Tôi sinh trưởng ở một vùng quê, quen với cái êm đềm, bình dị của dòng sông với ruộng vườn cây trái. Còn nhớ đêm đầu tiên được ngủ ở thành phố, tôi cứ ngạc nhiên hồi hộp lắng nghe những tiếng rao. Bảy tám giờ tối đã bắt đầu: Mì hoành thánh, bánh mì xa xíu, xíu mại, vịt lộn, phở, bánh chưng, bắp nấu… Rồi tôi nhận ra từng món có cách rao riêng rất đặc trưng. Một tiếng “ phở…!” rền vang đầy uy lực đánh động khứu giác và vị giác người ta. Lời rao “ ai… vịt lộn…” ngân nga như hát, cái ngân nga buồn. Lời rao bánh chưng, bắp nấu thường nhấn mạnh một thanh âm tạo nên nét ngồ ngộ, vui vui… Dần cũng quen. Nhưng những tối học bài khuya, quả tình những tiếng rao đó làm tôi khó tập trung đầu óc. Mười giờ trở đi thường chỉ còn hai món: bánh chưng và vịt lộn. Riêng vịt lộn ngân nga đến tận nửa đêm, một giờ sáng. Đêm thanh vắng, phố phường đã ngủ say, tiếng rao sao đầy thương cảm, nỗi niềm. Hầu hết người bán vịt lộn là dân nghèo, tới đại lý nhận trứng đi bán, hôm sau mới thanh toán tiền. Lời rao buồn như số phận người rao…
Những tiếng rao đêm có tự bao giờ? Có lẽ từ buổi đầu thành phố nên hình. Phố mọc lên tới đâu, tiếng rao dài theo tới đó. Nó song hành. Còn phố xá từ đâu đến? Tôi tin rằng tiếng rao đêm đã dựng lên những tòa nhà lô nhô trên cồn cát, những cồn cát với rừng dương vi vút gió. Thấp thoáng những chiếc xe có ngọn đèn dầu, các chú đẩy đi ngang dọc, và rao…
Chuyện ấy đã xa lắm. Giờ thưa vắng rồi những tiếng rao đêm.
Món ăn vẫn còn đó bày bán ở cửa hiệu, ở vỉa hè. Không phải chuyện thời gian, tôi thấy nhớ tiếc những tiếng rao mình từng đón đợi. Sao thế nhỉ? Những ông bán kẹo kéo ở sân trường mấy mươi năm qua vẫn còn nhớ như in. Đường quê bây giờ tiếng leng keng của ông bán kem đầy ma lực với các cháu nhỏ. Chúng cũng đón đợi. Tuổi thơ tôi và các cháu cũng còn có chỗ giống nhau.
Cuộc sống xã hội luôn phát triển. Chuyện thưa vắng dần những tiếng rao đêm có thể là điều phù hợp. Không hiểu sao tôi cứ thương mấy dãy phố mới mọc lên chưa từng một lần nghe những thanh âm ấy! Đang ngồi viết những dòng này trong đêm, biết vắng lâu rồi vẫn cứ thèm nghe một tiếng “ phở…!”
. Lê Hoài Lương
|