Nhớ ngày giỗ cụ Mai Xuân Thưởng, rằm tháng tư (1887-2003):
Những người cùng thời viết về Mai Xuân Thưởng
17:25', 14/5/ 2003 (GMT+7)

Lăng Mai Xuân Thưởng tại Bình Tường - Tây Sơn

Ngày rằm tháng tư năm nay, đúng 116 năm nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương, cụ Mai Xuân Thưởng, hy sinh. Chúng ta ôn lại thời gian và đức độ của nhà lãnh đạo ấy qua thơ văn những người cùng thời.

Năm 1885, kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn và truyền hịch Cần Vương, Tổng đốc Đào Doãn Địch ứng nghĩa chống Pháp từ thành Bình Định. Thế lực giặc Pháp bấy giờ đang mạnh, cụ Đào Doãn Địch rút quân lên huyện Bình Khê, phối hợp với nghĩa quân cụ Mai Xuân Thưởng. Rồi cụ Đào Doãn Địch lâm bệnh nặng, trước phút lâm chung đã trao quyền lãnh đạo cho cụ Mai Xuân Thưởng,người vừa đậu cử nhân tại trường thi Bình Định.

Mới hăm lăm tuổi, nhưng Mai Xuân Thưởng được nghĩa quân tôn vinh làm Nguyên soái, và cụ đã tập hợp được nhiều nhân sĩ trí thức đương thời, có nhiều vị cao tuổi hơn vẫn chung lòng cầm võ khí đứng dưới cờ Cần Vương như Lê Thượng Nghĩa, Nguyễn Duy Cung, Võ Trứ, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Quí Luân... hoặc các tướng lĩnh Đặng Đề, Nguyễn Hóa, Võ Phong Mậu... các cụ đã để lại nhiều bài thơ thổ lộ tâm tình như ý chí của Mai Nguyên Soái tự nhủ:

Không tính làm chi chuyện mất còn

Nợ trai lo trả ấy là khôn

Gió đưa hồn nước gươm ba thước

Đá tạc lòng trung núi mấy hòn...

Cụ Nguyễn Duy Cung (1843-1880) quê Sơn Tịnh- Quảng Ngãi, làm án sát tỉnh Bình Định, tham gia kháng chiến trong nghĩa quân cụ Mai Xuân Thưởng, đã làm bài thơ chữ Hán tặng Mai Nguyên Súy:

Bán dạ hốt truyền vũ hịch lai

Cần Vương vệ quốc nghĩa kỳ khai

Bình nhung tráng chí bằng thao lược

Thủ vãn hà sơn triển đạt tài

Đào Văn đã chuyển lục bát:

Nửa đêm lời hịch vang truyền

Cần Vương cờ nghĩa khắp miền tung bay

Lược thao chí mạng gồm tài

Non sông khôi phục sức này tiếc chi

Cụ Nguyễn Diêu, quê Nhơn Ân - Tuy Phước đậu tú tài năm 1860 tại trường thi Bình Định là thầy của danh nhân Đào Tấn, cũng có bài thơ chữ Hán tặng Mai Nguyên Súy:

Tam tại vị tằng tác nhất thi

Thường tư báo quốc lệ chiêm y

Kiếm ma thạch thượng hàn quang chiếu

Đại trảm Tây tù chấn ngã uy

Tạm dịch:

Ba năm chẳng viết một bài thơ

Việc nước còn lo áo lệ mờ

Trên đá kiếm mài ngời ánh thép

Đầu Tây chém sạch, tỏ uy to

Đúng ba năm, dưới sự lãnh đạo của Mai Nguyên Soái, nghĩa quân đã xây dựng căn cứ Bắc trại, Nam trại, thắng lợi các trận Cẩm Văn, Thủ Thiện, quyết chiến ở Trường Úc, Bàu Sấu... Sau đó nghĩa quân bị tổn thất khá nhiều do bọn giặc gộp sức phản công, đồng thời dùng nhiều thủ đoạn đàn áp phong trào Cần Vương. Chúng đã hạ ngục người mẹ của Mai Nguyên Soái, buộc cụ buông võ khí để cứu mẹ. Khi lên đoạn đầu đài, cụ Mai Xuân Thưởng vẫn sang sảng đọc thơ:

Chết nào có sợ, chết như chơi

Chết bởi vì dân, chết bởi thời

Chết hiếu chi nài xương thịt nát

Chết trung bao quản cổ đầu rơi...

Khi nghĩa quân Cần Vương ở Bình Định đã thoái trào, ông Võ Trứ (1845-1895) quê Nhơn Ân - Tuy Phước, chuyển vào kháng chiến ở tỉnh Phú Yên, đã làm bài thơ chữ Hán:

Kỹ độ phong trần hạng thức công

Trung tâm khả tỉ hỏa quang hồng

Hoàn thiện bất trợ bình, nhung chí

Sầu độc di thi lệ bấc cùng

Đặng Tấn đã dịch:

Gió bụi bao ngày, may biết ông

Lòng trung như ánh lửa tươi hồng

Chí lo dẹp giặc, trời không giúp

Buồn đọc dòng thơ, lệ chẳng cùng

Cụ Mai Xuân Thưởng có người đồng chí giữ chức tham tán quân vụ là Nguyễn Bá Huân (1848-1890) vốn nhà nho uyên thâm, đã đau đớn làm bài thơ thất ngôn bát cú điếu Mai Nguyên Súy, được cụ Tống Phước Phổ đã diễn ra nôm như sau:

Lòng son chỉ muốn cứu dân lương

Vung dáo ngâm thi mấy kẻ bằng

Một tấm lòng trung trùm vũ trụ

Ba năm đàn kiếm sạch phong trần

Chiến y trăng tỏa nghe hơi lạnh

Cao lũy trời chiều ố nếp khăn

Phỏng chiến anh hùng nên chí lớn

Mây xanh vút khúc khải ca vang

Trong cuốn Đào Phan Duân - lý lịch và tác phẩm của Lộc Xuyên Đặng Quí Địch biên soạn (NXB Văn hóa dân tộc - 2002) có in bài Cáo Mai Công do chính tác giả phó bảng Đào Phan Duân (1864-1947) đọc tại lễ tưởng niệm cụ Mai Xuân Thưởng ngày 24-7-1945, có đoạn:

...Ôi! Vĩ đại thay cái chết của Mai Công! Ông đã hy sinh tính mệnh để bồi đắp cho đạo cương thường, thì cái thần hồn ở trên đời chẳng bao giờ mất. Thần hồn ấy qua lại trong vũ trụ, nghiễm nhiên cùng đỉnh An Trường và Cù Mông cao vòi vọi... Nay hồi tưởng lúc lâm hình, tính khí quật cường trỗi dậy, ông đã tự hứa chịu rơi đầu chứ không hàng đầu, dù bị nấu trong vạc dầu cũng chẳng sợ...

Cụ Đào Phan Duân đã diễn đạt cái thần khí như lời thơ tuyệt mệnh của cụ Mai Xuân Thưởng:

... Chết nhân tiếng để vang nghìn thuở

Chết nghĩa danh lưu rạng mấy đời

Thà chịu chết trung hơn sống nhục...

***

Đầu thế kỷ 20, ông Đổng Sỹ Bình (1904-1934) quê huyện Phú Vang - Thừa Thiên, làm thông phán tòa sứ Quy Nhơn, năm 1926 viếng mộ Mai Xuân Thưởng, đã làm câu đối chữ Hán:

- Bại trận nhi bất hàng, hùng tâm phiêu vũ trụ, đáo để chiến công lực kiệt, binh tán thế cô, túng sử vận quốc hưng vong, liệt sĩ hồ cam hàm hận huyết;

- Đoạn đầu du năng tiếu, nghĩa khí quán càn khôn, hậu lai chuyên chế vân la, nhơn vong sự một, na thức giá bang tình trạng, hậu nhơn thượng vị hích kỳ danh?

Có nghĩa là: Thất trận không hàng, khí hùng tỏa vũ trụ, dù tàn hơi hết sức, nếu vận nước chưa suy, liệt sĩ há đành ôm mối hận- Đầu rơi còn cười cợt, nghĩa khí rạng đất trời, mặc xiềng xích bủa giăng, người mất việc không, hay chăng nông nỗi ấy, mai sau ai có rõ nguồn cơn?

Nhà thơ Quách Tấn (1910-1992) cũng đã phụng soạn bài văn tế cụ Mai Xuân Thưởng, và có bài thơ như ca dao:

Ngó vô Linh Đổng mây mờ

Nhớ Mai Nguyên Soái dựng cờ đánh Tây

Hầm Hô cứ nước còn đầy

Còn hương phấn dũng còn ngày vinh quang

. Hà Giao

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngẫm nghĩ trên đường  (13/05/2003)
Tư tưởng nhân bản của Phật giáo trong đời sống văn hóa người Việt Nam  (13/05/2003)
Hạ cháy  (12/05/2003)
12 mùa bão cấp 12  (12/05/2003)
Đảo quê hương  (11/05/2003)
Bài thơ Hoàng hôn của Xuân Mai  (09/05/2003)
Miền Nam nhớ Bác trong vần ca dao  (09/05/2003)
Sức sống mãnh liệt của sân khấu truyền thống không chuyên   (08/05/2003)
Thương lắm mì ơi!  (07/05/2003)
Lê Văn Hiếu làm mới thơ mình từ “Khi mặt trời chưa mọc”  (06/05/2003)
Lê Văn Ngăn: nhà thơ không bao giờ lớn tiếng   (06/05/2003)
Bác Hồ với chiến dịch Điện Biên Phủ  (05/05/2003)
Khoảng trời Chim én bay (*)  (04/05/2003)
Giấc mầm  (02/05/2003)
Chuyện cất trong lòng núi  (02/05/2003)