công chúng hát bội có dịp gặp lại những giọng hát một thời vang bóng như: Hoàng Nhơn, Hà Mẹo, Văn Trạch… dù chất giọng có xuống đi ít nhiều do thời gian và tuổi tác nhưng cốt cách vẫn khỏe khoắn, chắc nịch. Hàng loạt các ngôi sao đang hồi sung sức là nền tảng của sân khấu không chuyên Bình Định hiện tại như: Hoàng Lộc (Đoàn An Nhơn 2); Vũ Trinh, Thanh Tịnh (Đoàn Sông Kôn); Thu Hường, Công Lễ (Đoàn Ánh Dương); Kim Huệ, Văn Thinh (Đoàn Suối Tre); Kim Hạnh, Kim Chung (Đoàn Trần Quang Diệu); Ngọc Hương, Linh Nghiệp (Đoàn Phước An)… cùng nhiều diễn viên trẻ đầy triển vọng. Tất cả dự báo một tương lai sáng sủa đối với sân khấu truyền thống không chuyên.
Tuy nhiên, cũng từ sàn diễn của Liên hoan, nổi cộm lên một số vấn đề cần được chấn chỉnh nghiêm túc. Đó là tình trạng “hát cương” vẫn còn khá phổ biến. Một số đoàn đã để “cương” đến mức thô thiển. Một số vở diễn sa sút về mặt nghệ thuật. Một số nhân vật hóa trang lại không đúng với tính cách. Sai sót phổ biến khác là việc thiếu đầu tư đến nhân vật quan báo; việc sử dụng roi ngựa, quân đưa ngựa mỗi đoàn một kiểu; quân reo, quân ó quá sơ sài…
Có một thời sân khấu truyền thống không chuyên mọc lên như nấm; một thời khác lại lo ngại sự quay lưng của khán giả. Sự sàng lọc nghiệt ngã của cơ chế thị trường, của trình độ hưởng thụ nghệ thuật đã khiến mỗi một đoàn muốn sống được phải phấn đấu không ngừng trên nhiều mặt, đặc biệt là chất lượng của các vở diễn. Thực tế cho thấy, quần chúng không quay lưng với sân khấu truyền thống, chỉ quay lưng với vở diễn dở mà thôi!
Để nâng cao chất lượng các vở diễn, nâng cao trình độ nghệ thuật của các đoàn sân khấu truyền thống không chuyên, Sở VHTT cần để tâm lực nhiều hơn đối với các đoàn này. Trước mắt, Sở VHTT nên chỉ đạo để Nhà hát tuồng Đào Tấn mỗi năm có kế hoạch nâng chất một số đoàn, giúp họ phát triển đúng hướng.
. Quang Khanh
|