Nói về trà, trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã miêu tả tỉ mỉ cách uống trà, với một sự uyên bác và hào hứng. Trước hết, nhà văn dẫn cách uống trà của người Trung Hoa rồi đến người Việt. Ông viết: “Chè Tàu thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn uống rượu làm thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè Tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, sửa được lòng tục”. Về kinh nghiệm uống trà, ông viết tiếp: “Uống chè ấm chén cốt cho nhỏ, mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt dĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng, rế lò dày mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá, lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấy chóng sôi. Ấy, cái cách pha chè uống nước mới đầu còn thô, sau lại tinh dần mãi ra...” (Vũ trung tùy bút. NXB Trẻ, 1989, tr. 35-36).
Hóa ra, uống một chén trà, thật phức tạp mà cũng tinh tế biết dường nào. Nhưng dù tinh tế và phức tạp đến đâu đi nữa, thì trà đối với các dân tộc cũng chỉ dừng lại ở mức độ nghệ thuật, hay văn hóa trà mà thôi, chứ không ở đâu, uống trà trở thành một thứ đạo như ở Nhật Bản: Trà Đạo. Cũng như nhiều nước khác, trà là thức uống được người dân Nhật ưa chuộng. Và, với một dân tộc luôn chú trọng đến hình thức nghi lễ, lại là một đất nước có truyền thống “đạo hóa” nhiều môn nghệ thuật như: Kiếm đạo, Hoa đạo, Thư đạo, Võ sĩ đạo… thì việc uống trà đã nhanh chóng trở thành môn “Trà đạo” để người Nhật nương vào đó “tu tâm, dưỡng tính” là điều hẳn nhiên.
Trà đã được tôn vinh, sùng bái như là một tín ngưỡng, là một thứ đạo như bao đạo giáo khác bởi vì Trà đạo có tín đồ Trà giáo, với hàng loạt thuật ngữ gắn liền với môn Trà đạo: trà thời (giờ giấc uống trà), trà quán, trà thất (không gian uống trà); trà cụ (dụng cụ pha, uống trà); trà hữu (những người bạn cùng uống trà); trà nhân (người uống, thưởng thức trà)….
Người ta nói rằng, Trà đạo Nhật Bản là kết quả của quá trình giao lưu, tích hợp văn hóa trà của các dân tộc: trà và trà cụ của người Trung Quốc, cách uống trà bằng bát người Việt phương Nam xa xa, nghi lễ Thiền trong ứng xử của người Nhật. Trà đạo do vậy là tinh túy văn hóa của nhiều dân tộc hội tụ ở một dân tộc.
Tinh túy Trà đạo Nhật Bản ấy được một người Việt (Nguyễn Bá Hoàn) cảm nhận và tổng hợp qua cuốn sách: Trà Đạo (Nxb. Thuận Hóa, 2003). Cuốn sách mỏng, 106 trang, được tác giả tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu và qua sự kiểm nghiệm của bản thân, gồm có 2 phần, ngoài lời tựa của tác giả nói về “cái lý” để biên soạn sách này và phần phụ lục nói về “Những lợi ích của việc uống trà”.
Phần thứ nhất đề cập đến “Triết lý Trà đạo”. Tác giả thuyết phục người đọc với những dẫn chứng tinh tế bằng lối hành văn nhẹ nhàng, thâm trầm. Chẳng hạn nói về ý nghĩa Trà đạo, tác giả viết: “Trà đạo của Nhật Bản được xem là nghệ thuật tĩnh tâm, đây là hình thức chỉnh sửa thân tâm phô bày rõ nét”, “là mang lại sự bình yên, thanh thản cho người uống trà; sự êm dịu của tâm hồn và sự khỏe mạnh của thể xác”, là “Trà đạo giúp cho con người nhận ra những bất ổn và ổn định trạng thái bất an một cách nhanh nhất” bởi “người Nhật còn cho rằng, muốn chú trọng đến sự sạch sẽ, nhất là tính cẩn trọng, tính trật tự, tính kiên nhẫn… không gì tốt hơn bằng cách ngồi lại uống một chén trà”.
Nói đến Trà đạo là nói đến Thiền. Và “khi đã xem Trà đạo là một phương tiện để tu tập Thiền, chúng ta nên biết qua bốn đức tính cao quý của Trà đạo. Đó là: Hòa, Kính, Thanh, Tịch. Bốn đức tính này được xem là tinh thần mấu chốt của nghệ thuật Trà đạo”. Rõ ràng có một triết lý Trà đạo.
Phần thứ 2, tác giả trình bày “Văn hóa Trà đạo Nhật Bản” với những mục: Trà trong đời sống người dân Nhật Bản; Trà được sử dụng với nhiều mục đích tại Nhật; Lịch sử Trà đạo Nhật Bản. Tác giả cho biết: “Nhật Bản là nước có cách uống trà cầu kỳ nhất Á Đông, thậm chí cả thế giới. Tuy nhiên, người Trung Quốc, người Anh, kể cả người Việt thời xưa cũng có những kiểu cách pha trà độc đáo và đều có truyền thống uống trà lâu đời. Song, xét lại dường như cũng chỉ có ở Nhật Bản, cách uống trà mới được nâng lên thành Trà đạo. Tại Nhật, Trà đạo đã đi vào đời sống tinh thần của mỗi người dân, gắn bó hòa quyện với nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp khác”. Trà đạo ở Nhật Bản có từ khi nào? Câu hỏi thật lý thú được tác giả giải đáp ở mục “Lịch sử Trà đạo Nhật Bản”.
Vậy là, mỗi tối, mỗi sáng ta nâng chén trà thơm phức ở vườn nhà hay tại các trà quán nào đó, và liên tưởng đến Trà đạo Nhật Bản, nói như Kim Thánh Thán thuở nào, là chẳng sướng lắm ru!
. Trần Xuân Toàn
(Đọc sách Trà Đạo, Nguyễn Bá Hoàn, Nxb. Thuận Hóa, 2003)
|