Vùng biển Bình Định trong “vè các lái”
18:58', 25/5/ 2003 (GMT+7)

Đi biển (ảnh Đào Tiến Đạt)

Văn học dân gian miền biển rất phong phú. Bên cạnh các câu ca dao, tục ngữ nói về công việc lưới chài, các bài ca dao lao động (như Hò hụi, Hò kéo lưới, Hò chèo thuyền...) hay những câu tục ngữ có liên quan đến thời tiết như: “Tháng giêng động dài, tháng hai động tố, tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non...” mà cư dân vùng biển rất thuộc, còn có một loại hình nghệ thuật mang rõ sắc thái địa phương và rất được ngư dân yêu thích - đó là các bài Vè các lái của những người chuyên vào lộng ra khơi xuôi ngược Bắc - Nam. Vè các lái hay còn gọi là Hò các lái, Hò thủy trình thật ra là một bản tổng kết hải trình của các ghe bầu theo tuyến Bắc- Nam và ngược lại.

Ghe bầu các lái đi buôn

Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga

Bắt từ Gia Định kể ra

Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô

Bài vè không chỉ làm vơi nỗi nhọc nhằn của những con người chèo sóng, chém gió dằng dặc đường dài trên biển, mà nó còn có giá trị thực tế to lớn hơn.

Khi xưa con người đi trên biển cả “mênh mông” không có ghe máy hiện đại, được trang bị đầy đủ la bàn, máy báo thời tiết như bây giờ. Ngư dân đã biết tổng kết kinh nghiệm trong các bài vè. Vè các lái là một bản hải đồ thô sơ dành cho người làm nghề biển từ Huế vào Vũng Tàu và ngược lại. Bài vè miêu tả đầy đủ các địa danh, sông lạch núi non, ngầm đá cửa sông, phố xá, thời tiết khí hậu từng vùng và lưu ý những nơi hiểm nguy thường gây tai nạn cho thuyền bè qua lại.

Do giá trị thực tế như thế nên Vè các lái được mọi người đi biển thuộc nằm lòng, coi đó như là một thứ “cẩm nang” đi biển.

Đã có nhiều tác giả sưu tầm, giới thiệu Vè các lái nhưng chưa thật đầy đủ. Trong sưu tập Ca dao Nam Trung Bộ, Thạch Phương và Ngô Quang Hiển (NXB. KHXH 1994) giới thiệu hai văn bản Vè các lái (hát vô và hát ra) tương đối đầy đủ với gần 400 câu. Về nguồn gốc của bài vè, hai tác giả phỏng định, có người cho rằng:  ông La Xuân Kiều người Phù Ly, phủ Quy Nhơn - một trong Tây Sơn ngũ mỹ là tác giả chính (?). Sau khi nhà Tây Sơn suy vi, ông Kiều không chịu thuần phục nhà Nguyễn, từ đó ông đi bạn ghe bầu suốt 25 năm sống lênh đênh trên biển, khi vào Nam, khi ra Bắc (tr. 430).

Vè các lái là một sáng tác dân gian, nên nó luôn được bổ sung và hoàn chỉnh bởi nhiều người, chủ yếu là các lái ghe bầu từng vào Nam ra Bắc thời xưa.

Bên cạnh giá trị thực tế là “cẩm nang” của người đi biển, Vè các lái còn có giá trị về nhiều mặt: địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, thủy văn, thời tiết, phương ngữ. Đặc biệt là Vè các lái thể hiện khá đậm đà tình yêu quê hương đất nước và tâm tình của những người dân miền biển chất phác.

Các tác giả dân gian đã lấy những mỏm, mũi, cù lao, làng xóm ven bờ... làm cột mốc cho hành trình, chẳng hạn khi đi qua vùng biển Bình Định, Quy Nhơn:

Vũng Nồm, vũng Bấc buông khơi

Trong vịnh ngoài vin hòn Cỏ hòn Cân

Nam lò eo Vượt rần rần

San hô mũi Mác ăn liền hòn Mai

Cửa Giã có hòn án ngoài

Các lái thường ngày hay gọi Lao Xanh.

Những địa danh vũng Nồm, vũng Bấc, hòn Cỏ, hòn Cân, eo Vượt, cửa Giã, hòn Mai, Lao Xanh... thuộc xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và ngoài khơi TP. Quy Nhơn. Tại eo Vượt, biển hiểm trở vào mùa gió Nam thổi mạnh, thuyền bè qua lại nơi đây dễ gặp tai nạn. Bài vè báo trước, chẳng khác chi một biển báo trên đường bộ.

Nếu như kinh thành Huế rực rỡ với “ngói lợp tòa vàng” thì dấu ấn Bình Định được lưu lại trong bài vè này là:

Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng

Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa

Hèn chi lời thốt thuở xưa

Nam thanh nữ tú đã vừa con ngươi

(Hát vô)

Tam Quan rày đã gần kề

Đất này nổi tiếng Tân Khê nhiều dừa

Nhớ lời thề thốt thuở xưa

Tiếng hát mài dừa lảnh lót thâu đêm

(Hát ra)

Điều đó giống như ca dao truyền tụng: Tam Quan ít mít nhiều dừa. Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng hay: Cạo dừa đạp cám cho nhanh. Lấy dầu mà chải tóc anh, tóc nàng. Con gái Tam Quan vừa đẹp vừa nết na thuần hậu có tiếng là vậy.

Những sản vật địa phương cũng được các tác giả dân gian để mắt đến:

Gặp nhau chưa nói đã cười

Kìa mũi Từ Phú là nơi nhiều ghè.

Mũi Từ Phú nằm bên cạnh cửa An Dũ (Hoài Nhơn), nơi xưa sản xuất đồ gốm. Ghè theo tiếng địa phương là chum, vại, lu. Trên đường xuôi ngược ghe bầu thường ghé lại Bình Định để thưởng thức đặc sản, mua hàng kỷ niệm và “mết” tình người ở đây:

Vô chợ, ăn bún song thần

Hỏi mua nón ngựa để dành về quê

Thiếu gì hải vị sơn khê

Vào Nam ra Bắc ê hề ngựa xe

Nói chơi sợ nẫu cười chê

Có say đất khách mới mê nết người.

Rồi những khía cạnh lịch sử của một vùng đất cũng được gợi nhớ:

Gành Ráng mút tận bãi Dài

Băng qua bãi Nhạn vô chơi phố phường

Đi cho thấu chữ quê hương

Giáp đầm Thị Nại hãy còn sử xanh

Sử xanh đó là gì? Đầm Thị Nại là nơi hai con sông Kôn và sông Hà Thanh đổ nước ra biển, ngày xưa là hải cảng quan trọng của ChămPa và cũng là nơi xảy ra nhiều trận thủy chiến oanh liệt: Giữa Thoát Hoan và quân Chiêm Thành (Giáp Thân 1284), giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh (Nhâm Tý 1792, Quý Sửu 1793, Kỷ Tý 1799, Canh Thân 1800).

Một điều đáng lưu ý là: tâm tình chất phác của ngư dân cũng được gửi gắm trong bài vè. Trong bài Hát ra, ta gặp nhiều đoạn nói lên tâm tình của ngư dân: Nhớ nhà, nhớ vợ con, lòng bồn chồn muốn chóng về nhà, ghé vào chơi lâu một nơi nào cũng không an lòng:

Ngồi buồn cám cảnh ê chề

Hỏi con sóng bổ tới quê bao thì?

Thôi thôi chớ nói thêm buồn

Kéo neo mà chạy đi luôn kịp thời

Thương con nhớ vợ trăm đàng

Nước mắt hai hàng lụy ứa thấm biên

Ở bài vè hát vô, ta ít nhận thấy tâm trạng này. Điều đó cũng dễ hiểu: sau một chuyến đi dài, thời gian khá lâu, họ nôn nóng về nhà với vợ con, với mái ấm gia đình mà nhiều tháng ròng xa cách.

Vè các lái còn là tiếng nói tâm tình chất phác của người dân miền biển một thời vậy.

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mượn chồng  (24/05/2003)
Trần Quang Lộc  (23/05/2003)
Từ Quốc Hoài   (21/05/2003)
Có một hành trình yêu của Nguyễn Văn Chương  (20/05/2003)
Tiếng rao đêm  (19/05/2003)
Hà Giao  (19/05/2003)
Nỗi chung và niềm riêng của Bác Hồ  (18/05/2003)
Tượng đài Bác Hồ - một tác phẩm nghệ thuật nhiều người mong đợi  (18/05/2003)
Chiến tranh  (16/05/2003)
Xu hướng thánh hóa trong bút pháp xây dựng hình tượng Bác Hồ ở ca dao hiện đại  (16/05/2003)
Xuân Mai   (16/05/2003)
Những người cùng thời viết về Mai Xuân Thưởng  (14/05/2003)
Ngẫm nghĩ trên đường  (13/05/2003)
Tư tưởng nhân bản của Phật giáo trong đời sống văn hóa người Việt Nam  (13/05/2003)
Hạ cháy  (12/05/2003)