Tác giả - tác phẩm:
Xuân Mai
9:8', 16/5/ 2003 (GMT+7)

Tác giả Xuân Mai

Tác giả Xuân Mai tên thật là Bùi Thị Xuân Mai, sinh năm 1948,  quê ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh. Hiện chị là Phó tổng biên tập Báo Bình Định và là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội VHNT Bình Định. Chị đã xuất bản 3 tập thơ là Hạt cát vàng (1990), Cầu trăng (1994), Dòng sông thao thức (2000). Tác giả Xuân Mai đã 2 lần được nhận giải B Giải thưởng VHNT Xuân Diệu- Đào Tấn: Lần thứ nhất (1990-1995), lần thứ hai (1996-2000). Được biết, chị đã hoàn thành bản thảo tập truyện ngắn thiếu nhi và mong muốn sớm ra mắt độc giả nhỏ tuổi của mình.

Dưới đây là 3 bài thơ và 1 truyện ngắn của chị:

Lời ru xóm núi

Lời ru từ xóm núi này

Vĩnh Hòa heo hút khói mây bồng bềnh

Chạm vào vách đá chênh vênh

Đắng cay đọng lại gập ghềnh bước chân

 

Lời ru trộn cát bụi lầm

Đồng làng hạt lúa mưa dầm nắng thiêu

Mái lều ngọn khói liêu xiêu

Duối giang bạn với hoa chiều trắng sương

 

Lời ru cõng mẹ lên nương

Vạt rừng cây sém con đường tro than

Tuổi thơ vui với non ngàn

Mõ kêu lốc cốc trâu đàn rong chơi

 

Võng gai kẽo kẹt ru hời

Dòng sông sõng nhỏ bời bời sóng xô

Vòm me lả tả cánh cò

Mái chèo cần mẫn con đò ruổi rong

 

Lời ru gửi cuối dòng sông

Đôi bờ ruộng mật mênh mông bãi màu

Bến chiều xanh mượt soi dâu

Nhớ về xóm núi canh thâu trở mình.

 

Biết

Thu đến thu đi giữa đất trời

Chỉ sông mới biết lúc đầy vơi

Chỉ lá trải lòng trong nắng gió

Biết vàng khi một giọt thu rơi

 

Về Côn Sơn

Khách dập dìu thu đi trẩy hội

Vàng nắng, xanh mây, hương cốm đằm

 

Thông reo vi vút trời cao vợi

Quấn quýt lời thơ khúc ruột tằm

 

Ai lấy đá, rêu làm chiếu thảm

Biếc xanh rừng trúc tiếng ca ngâm

 

Thầm thì Côn Sơn nghe suối chảy

Máu oan còn chảy đến ngàn năm

 

Bàng bạc tấc lòng ưu ái cũ

Nghìn năm Nguyễn Trãi nước triều dâng.

 

Tam thể và cún con

Một buổi trưa, đang lim dim sưởi nắng ngoài hè, Tam thể bỗng nghe tiếng reo ở nhà trước. Nó vội bật dậy, nhón chân chạy lên xem. Thì ra cu Tí chủ nhà vừa đem về một chú Cún con. Mọi người đang quây quần ngắm nó. Hình như Cún vừa rời vú mẹ. Cái miệng đỏ hồng bé tí luôn luôn nhóp nhép như đang mút sữa. Bốn chân ngắn cũn cỡn chạy chân nam đá chân chiêu. Chiếc đuôi nhòn nhọn cong vòng thành hình chữ o ở phía trên cái mông tròn ục ịch trông đến ngộ nghĩnh. Nhìn Cún chạy chập chững muốn ngã ai nấy đều vỗ tay cười ngặt nghẽo. Tràng cười càng nổ dòn, nó càng cuống quýt đâm đầu chạy tứ tung.

Thấy cả nhà vui vẻ, Tam thể cũng đến vui lây, dựa vào người này rồi níu áo người nọ kêu meo meo. Nhưng không ai để ý đến nó. Họ đang mải mê Cún.

Cún con quả thật dễ thương. Nó chạy lon ton khắp căn nhà lạ. Cái mũi nhỏ hít hít, bắt mùi như thám hiểm tìm tòi.

Đến bữa, cu Tí đặt một tô cơm trắng có trộn mỡ và cá vụn cho Tam thể và Cún cùng ăn. Ngày trước, Tam thể ăn một mình buồn thiu. Bát cơm dù ngon đến mấy cũng còn thừa một nửa, phải cho gà ăn. Hôm nay có bạn, Tam thể rất vui. Nó không cần ăn ngay. Vừa kêu vừa đi quanh bát cơm xem Cún con ăn nó cũng dư thích rồi.

Cún con tuy nghịch, nhưng khi ăn vẫn rụt rè. Nó cuối xuống tô cơm liếm dè dặt từng chút và ngó chừng Tam thể.

- Chà, cơm ngon thật! - Nó thầm reo - có lẽ ngon hơn sữa mẹ nhiều. Thế mà hồi ở nhà với mẹ, mẹ cứ ăn cơm còn nó thì chỉ được bú thôi. Giá mình được ăn cơm từ khi mới đẻ chắc bây giờ đã lớn bằng cái xô nước rồi ấy chứ.

Nghĩ vậy, nên ăn cơm càng ngon Cún càng trách mẹ nó đã không dành miếng ngon cho nó. Nó không hiểu rằng, lúc mới sinh ra còn bé quá. Cái dạ dày tí xíu của nó chỉ có thể tiêu hóa được với những loại thức ăn như sữa mẹ mà thôi.

Với Tam thể nó có ý e ngại. Cái cô mèo nho nhỏ chỉ đáng tuổi chị nó, lông mượt như tơ, có đôi mắt xanh biếc nhìn như xoáy vào tâm can nó. Bộ ria dài rung rung của Tam thể khiến nó ngỡ là những chiếc gai nhọn. Nó chưa thấy Tam thể làm điều gì khó chịu. Tuy nhiên Cún vẫn suy bụng ta ra bụng người: làm sao Tam thể lại vui được khi miếng ăn hàng ngày đáng lẽ chỉ một mình ăn thoải mái thì nay lại phải chia sớt cho kẻ khác.

Ngày qua ngày, Tam thể và Cún con quen với nhau hơn. Chúng thường chơi đuổi bắt và cùng lăn lông lốc như làm xiếc trên nền nhà lát gạch hoa láng bóng. Đùa giỡn nhiều cũng mệt mỏi cả tay chân, chúng lăn ra ngủ tít.

Tí đi học, ba má Tí đi làm. Căn nhà vắng vẻ lạ thường. Lũ chuột líu nhíu, lúc rúc chạy qua, chạy lại. Chúng lấm lét nhìn Tam thể, rỉ tai nhau mừng rỡ… “Con mèo mải chơi quên việc rồi. Nó ngủ như chết, chúng ta tha hồ mà nhảy múa trong thùng gạo, tha hồ gặm bánh tráng, lục soát quần áo, sách vở”.

Lũ chuột đã mừng hụt: Mèo chỉ nằm mơ màng. Những chiếc râu của nó là những chiếc cần ăng ten cực nhạy vẫn rung rung bắt sóng. Tiếng chân rậm rịch của lũ chuột phát ra bất cứ từ xó nào cũng được bộ râu của Tam thể thu vào, chuyển nhanh đến đôi tai. Tai mèo luôn vểnh lên, cụp xuống, định hướng. Lúc đã nhắm hướng chắc chắn, Tam thể bật dậy, rón rén đến phục kích, cái đuôi ngo ngoe trên nền xi măng như một con rắn nhỏ.

Khi không thấy bóng Tam thể, lũ chuột nghi ngờ mèo đang rình rình đâu đó nên ôm nhau im như thóc. Cái im lặng của gian nhà thật khủng khiếp. Đối với chúng bất cứ chỗ nào cũng là một cái bẫy. Trước mắt chúng, luôn hiện lên đôi mắt xanh như thôi miên của mèo. Và mấy chiếc móng sắc như những gọng kìm đang chực ngoạm lấy chúng.

Bỗng “phốc” một cái, mèo vụt đến. Chỉ nghe một tiếng “chít” hụt hơi của một chú chuột. Từ trong xó nhà, mèo thủng thỉnh đi ra, chú chuột nhắt nằm trong miệng mèo, mắt thao láo trợn ngược, chân cứng đơ. Lũ chuột sống sót điếng hồn chen chúc, rúc mãi đầu vào những cái xó ẩm mốc, đầy mạng nhện, chân run như cầy sấy. Tam thể chỉ cần đi loanh quanh một lúc là hàng mấy mạng chuột phải về chầu Diêm Vương. Ngủ một giấc đẫy. Vừa thức dậy, Cún đã được bập ngay vào bữa ăn trưa. Ngủ ngon ăn càng ngon. Thấy Cún con ăn ngon miệng Tam thể thích thú vươn vai, uốn cong mình, nhường cho Cún con ăn trước. Dù sao Cún cũng nhỏ hơn. Nhường nó ăn nhiều, nó sẽ mau lớn mà giữ nhà. Vả mình ăn chả bao nhiêu. Các cụ đã chẳng bảo “ăn như mèo” đấy ư! Tam thể nghĩ như vậy nên nó vui vẻ nằm khoanh tròn bên tô cơm nhìn Cún ăn.

Còn Cún thấy mèo nhường nó lại bắt đầu suy bụng ta ra bụng người: “Chà, cái bà mèo này khảnh ăn thật. Cơm ngon thế mà còn chê. Chê thì ta chịu khó chén hết vậy”. Và nó cứ cắm đầu hùng hục, tợp nhai, nuốt đến phồng cả mang tai.

Đánh liền một hơi, nghe chừng bụng đã căng, Cún ngẩng mặt lên, vừa nhồm nhoàm hỏi Tam thể:

- Chị không ăn à?

- Cún ăn xong mình ăn cũng được. Mình ăn chả mấy.

Nghe vậy Cún lại suy: “Ôi dào, chê thì nói, lại còn vẽ nhường với chả nhịn”. Nhưng rồi nó cũng giả đò hỏi tiếp:

- Sao chị ít ngủ thế? Ngủ nhiều, ăn nhiều là tiên đấy chị ạ.

- Ừ - Mèo điềm tĩnh, trả lời - ngủ nhiều cũng tốt. Nhưng ngủ nhiều quá hóa đần chứ không thể thành tiên được đâu. Mình chỉ ngủ vào lúc trưa và gần tối thôi. Lúc ấy nhà đông người, lũ chuột trốn biệt, khó bắt lắm!

- Thế ban đêm chị cũng không ngủ à? - Cún tò mò hỏi.

- Ừ, tôi và Cún, chúng mình đều có công việc vào ban đêm cả đấy. Đêm, tôi rình chuột. Lúc này im ắng, lũ chuột hoành hành dữ. Còn Cún phải thức để canh bắt lũ trộm. Chúng ta hợp sức mà chống thù trong giặc ngoài của căn nhà đấy.

Cún nghĩ thầm: “Ôi dào, lũ chuột lợi dụng bóng đêm để phá phách mèo đi rình bắt là phải. Còn mình tội quái gì phải thức. Nhà nào đi ngủ mà chả đóng cửa. Kẻ trộm là người, nó to lù lù như đống rơm, chứ có bé như con chuột, con muỗi đâu mà không nhìn thấy. Kẻ trộm có phải là gió đâu mà bay qua được khe hở.”

Mãi nghĩ Cún ta chén hết tất tần tật đến hột cơm cuối cùng. Bụng đã căng phồng mà còn thèm thuồng liếm mép. Cái bụng nặng trịch khiến mắt nó mờ dần. Nó còn láng máng nghĩ rằng, nếu hết cơm thì mèo có thể ăn chuột để trừ bữa.Nó loạng choạng đi lắc la lắc lư như tên say rượu. Đến bên tấm thảm xơ dừa nó loay hoay rồi gieo tấm thân xuống đánh ịch, nằm bất động.

Tam thể theo dõi hành động của Cún con mà thêm ngao ngán. Niềm vui về sự có mặt của Cún con đã tắt trong lòng nó. Nó bất giác buồn cười nhớ đến một câu đố mà có lần đùa giỡn, cu Tí đã đố nó:

- Loay hoay, loay hoay, huỵch là con gì?

Hồi ấy nó chịu thua, còn bây giờ nó đã hiểu một cách dễ dàng.

Cún lớn nhanh như thổi. Những đốm lang trên mặt, trên mình nó căng ra thành từng mảng lớn loang lổ. Chắc rằng, chàng họa sĩ nào đó của tạo hóa sẽ chết ngất khi nhìn lại công trình sáng tạo của mình. Và vì cái bộ dạng loang lổ ấy nên cái tên “Đốm lang” được đặt ra và được mọi người nhanh chóng chấp nhận.

Càng lớn Đốm lang càng háu ăn tợn. Nó trắng trợn lấn lướt Tam thể. Bữa ăn, nó không những vét sạch sành sanh cả phần của mèo mà còn nhe răng gầm gừ mỗi khi Tam thể tới gần. Những lúc ấy Tam thể chỉ biết kêu meo meo rồi thở dài, bỏ đi. Miếng ăn bị mất, Tam thể chả thiết. Nhưng nó buồn vì đã mất đi một người bạn. Cái con Cún dễ thương hôm xưa ấy không còn nữa. Tâm trí chó của Đốm chỉ biết đến miếng ăn. Ngoài ra nó chả nghĩ được điều gì. Suốt ngày nó chỉ biết “gâu gâu” ầm ĩ, vừa sủa vừa chồm lên, nhe hàm răng nhọn hoắt làm cho ai cũng phát khiếp, nhất là mấy em bé thường khóc ré lên khi trông thấy bộ dạng hung tợn của Đốm.

Những lần đánh bạn với con Mực nhà bên cạnh, Tam thể thật thú vị. Khi người lạ vào nhà, Mực chỉ sủa lên vài tiếng báo hiệu cho chủ ra tiếp. Qua ánh mắt của khách, Mực biết nên sủa nhiều hay ít. Lúc chủ nhà nói chuyện, Mực nằm khoanh trong một góc nhà theo dõi hành động của khách. Biết đó là người thân của chủ, lần đến sau nó vẫy nhẹ đuôi đón.

Có lần Tam thể nghe tiếng Mực sủa không ngớt ngoài cổng. Đang rình mồi mà Tam thể cũng sốt ruột chạy lên. Té ra, ngoài cửa có mấy người lạ hoắc, mũ nón đội sùm sụp, mắt lấm lét đảo quanh. Mực sủa ran xua họ đi bằng được mới thôi.

Tam thể buồn vì nỗi Đốm lang chỉ biết giành ăn nên những tính tốt bẩm sinh do cha mẹ truyền trong việc giữ nhà dần dần bị che mờ lú lẫn. Nó chẳng biết đánh hơi, nhận mặt người thân, kẻ sơ ra sao. Đã thế Đốm lại nghĩ: nhận biết làm chi cho mệt óc. Ta cứ sủa thật to để mọi người biết nhà có chó dữ, cũng đủ lập công với chủ rồi.

Vì vậy, nhà Tí lúc nào cũng rộn tiếng chó. Chỉ khi có ai đó vất cho khúc xương nó mới lặng lẽ chui xuống gầm giường.

Cu Tí dạy bảo mãi mà Đốm lang vẫn chứng nào tật ấy. Nhiều lần cậu ta phát xấu hổ với bạn bè vì bộ óc đần độn của Đốm. Tí rùng mình khi một ý khác len đến trong đầu. Nằm trong lòng Tí, Tam thể hiểu rõ tâm trạng của cậu ta. Nỗi buồn về một ngày nào đó sẽ mất Đốm lang cứ day dứt Tam thể.                                                                      

. Xuân Mai

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người cùng thời viết về Mai Xuân Thưởng  (14/05/2003)
Ngẫm nghĩ trên đường  (13/05/2003)
Tư tưởng nhân bản của Phật giáo trong đời sống văn hóa người Việt Nam  (13/05/2003)
Hạ cháy  (12/05/2003)
12 mùa bão cấp 12  (12/05/2003)
Đảo quê hương  (11/05/2003)
Bài thơ Hoàng hôn của Xuân Mai  (09/05/2003)
Miền Nam nhớ Bác trong vần ca dao  (09/05/2003)
Sức sống mãnh liệt của sân khấu truyền thống không chuyên   (08/05/2003)
Thương lắm mì ơi!  (07/05/2003)
Lê Văn Hiếu làm mới thơ mình từ “Khi mặt trời chưa mọc”  (06/05/2003)
Lê Văn Ngăn: nhà thơ không bao giờ lớn tiếng   (06/05/2003)
Bác Hồ với chiến dịch Điện Biên Phủ  (05/05/2003)
Khoảng trời Chim én bay (*)  (04/05/2003)
Giấc mầm  (02/05/2003)