Sáng 19-5-2003, đúng vào dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Bác Hồ, tỉnh Nghệ An đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh) bốn bề lộng gió, tượng đài Bác Hồ uy nghi in bóng trên nền trời xanh biếc. Tượng đài được tạc bằng đá granite (Bình Định) cao 18 m (kể cả chân đế). Đây là tượng đài Bác Hồ lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay. Công trình do giảng viên và sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM sáng tác và thi công.
* Quê hương nghĩa trọng tình cao...
Nǎm 1997, trong dịp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về làm việc với tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị Bộ Chính trị cho phép tỉnh Nghệ An được xây dựng một tượng đài Bác Hồ tại quê hương của Người. Đề nghị này đã được Bộ Chính trị chấp thuận. Sau đó, Ban chỉ đạo xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An được thành lập, do đồng chí Hồ Xuân Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An làm trưởng ban. Điều quan tâm nhất của lãnh đạo tỉnh và giới chuyên môn là chất lượng nghệ thuật của tượng đài, vì làm tượng đài nghệ thuật đã khó, làm tượng đài Bác Hồ lại càng khó hơn. Đã có nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa thể hiện hình tượng Bác - một danh nhân vǎn hóa thế giới, vị anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người cha muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam và là người con của quê hương Nghệ An. Vấn đề đặt ra là phải thể hiện hình tượng Bác phù hợp với đề tài Bác Hồ với quê hương, chứa đựng được tình cảm của Bác khi về thǎm quê:
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Nǎm mươi nǎm ấy biết bao nghĩa tình
* Hoàn thành tượng đài Bác Hồ sau gần 3 nǎm
Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM vinh dự được chọn là đơn vị tư vấn sáng tác, chọn phác thảo và xây dựng tượng đài Bác. Trong số 18 mẫu tượng của 6 nhóm tác giả sáng tác bằng chất liệu thạch cao, tác phẩm của nhóm 1 (tác giả Đỗ Như Cẩn) thể hiện rõ nét hơn cả bước chân Bác Hồ thanh thoát, dáng đi nhanh nhẹn, vẻ mặt mừng vui qua đôi môi, ánh mắt, đúng với tình cảm của người con sau 50 nǎm xa cách nay được trở về thǎm quê. Ông Đỗ Như Cẩn (57 tuổi) - tác giả tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa và Chiến thắng Ấp Bắc ở Tiền Giang từng may mắn được gặp Bác vào nǎm 1965 khi đang học ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - cho biết: "Sau nhiều lần về quê Bác, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, TPHCM và chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các địa phương khác, tôi bắt gặp tấm ảnh chụp Bác về thǎm quê nǎm 1961. Lúc đó Bác từ trong nhà đi ra, hai tay đút túi áo, dáng đi khoan thai, gương mặt có vẻ gì đó mừng mừng tủi tủi. Tôi đã phác thảo bức tượng dựa trên tấm ảnh đó".
Hơn 100 sinh viên thuộc khoa điêu khắc Trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM đã tích cực tham gia công đoạn phóng lớn tượng. Ngày 19-5-2000, nhân dịp kỷ niệm 110 nǎm ngày sinh của Bác, tượng đài Bác Hồ đã được khởi công xây dựng tại quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh). Giảng viên Nguyễn Huy Long, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM - chỉ huy thi công tượng đài Bác Hồ - nói: "Thợ đục đá được mời từ Ninh Bình về, họ là những người chuyên nghiệp, từng khắc tượng Bác ở Cao Bằng, đảo Cô Tô... nên quá trình thực hiện diễn ra rất suôn sẻ, không gặp bất cứ sai sót gì". Sau gần 3 nǎm lao động, công trình tượng đài Bác Hồ đã được thi công hoàn chỉnh cùng với hạng mục quảng trường Hồ Chí Minh rộng 11 ha - quảng trường lớn nhất nước - đáp ứng niềm mong đợi bấy lâu nay của người dân xứ Nghệ.
. (Theo NLĐ)
|