Lúc sinh thời, mỗi khi nhắc tới miền Nam, Bác nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Những năm tháng cuối đời, Bác luôn chuẩn bị cho mình một cơ hội vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt...
Đồng bào miền Nam cũng luôn nhớ Bác, vị cha già dân tộc, Bác Hồ kính yêu. Và những vần ca dao thắm tình dâng lên Bác của họ đã ra đời:
Miền Nam là của Việt Nam
Miền Nam là của giang sơn Lạc Hồng
Miền Nam chỉ có một lòng
Miền Nam chỉ viết một dòng chữ thôi
Một dòng chữ sáng muôn đời
Một dòng chữ có vạn người mến thương
Một dòng chữ sáng muôn phương
Cần, kiệm, liêm, chính tấm gương chói lòa
Tay để lòng nở trăm hoa
Đây là dòng chữ: Cha Hồ Chí Minh
Miền Nam “đi trước về sau” đánh giặc suốt ba mươi năm không nghỉ, chịu trăm đắng ngàn cay. Trong vô vàn thiệt thòi mà nhân dân miền Nam gánh chịu, có một thiệt thòi lớn: phải xa Bác Hồ, không có điều kiện gặp Bác như đồng bào miền Bắc. Thậm chí, không được nhìn ảnh Bác vì sợ giặc khủng bố. Và nỗi nhớ thương ấy càng da diết hơn. Họ mong thống nhất nước nhà, Bắc-Nam sum họp, Bác cháu gặp nhau, thỏa lòng mong ước:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ câu Bác dặn, nhớ điều Bác khuyên.
Những lời vàng ngọc không quên
Con đường thống nhất càng bền đấu tranh.
Đồng bào miền Nam hiểu rằng, trong niềm vui chung đó, có niềm vui riêng mà Bác Hồ đem lại: tình yêu đôi lứa vẹn tròn.
Cắt tấm lụa đào em đề ba chữ
Chữ trung với Bác, chữ hiếu với mẹ, chữ nghĩa với anh.
Dù xa xôi em vẫn giữ lòng thành
Có Bác chỉ đường dẫn lối thì hai đứa mình sẽ gặp nhau.
Hướng đến Bác Hồ, đồng bào miền Nam càng tin vào sức mạnh chính nghĩa của mình trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Người chiến sĩ cách mạng giữ vững khí tiết đấu tranh với địch trong nhà tù:
Đêm nay mười chín tháng năm
Hồn con sáng tợ trăng rằm trung thu
Con đang chúc thọ trong tù
Con đang dựng một rừng cờ trong tim
Đêm nay mộng hóa thành chim
Tung qua lưới sắt con tìm đến Cha
Ca dao dâng Bác thật phong phú, thể hiện tấm lòng của từng người dân miền Nam với Bác, mang sắc thái địa phương trong tâm tình của mình. Họ hình tượng hóa tình cảm đó vào những gì thân thiết nhất gắn liền với miền đất mà họ đang chiến đấu để giữ gìn. Đấy là hình ảnh chiếc nón bài thơ bao đời của người dân xứ Huế:
Nước dưới sông khi dâng khi cạn
Trăng trên trời khi sáng khi lu
Ai ra miền Bắc thưa với cụ Hồ
Lòng miền Nam vẫn tròn vành vạnh
như chiếc nón bài thơ đội đầu.
Người dân Bến Tre đồng khởi nhớ Bác mênh mông như ruộng lúa, rừng dừa của chính họ vậy:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông lúa đẹp thương về Cần Thơ
Miền Nam mong nhớ Bác Hồ
Dừa Bến Tre nước ngọt , luá Cần Thơ trĩu vàng.
Nước non, sông núi, nắng gió... gắn bó với cuộc sống của người dân miền Nam. Chính vì những gấm vóc non sông đó mà họ ra sức chiến đấu giữ gìn. Nước non này có toàn vẹn thì công lao Bác Hồ soi đường chỉ lối càng lớn, ơn Bác càng nặng. Sức mạnh của dân tộc được nhân lên gấp bội trong cuộc chiến tranh của nhân dân khi được hiệu triệu dưới hình ảnh Bác Hồ. Người dân Khánh Hòa đã ví:
Gió nào bằng gió Tu Bông
Sức nào bằng sức nhân dân Cụ Hồ
Hình ảnh nước non và hình ảnh của Bác trong tâm trí người dân miền Nam hòa quyện lẫn nhau trong vần ca dao Quảng Ngãi- Bình Định:
- Đồng nào cao bằng đồng Thi Phổ
Thổ nào cao bằng thổ Ba Tơ
Ơn nào sâu bằng ơn Cụ Hồ
Nguồn bao nhiêu nước ơn Cụ Hồ bấy nhiêu
Nước sông Trà in hình núi Ấn
Dừa Trung Lương soi bóng Lại Giang
Nhìn lên cờ đỏ sao vàng
Lòng dân ơn Bác muôn vàn Bác ơi.
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Lời Bác rất thấm thía trong lòng các dân tộc ở miền Nam. Người dân Tây Nguyên nhận ra rằng:
Vùng Tây Nguyên rừng thiêng nước độc
Tám, chín năm ở với Bác Hồ lúa mọc đầy nương
Ba năm ở với “quốc gia” khổ sở trăm đường
Nay bắt phu, bắt lính, nói gạt nói lường hại dân
(Ca dao dân tộc Mơ nông)
Người Hơ-rê chất phác, nói “bụng Bác Hồ” đẹp hơn cả hoa Ê-pan nhất buôn, nhất rừng của họ. Cũng như người Ê-đê thấy “bụng Bác Hồ” tốt với dân tộc mình thế nào. Họ cho thấy:
Người cứu dân tộc mình
Cho suối đánh dần, cho hoa Gơ- ma nở
Cho nương đầy lúa, rẫy đầy khoai
Cho núi sông đầy cá nước hoa ngàn
Cho con gái cườm đeo quanh cổ
Là Bác Hồ Chí Minh!
(Ca dao dân tộc Ê-đê)
Biết nói làm sao hết những lời ca cất lên từ đáy lòng thương nhớ và biết ơn vô hạn của đồng bào miền Nam với Bác.
Ca dao dâng Bác, nhất là ca dao của đồng bào miền Nam “đi trước về sau” là nguồn suối mát vô tận, thể hiện tấm lòng trân trọng và yêu thương của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân miền Nam nói riêng với con người đẹp nhất: Hồ Chí Minh.
Tháp mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
. Trần Xuân Toàn
|