Cũng như khi xây dựng hình tượng các nhân vật lịch sử nói chung, việc xây dựng hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh - hình tượng Bác Hồ nói riêng, trong ca dao Việt Nam 1945-1975, một mặt theo bút pháp tả thực với những nét đời thường như: Cụ Hồ ở một hôm thôi/Cũng trồng, cũng tưới, thế rồi lại đi/Hỏi cụ trồng tưới làm chi/Cụ cười, Cụ đáp: Tôi đi chú dùng; mặt khác, là theo cảm quan “thần thánh hóa” của dân gian.
Để thể hiện hình tượng Bác Hồ, trước hết ca dao về Bác thiên về bút pháp tượng trưng, khái quát hơn là miêu tả những chi tiết sống thực của con người Bác. Điều này chúng ta thấy cũng rất hợp lý vì, để diễn tả một con người có “tầm vóc thế kỷ” như Bác, thì chỉ có bút pháp thiên về tượng trưng và khái quát là thích hợp nhất. Bút pháp này có khả năng tôn cao đối tượng thẩm mỹ, lý tưởng hóa đối tượng thẩm mĩ theo cảm quan dân gian “thần thánh hóa” của nhân dân ta đối với Bác. Và một trong những biện pháp đầu tiên là, ca dao đã sử dụng những hình ảnh cao đẹp, rộng lớn, hùng vĩ, thiêng liêng có tính biểu tượng để thể hiện như: Mặt trời, vầng thái dương, sao Bắc Đẩu, gương Hồ Thủy, hòn Thái Sơn, trời đất, sông bể, hoa sen, hương quế, hương trầm…
Cụ Hồ như núi Thái Sơn
Cơm kia chữ nọ công ơn nào tày..
Núi cao là núi Thái Sơn
Ơn cao nghĩa cả là ơn cụ Hồ
Bác Hồ là vị cha chung
Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái Dương
Chúng con đi giữa đêm trường
Nhờ Cha dìu dắt dẫn đường chúng con
Ơn Cha như núi như non
Như gương Hồ Thủy, như hòn Thái Sơn
Trên trời có ông sao Rua
Dưới đất ta có Cụ Hồ sáng soi
Ánh sao Rua sáng ngời một góc
Gương Cụ Hồ chiếu khắp năm châu
Bể Đông ta còn đo được
Trường Sơn dài ta vượt cũng qua
Ơn Hồ Chủ tịch bao la
Cháu con kể đến bao giờ mới xong
Chỉ có những hình ảnh-biểu tượng trên mới xứng với tầm vóc vĩ đại của Bác và mới thỏa tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính, biết ơn của nhân dân ta đối với Bác. Với bút pháp thiên về tượng trưng, khái quát này, chúng ta không còn thấy con người cụ thể của Bác mà chỉ thấy vẻ đẹp của Bác trong sự khái quát. Tất cả vẻ đẹp ấy đã tôn Bác lên tầm cao toàn vẹn, toàn bích. Thậm chí, khi miêu tả cụ thể hình dáng của Bác thì ca dao vẫn miêu tả Bác trong ý nghĩa tượng trưng, khái quát. Chẳng hạn như khi miêu tả đôi mắt Bác, người Gia rai đã khái quát:
Hỡi con chim pôn-mơ-ngâm mày xinh đẹp lắm
Nhưng sao đẹp bằng mắt Bác Hồ
Mắt Bác Hồ nhìn sáng bốn ông sao
Dắt dẫn nhân dân khắp làng đánh Pháp
Sự miêu tả này bắt nguồn từ một huyền thoại về Bác khi ở Bác chiến khu là “mắt Bác có hai con ngươi”, và nhân dân đã tôn cao từ “bốn con mắt” thành “bốn ông sao”.
Một biện pháp nữa để “thánh hóa” hình tượng Bác là dùng biện pháp so sánh. Bài ca dao dưới đây đã sử dụng một loạt những hình ảnh so sánh với cụm từ mở đầu Cụ Hồ như….:
Cụ Hồ như cái kiếng soi
Soi gương trung liệt, soi loài tinh ma
Cụ Hồ như biển bao la
Bao nhiêu sông rạch đổ ra từ nguồn
Cụ Hồ như cái hồng chung
Khua vang đánh thức những phường mê man
Cụ Hồ như chiếc đò ngang
Đưa dân đến bến vinh quang cuộc đời
Hoặc:
Tên Bác Hồ hơn ngọc hơn vàng
Mắt Bác Hồ sáng như chim pơlú sing klam
Trán Bác như Chư pông che mát
Người mù Gia rai cũng thấy hình của Bác
Người điếc Gia rai cũng nghe rõ tiếng Bác
Vận dụng ca dao truyền thống, sự so sánh ở bài ca dao sau đã được nâng cao hơn làm ta cảm nhận sự bất tử của hình tượng Bác:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Nước Nam gì đẹp bằng tên Cụ Hồ
Bông sen còn có khi úa
Tên Cụ Hồ muôn thuở không phai
Cảm quan dân gian “thần thánh hóa” này đã có ảnh hưởng đến những sáng tác ban đầu (và cho đến sau này) của các nhà thơ hiện đại sau Cách mạng tháng Tám khi thể hiện hình tượng Bác Hồ. Bởi các thi sĩ của chế độ mới, trước hết cũng là người dân một nước, họ đều mang ơn sâu nghĩa nặng đối với Bác, đều có mối quan hệ ruột thịt đối với vị Cha già dân tộc, cho nên cảm hứng sáng tác về Bác vẫn là cảm hứng đối với một lãnh tụ, một vĩ nhân mà họ kính yêu và cũng rất đỗi gần gũi, thân thương. Cảm hứng này có phần gần gũi với cảm quan dân gian trong ca dao về Bác Hồ.
Đó là bài thơ Hồ Chí Minh của Tố Hữu viết ngày 26-8-1945 có câu:
Tiếng Người thét
Mau lên gươm lắp súng
Và cả ở những bài thơ sau đó như:
Bác ngồi đó lớn mênh mông
Trời xanh, biển rộng ruộng đồng nước non
(Sáng tháng năm –05-1951)
Trong thơ của Xuân Diệu:
Cụ Hồ đã hóa làm sông núi
Mỗi nét lông mày mỗi nét non
(Ảnh Cụ Hồ)
Của Chế Lan Viên:
Ôi bao giờ nhân loại cười như trẻ thơ hồn hậu
Với tất cả chúng ta, Bác là một người ông
Râu như bông mà tóc trắng như bông
Màu tinh khiết một đời đạm bạc..
(Ta nhận vào ta phẩm chất con người)
Hay như trong thơ của nữ sĩ Anh Thơ:
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng
(Theo bước Bác- 1947)
Thậm chí, dưới cảm quan dân gian, Bác đã thành Bác Hồ - ông Bụt, Bác Hồ - ông Tiên thần kỳ trong thơ ca hiện đại có khả năng đem lại sự thần kỳ cho người dân:
Cả làng đau mắt như xưa
Bác về – như có bàn tay thần kỳ
Tình thương lòng Bác chở che
Giếng thơi trong vắt bốn bề mọc lên
Bác về con gái mắt huyền
Cụ già mắt sáng, trẻ con mắt tròn
(Giếng nước Bác Hồ - Phan Thị Thanh Nhàn)
Cảm quan dân gian này dần về sau có sự thay đổi để thể hiện hình tượng Bác gần với ngoài đời thực hơn.
Như vậy, bút pháp thiên về tượng trưng, khái quát, thần thánh hóa dân gian, đã góp phần làm cho ca dao về Bác Hồ, một đề tài chủ yếu của ca dao 1945-1975, thêm bay bổng, trầm hùng, tạo không khí cao cả, thiêng liêng với âm vang sâu lắng thiết tha về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
. Trần Xuân Toàn
|