Tư tưởng nhân bản của Phật giáo trong đời sống văn hóa người Việt Nam
17:8', 13/5/ 2003 (GMT+7)

Trong bối cảnh của nền văn hóa Đông Nam Á và Á châu, cùng với tư tưởng của đạo Nho và đạo Lão, Phật giáo là một thành tố hệ tư tưởng đã để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa người Việt rất sâu đậm.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam khá sớm và gây được ảnh hưởng trong quần chúng, đi vào thôn xóm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cũng như nhu cầu thẩm mỹ của họ. Có thể nói có một thực thể văn hóa trong đời sống văn hóa người Việt Nam, đó là văn hóa nhà chùa. Văn hóa nhà chùa là một thực thể có nét riêng biệt, nhưng đồng thời lại hội nhập vào văn hóa dân gian truyền thống, thắm đượm và lắng đọng trong tâm thức người dân, khiến cho nó được xem như văn hóa dân tộc. Có nhiều nguyên nhân để cắt nghĩa sự hội nhập này, song nổi bật nhất vẫn là do bản chất nhân đạo và hòa bình của triết lý Phật giáo. Các triết lý và tôn giáo khác, trước đây cũng đã có ảnh hưởng lớn vào trong đời sống văn hóa Việt Nam nhưng chưa thể có sự hòa đồng như thế.

Rõ ràng, tín ngưỡng là một nhu cầu tinh thần của con người trong một hoàn cảnh cần một niềm tin, một chỗ dựa vô hình, màu nhiệm và cao cả. Thì đây, văn hóa nhà chùa đã cung cấp cho người Việt đức Phật thiêng liêng đó. Tâm thức văn hóa dân gian có ông Bụt. Bụt và Phật được đồng nhất với nhau. Bụt và Phật tối cao nhưng khác với Trời, Ngọc Hoàng, Thượng đế và cả với Tiên nữa. Trời, Chúa, Tiên đều có hình tượng phép lạ, song giữ một khoảng cách, một cự ly khá xa, ban phép màu cho họ. Con người bình dân Việt Nam thấy ở Bụt, ở Phật của họ sự bình dị, thông cảm nhiều hơn. Trong kho tàng cổ tích Việt Nam, Bụt thường hiện ra ban phép màu, cứu người đang bị nạn khổ đau. Phật, Bụt từ bi cứu khổ, cứu nạn luôn bên cạnh, kịp thời cứu nạn nhân, không đợi cầu xin, chỉ cần nghe tiếng thở dài của anh chàng nghèo khổ phải đi kiếm cây tre trăm đốt mới được vợ ở truyện Cây tre trăm đốt hoặc nghe tiếng khóc rấm rứt của cô Tấm khi mất con Bống nhỏ nhoi (truyện Tấm Cám) là lập tức giải quyết ngay sự bất bình. Cứ như vậy lúc nào Phật cũng hiện ra với lòng nhân từ và niềm hi vọng của nhân dân. Những con người nhân từ phúc hậu cũng được nhân dân Phật hóa. Thái hậu Ỷ Lan có công với nước, được tặng danh hiệu Bà Tấm Quan âm. Lòng nhân từ tế độ người nghèo khổ của Thái hậu được dân gian hóa thành Phật. Ngay đến lúc Phật giáo suy tàn, tư tưởng từ bi cứu độ ấy vẫn tỏa sáng trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Bồ Tát Quan âm được phong là Phật Bà, được thờ trong nhà dân, chứ không phải sơn son thiếp vàng và do những bà mẹ quy y sớm tối cầu xin tai qua nạn khỏi, của cải sinh sôi không cần kinh kệ.

Ngọn gió từ bi thổi qua vườn văn học nước nhà thấm đẫm trong các tác phẩm không lấy Phật giáo làm tư tưởng chủ đạo. Hãy lấy Truyện Kiều của Nguyễn Du làm minh chứng. Một sư Giác Duyên giữa một rừng nhân vật Nho giáo là nhân vật duy nhất cứu Kiều thoát khỏi đời sống lầm than hiện hữu không hẹn một kiếp sau trên cõi Niết bàn. Tư tưởng nhân bản khoan dung của Phật giáo đã làm nên một phần giá trị của Truyện Kiều.

Văn hóa Việt Nam căn bản vẫn là văn hóa làng. Văn hóa nhà chùa với sự hiện diện của chùa làng đã góp phần mình trong đời sống văn hóa tâm linh của con người Việt Nam bao đời nay. Dân gian đã từng nói: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Nói đến chùa là nói Phật và tu hành. Chùa Việt Nam là một hiện tượng văn hóa, thể hiện tính chất bao dung của người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Chùa tất nhiên là để thờ Phật, nhưng không chỉ có Phật hay chỉ vì Phật. Có chùa lập nên thờ các vị có công với nước, thờ các vị thần, thành hoàng... còn phong cảnh Bụt là nói đến phong cảnh chùa đẹp, hấp dẫn. Đó là những nơi gợi nên những cảm xúc thẩm mỹ, ý vị mơ màng. Các nhà thơ cổ điển Việt Nam không mấy ai không có những câu tuyệt bút ca ngợi phong cảnh nhà chùa và thơ Thiền Việt Nam đã từ đấy mà trở thành nghệ thuật thi ca đột xuất trên thi đàn Việt Nam. Cuộc sống xung quanh và cả trong lòng mình chứa đầy dục vọng, đầy những mầm mống của tội lỗi, tu hành nhằm mục đích tìm và tạo nên cái yên tĩnh màu nhiệm không cho lòng tham tìm cách ngụy trang. Dân gian Việt Nam hiểu rõ cái hại của lòng tham và dục vọng nên đã chấp nhận những ngôi chùa ngay ở giữa lòng công xã, làng nước. Cuộc sống tu hành phải chăng là sự tìm về với thiên nhiên, với bản ngã sâu xa của mình. Đi tìm bản ngã, mà là vô ngã, để hiểu sắc sắc không không quả là không đơn giản. Không kể những kẻ “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, cuộc sống tu hành thực chất là sự mưu cầu hòa bình và tồn tại.

Hội chùa là hội của văn hóa tôn giáo. Hội chùa lưu đời đã để lại một di sản văn hóa vô song: hát quan họ và những mối tình liền anh liền chị “Ai ơi khoan hãy lấy chồng. Để cho trai gái dốc lòng đi tu” hay “Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy” nằm trong văn mạch tư tưởng phồn thực cầu sinh đầy nhân văn của hội làng, hội chùa mà chỉ dòng Phật giáo dân gian Việt Nam chảy qua tâm thức của con người Việt Nam mới có được.

Và người Việt Nam tìm đến với chùa chiền cũng như Bụt, Phật hay hội chùa còn tồn tại trong đời sống văn hóa người Việt Nam chính là tư tưởng nhân bản của Phật giáo.

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hạ cháy  (12/05/2003)
12 mùa bão cấp 12  (12/05/2003)
Đảo quê hương  (11/05/2003)
Bài thơ Hoàng hôn của Xuân Mai  (09/05/2003)
Miền Nam nhớ Bác trong vần ca dao  (09/05/2003)
Sức sống mãnh liệt của sân khấu truyền thống không chuyên   (08/05/2003)
Thương lắm mì ơi!  (07/05/2003)
Lê Văn Hiếu làm mới thơ mình từ “Khi mặt trời chưa mọc”  (06/05/2003)
Lê Văn Ngăn: nhà thơ không bao giờ lớn tiếng   (06/05/2003)
Bác Hồ với chiến dịch Điện Biên Phủ  (05/05/2003)
Khoảng trời Chim én bay (*)  (04/05/2003)
Giấc mầm  (02/05/2003)
Chuyện cất trong lòng núi  (02/05/2003)
Văn Trọng Hùng với Bóng trúc  (01/05/2003)
Đừng lấy tiêu chuẩn kịch nói làm mới tuồng  (30/04/2003)