Hành khách rời khỏi Rome trên tàu tốc hành đêm ấy đã phải dừng lại ở một ga nhỏ ở Fabriano cho đến sáng để tiếp tục chuyến đi trên một loại tàu lửa địa phương cũ kỹ, nối lộ trình chính đến Sulmona. Vào lúc rạng đông, một phụ nữ to lớn, nức nở trong đau khổ, được dìu lên một toa hạng hai chật chội, đầy khói thuốc và có năm người qua đêm ở đây. Trông bà ta như một cây chuối tả tơi. Theo sau bà, ông chồng vừa thở hổn hển, vừa than vãn. Ông nhỏ bé, gầy yếu, khuôn mặt đã hết sinh khí, đôi mắt ông nhỏ và sáng, trông bẽn lẽn và bất ổn. Khi yên vị, người chồng lịch sự cảm ơn những hành khách đã giúp đỡ và sửa soạn chỗ cho vợ mình. Sau đó ông ta quay sang bà vợ đang cố kéo cổ áo khoác xuống và ân cần hỏi “Ổn chứ mình?”. Người vợ, thay vì trả lời, kéo cổ áo khoác lên tận mắt, che khuất khuôn mặt.
“Thế giới thật tồi tệ”, người chồng lẩm bẩm với nụ cười buồn thiu.
Và rồi ông ta cảm thấy có bổn phận giải thích với những người đồng hành rằng người đàn bà tội nghiệp kia đáng được cảm thông vì chiến tranh đang tước khỏi tay bà đứa con trai duy nhất, đứa con hai mươi tuổi mà ông bà đã hy sinh cả đời mình cho nó, kể cả việc rời bỏ quê hương Sulmona để theo nó đến Rome, nơi mà cậu học đại học. Và rồi, ông bà cho phép cậu xung phong gia nhập quân ngũ với sự đảm bảo rằng, ít nhất trong sáu tháng, cậu ta không bị điều động ra chiến trường. Bây giờ, thật quá sức tưởng tượng, họ nhận được điện tín nói rằng cậu ta phải ra trận trong thời hạn ba ngày, cậu gọi điện báo họ đến chia tay.
Người phụ nữ cựa quậy không yên dưới tấm áo khoác lớn, thỉnh thoảng rên rỉ như một con thú hoang. Trực giác bảo bà ta rằng những lời giải thích vừa rồi chắc chắn không khuấy động dù một chút xíu thông cảm từ những người xung quanh, những người hầu như có thể cùng một hoàn cảnh không may mắn như bà ta. Một người trong số họ, người đã lắng nghe bằng sự chú ý đặc biệt, nói:
- Ông hãy cảm ơn Chúa vì con ông mãi đến bây giờ mới ra chiến tuyến. Con tôi bị điều đi từ ngày đầu chiến tranh kia. Hai lần nó về, bị thương, và rồi lại bị điều ra chiến trường.
- Còn tôi thì như thế nào nhỉ? Tôi có hai đứa con và ba đứa cháu ngoài chiến địa – Một hành khách khác nói.
- Có thể như vậy. Nhưng ở trường hợp chúng tôi đứa con là duy nhất - người chồng đánh bạo nói.
- Có gì khác nhau kia chứ? Ông có thể làm hỏng đứa con duy nhất bằng sự nuông chìu quá thái, nhưng ông không thể yêu nó hơn những đứa con khác nếu như ông có vài đứa. Tình yêu của người bố không thể như bánh mì có thể cắt ra từng mẩu, chia cho con cái những phần bằng nhau. Người cha dành tất cả tình yêu của mình cho từng đứa con mà không hề có sự phân biệt đối xử, một hay mười đứa cũng vậy thôi. Và nếu giờ đây tôi đau đớn vì hai đứa con tôi, tôi không đau đớn từng nửa một cho mỗi đứa, mà cho cả hai…
- Đúngrồi…đúng rồi…, nhưng giả sử (tất nhiên chúng ta hy vọng nó không bao giờ xảy ra với ông) một người cha có hai đứa con ở chiến trường và ông ta mất đi một đứa, vẫn còn lại một đứa để an ủi ông ta… trong khi… - người chồng bối rối, thở dài.
- Vâng - một người khác cắt ngang - cậu con còn lại để an ủi người cha, vì cậu ta mà người cha tiếp tục cuộc sống, trong trường hợp người cha có đứa con duy nhất, nếu đứa con có mệnh hệ gì, người cha có thể chết theo và tự đặt dấu hết cho mọi đau khổ. Trong hai trường hợp, trường hợp nào tồi tệ hơn? Sao các ông không thấy tôi bất hạnh hơn các ông?
- Vô lý - một hành khách khác chen vào. Ông ta có khuôn mặt mập mạp, đôi mắt xám tái nhợt, ngầu đỏ. Ông ta thở hổn hển, đôi mắt trợn tròn và từ đó nộ khí dữ dội bên trong muốn trào ra trong khi cơ thể yếu ớt của ông khó mà kìm lại được.
- Vô lý - ông ta lập lại, đưa tay bịt miệng, cố dấu hai cái răng cửa bị rụng - Vô lý. Chẳng lẽ chúng ta sinh con đẻ cái vì chính chúng ta?
Những người khác đau khổ nhìn chằm chằm người đàn ông vừa nói. Người đàn ông có đứa con ra chiến trường từ ngày đầu chiến tranh thở dài:
- Ông đúng rồi. Con cái chúng ta đâu có thuộc về chúng ta, chúng thuộc về tổ quốc…
- Ngớ ngẩn - một người khác đốp lại - Có phải vì tổ quốc mà chúng ta sinh con ra đâu? Con chúng ta ra đời bởi vì… À, bởi vì chúng phải ra đời, và khi chúng đến với cuộc đời chúng mang theo cuộc sống của chúng ta. Đó là sự thật. Chúng ta thuộc về con cái chứ chúng không bao giờ thuộc về chúng ta. Và, khi chúng hai mươi tuổi, chúng giống y chúng ta ở độ tuổi hai mươi. Chúng ta có cha và mẹ mình nhưng cuộc đời chúng ta còn quá nhiều thứ khác như phụ nữ, thuốc lá, những ảo tưởng, rồi những cái cà vạt mới… và tổ quốc, hiển nhiên, tiếng gọi thiêng liêng, hẳn chúng ta phải đi theo tiếng gọi ấy khi chúng ta hai mươi tuổi dẫu cho cha mẹ chúng ta ngăn cản. Ở lứa tuổi chúng ta hiện giờ, tình yêu dành cho tổ quốc vẫn mạnh mẽ hơn tình yêu con cái. Có bất kỳ người nào trong số chúng ta ở đây không hồ hởi đưa con mình ra chiến trường nếu có thể không?
Xung quanh yên lặng. Mọi người gật đầu như thể đồng ý.
- Tại sao chúng ta không cân nhắc đến tình cảm của con cái khi chúng hai mươi tuổi? Có phải không đúng với lẽ thường chút nào khi ở lứa tuổi của mình con cái chúng ta lại tính toán thiệt hơn giữa tình tổ quốc và tình yêu dành cho chúng ta. Có phải không đúng với lẽ thường rằng mọi chuyện nên như vậy, và sau hết thảy con cái chúng ta buộc phải coi chúng ta như những gã đàn ông già cỗi nằm ru rú ở nhà? Nếu như tổ quốc hiện tồn, nếu như tổ quốc là một sự cần thiết hiển nhiên, như bánh mì cần thiết duy trì cuộc sống, người ta buộc phải bảo vệ lấy con cái chúng ta lên đường khi chúng hai mươi tuổi, chúng không cần những giọt lệ xót thương, bởi vì nếu chúng hy sinh, thì sự hy sinh ấy chứa đầy nhiệt huyết và hạnh phúc (hiển nhiên là tôi đang nói về những chàng trai đứng đắn). Giờ đây, nếu ai đó chết trong độ tuổi thanh xuân và chết trong hạnh phúc, không mang theo mình những điều tồi tệ của cuộc đời, nỗi buồn về cuộc đời, sự bất hạnh, niềm cay đắng vì vỡ mộng… Chúng ta còn mong mỏi gì hơn cho người ấy? Mọi người thôi khóc than đi, mọi người nên cười như tôi đây này… hoặc ít nhất là cảm ơn Chúa, như tôi đây này, bởi vì con tôi trước khi chết gởi cho tôi một bức điện nói rằng nó hài lòng khi đang đón nhận cái chết theo những gì tốt đẹp nhất mà nó mong muốn. Đó là lý do tại sao, các ông thấy đấy, tôi không nhỏ dẫu là một giọt lệ…
Ông ta xốc chiếc áo khoác màu nâu nhạt như thể khoe chiếc áo, đôi môi tái nhợt che những chỗ răng rụng run run, mắt ông ngấn nước, tiếng cười the thé của ông bật ra ngay sau khi nói nghe như tiếng nức nở.
- Đúng vậy… đúng vậy… - những người khác tỏ ý tán đồng.
Người đàn bà, người tự bó mình riêng một cõi dưới tấm áo khoác, đã ngồi lắng nghe trong suốt ba tháng trời để gắng tìm trong lời nói của chồng và bạn bè điều gì đó minh tỏ cho một người mẹ cam chịu như thế nào để gởi con mình đến không chỉ cái chết mà cả cuộc sống đầy rẫy hiểm nguy. Bà chưa tìm thấy một lời an ủi nào từ những gì đã nghe, và nỗi sầu muộn của bà ngày càng tăng khi nhận thấy, theo suy nghĩ của bà, không một ai có thể san sẻ nỗi niềm của mình.
Nhưng giờ đây, lời nói của một người đồng hành làm bà kinh ngạc và khuấy động tâm can bà. Bà bỗng nhiên nhận ra rằng không phải những người xung quanh bỏ rơi và không thông cảm với bà mà chính bản thân bà chưa đạt được tầm cao của những ông cha, bà mẹ khi họ cắn răng cam chịu, không hề khóc than trước cảnh con cái họ ra đi, thậm chí hy sinh.
Bà ta ngẩng đầu lên, từ góc riêng của mình quay đầu sang, cố gắng lắng nghe với sự tập trung cao độ những chi tiết mà người đàn ông đang mô tả cho bạn đồng hành về phong thái hy sinh như một anh hùng của con mình, sự hy sinh dành cho Đức Vua (1) và tổ quốc, hy sinh mà hạnh phúc và không hề hối tiếc.. Dường như bà trượt chân vào một thế giới không hề có trong giấc mơ của bà, thế giới mà trước đây bà chưa từng biết tới, và bà vui lây khi nghe mọi người tán thưởng người cha can đảm kia, người có thể nói về cái chết của con mình một cách kiên tâm như vậy. Sau đó, thật bất ngờ, như thể bà chưa từng nghe gì cả, như thể đang ở trong giấc mộng, bà quay sang người đàn ông già, hỏi:
- Và rồi, con ông chết thật rồi ư?
Mọi người quay sang nhìn bà một cách kinh hãi. Người đàn ông già cũng quay sang nhìn bà, cái nhìn như thể in khuôn đôi mắt to lồi ra, đôi mắt kinh hãi ngấn nước, màu xám sáng của ông xoáy vào tận tâm can bà. Trong phút chốc ông cố trả lời câu hỏi của bà nhưng không thể nói thành lời. Ông nhìn, rồi lại nhìn bà, như thể mãi đến lúc này đây, khi câu hỏi ngớ ngẩn, ngang xương bật ra, ông bỗng nhận ra rốt cuộc thì con mình chết thật rồi, con ông đã ra đi mãi mãi, mãi mãi. Khuôn mặt ông nhỏ thó lại, méo xệch, rồi ông chộp nhanh lấy khăn tay trong túi, và, trước sự kinh ngạc của mọi người, không thể kìm lại được nữa, những tiếng nức nở trào ra từ trái tim và cõi lòng tan nát của ông.
. Luigi Pirandello
(Ngô Hồng Sơn dịch từ nguyên bản tiếng Anh trong International Story, ST. Martin’s Press, New York).
Chú thích:
(1) Lúc này Ý còn ở trong chế độ quân chủ, 1946 mới thành nước cộng hòa. Khi nói đến Vua, tác giả muốn nói đến biểu tượng tinh thần tối cao của đất nước.
Đôi nét về tác giả:
Liugi Pirandello (1876-1936) là người Ý. Ông nhận giải Nô-ben văn học vào năm 1924. Kịch của ông ảnh hưởng sâu sắc đến nền kịch hiện đại thế giới. Truyện ngắn này của ông mô tả số phận con người trong chiến tranh thế giới thứ 1 (1914-1918) khi mà nước Ý tham gia vào năm 1915.
|