Nỗi chung và niềm riêng của Bác Hồ
18:38', 18/5/ 2003 (GMT+7)

Bác Hồ cho cá ăn

Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn - đã đi vào lịch sử dân tộc với tất cả tính độc đáo cá nhân và tính phổ quát của cộng đồng. Hành trình của Người bắt đầu từ làng Sen, ở Huế rồi vào Nam ở Sài Gòn và từ đó đến với năm châu bốn biển. Người dừng chân ở Pắc Bó, ca khúc khải hoàn về Hà Nội, sống những ngày tháng cuối cùng dưới ngôi nhà sàn bình dị trong sáng và thanh cao. Hành trình của Người là hình trình bắt đầu từ Dân tộc và trở về với Dân tộc.

Ở Người, mọi tư tưởng và hành động của cá nhân đều mang ý nghĩa xã hội và sự nghiệp của cộng đồng lại thể hiện trong cái bản ngã phong phú sắc màu. Bác đã đi khắp năm châu bốn biển, tiếp thu mọi nền văn hóa trên thế giới, để tự nâng mình lên thành nhà văn hóa lớn, nắm được các trào lưu chính trị trên thế giới, thấu hiểu chủ nghĩa xã hội khoa học, trở thành chiến sĩ tiên phong kiên cường đấu tranh cho tiến bộ, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, thành người anh hùng giải phóng dân tộc. Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và bao nhiêu người khác muốn đạt được như thế, nhưng đã thất bại, và Bác đã thực hiện nó một cánh xuất sắc. Chúng ta nhìn nhận Bác như một vĩ nhân ở tính cộng đồng ấy. Nhưng nhiều khi chúng ta cũng quên đi những ước mơ, những nhu cầu thầm kín đầy tính nhân bản, bản ngã ở Bác. Bác vẫn  là vĩ nhân ở cả phương diện này.

Nguyện vọng của Bác Hồ thật là bình dị mà cũng thật vĩ đại. Nó chỉ thể hiện ở những thời điểm lịch sử đặc biệt. Chỉ có những lúc đó ta mới nhận thấy được. Tất nhiên, nguyện vọng, nhu cầu có tính nhân bản này ở Bác cũng thật là một hành trang trong suốt cả một đời của Bác.

Người ta đã bàn nhiều về tập thơ Nhật ký trong tù. Người ta có thể phân tích tính đảng và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, về tính nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, về tính dân tộc, thậm chí về các mặt nhân, trí, dũng… ở tập thơ này. Tất cả những điều ấy hoàn toàn có cơ sở.

Nhưng có một điều mà do ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều về chức năng văn học, nên người ta thường chưa mạnh dạn khẳng định chức năng giải trí trong tập thơ Nhật ký trong tù. Phải nhìn đúng thực chất: Hồ Chủ tịch thường đòi hỏi viết để làm gì? Viết cho ai? Viết cái gì? Và viết như thế nào? Thì với Nhật ký trong tù cũng vậy. Viết để làm gì? Viết để tiêu khiển. Viết cho ai? Cho bản thân mình. Viết cái gì? Tất cả (ngay cả trong thế giới đồ vật). Viết như thế nào? Bằng chữ Hán thật sự Đường thi. Rõ ràng viết để tiêu khiển, đó là một cái gì rất cá nhân, rất bản ngã, và cũng rất thi sĩ. Một tâm hồn thi sĩ ở một chiến sĩ là vậy. Người làm thơ và thưởng thức thơ chỉ là một. Độc thoại trở thành đối thoại. Đối thoại với chính mình, có thể  giả định là đối thoại với xã hội. Bản ngã của Bác - chỉ có trong điều kiện tù đày như thế - mới có dịp được thể hiện.

Tôi đặc biệt chú ý đến bài thơ Không đề của Bác được sáng tác  sau này:

Đường non khách tới hoa đầy

Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn

Việc quân việc nước đã bàn

Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau

Cảm nhận đầu tiên về bài thơ này là: bài thơ vịnh cảnh sơn lâm huê điểu tức cảnh sinh tình, mang dáng dấp cổ điển. Điều đó đúng là như thế. Nhưng có một điểm cần chú ý: sau biết bao bận rộn của việc quân, việc nước là ước muốn sống một cuộc sống bình dị, thanh đạm, không vướng đến danh lợi của Bác, để trở về với cuộc sống đích thực của mình. Mà nguyện vọng đó có gì là cao xa đâu! Chỉ vì việc quân việc nước mà đành tạm gác đấy thôi. Phải nói thật ra rằng: Bác có ước muốn riêng cho mình đấy chứ!

Nhưng không chỉ đơn thuần là tình yêu thiên nhiên, một tình cảm nhân đạo chủ nghĩa, mà đó còn là thể hiện cái bản ngã của một tâm hồn thơ chiến sĩ như Bác. Sau này khi trả lời các nhà báo vào tháng 01-1946, Bác nói là: Người làm Chủ tịch nước là nghĩa vụ, như người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận. Bác chỉ muốn: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu không dính líu gì đến danh lợi”. Và thực sự ngôi nhà sàn, ao cá Bác Hồ, vườn cây giữa thủ đô… là những minh chứng hùng hồn cho những ước mơ đó. Ngay đến sau này, trong Di chúc (Di chúc mới công bố sau này) Bác cũng muốn trở về với cõi tâm linh của mình, về với thiên nhiên, về với Đất và Nước. Bác dặn hãy chôn Bác trên một ngọn đồi cao, trồng cây có bóng mát chung quanh, làm lán để mọi người từ các cháu thiếu nhi đến các cụ phụ lão khi đến thăm Bác có chỗ nghỉ ngơi. Như vậy, ngay trong Di chúc, Bác cũng muốn trở về với cái điểm nhất quán của mình, đầy tính bản ngã.

Tất cả những điều nói trên là để nhắc lại rằng: Bác Hồ không hẳn không có cái riêng cho mình. Chỉ có điều ước muốn của Bác là bình dị, thanh cao, trong sáng, không dính đến vòng danh lợi. Nó thể hiện cái đa dạng nhưng thống nhất, tính hài hòa trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cái bản ngã cá nhân và tính cộng đồng dân tộc và nhân loại. Tùy hoàn cảnh, tùy thời điểm mà chúng ta có thể cảm nhận được nguyện vọng sâu xa và thầm kín của một tâm hồn thơ ở một người chiến sĩ như Bác. Điều đó thống nhất với “ham muốn tột bậc” của Bác là “Làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Hành trang của Bác trong cuộc hành trình đi vào lịch sử bao gồm cả: tính cộng đồng lẫn cái bản ngã cá nhân đó. Và điều đó chỉ làm cho Bác gần gũi hơn với chúng ta, vĩ đại hơn với chúng ta…

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tượng đài Bác Hồ - một tác phẩm nghệ thuật nhiều người mong đợi  (18/05/2003)
Chiến tranh  (16/05/2003)
Xu hướng thánh hóa trong bút pháp xây dựng hình tượng Bác Hồ ở ca dao hiện đại  (16/05/2003)
Xuân Mai   (16/05/2003)
Những người cùng thời viết về Mai Xuân Thưởng  (14/05/2003)
Ngẫm nghĩ trên đường  (13/05/2003)
Tư tưởng nhân bản của Phật giáo trong đời sống văn hóa người Việt Nam  (13/05/2003)
Hạ cháy  (12/05/2003)
12 mùa bão cấp 12  (12/05/2003)
Đảo quê hương  (11/05/2003)
Bài thơ Hoàng hôn của Xuân Mai  (09/05/2003)
Miền Nam nhớ Bác trong vần ca dao  (09/05/2003)
Sức sống mãnh liệt của sân khấu truyền thống không chuyên   (08/05/2003)
Thương lắm mì ơi!  (07/05/2003)
Lê Văn Hiếu làm mới thơ mình từ “Khi mặt trời chưa mọc”  (06/05/2003)