|
Hát bội |
Năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, tôi (nghệ sĩ Phạm Hữu Thành) cùng các nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa, Kim Hùng, Trương Văn Trí, Lưu Hạnh, Cung Nghinh… là các nghệ sĩ tuồng Bình Định tập kết ra Bắc, đã xung phong về miền Nam hoạt động nghệ thuật góp phần cổ vũ quân và dân ta đánh Mỹ.
Trên đường Trường Sơn, tôi bị xóc chông phải nằm lại trạm xá đường dây hơn một tháng. Các đồng chí ở trạm xá muốn đưa tôi trở ra Bắc, nhưng tôi kiên quyết xin được vào Nam. Về đến quê nhà Bình Định, gặp lại các đồng chí trong đoàn đã vào trước, chúng tôi đã tổ chức được nhiều đêm biểu diễn ở các xã thuộc huyện Hoài Ân, Phù Cát… Đi đến đâu cũng được bà con khen ngợi: “Gánh hát cụ Hồ hát hay quá; lại có rất nhiều ông Chinh” (thời gian này nghệ sĩ Hoàng Chinh rất nổi tiếng ở Bình Định, nên bà con so sánh như vậy).
Trong lúc di chuyển, chúng tôi bị địch đổ quân bắt đưa về Quy Nhơn rồi đưa lên giam ở nhà lao Pleiku. Giao thừa năm ấy, để làm “công tác chính trị”, địch cho tù nhân diễn văn nghệ đón xuân. Đây là một dịp tốt để chúng tôi đem sở trường của mình mà đánh địch. Anh em nhận định như vậy; đồng thời cho rằng phải chọn một lớp tuồng có nội dung yêu nước, chống xâm lược; vừa là tuyên truyền lòng yêu nước trong anh chị em tù nhân, vừa đánh đòn tâm lý với kẻ thù. Tất cả đều đồng tâm nhất trí rằng: cho dù sau khi biểu diễn, địch có tra tấn, đánh đập đến chết vẫn không khai ra ai chủ trương, không để lộ tổ chức.
Thế là vở tuồng Trần Bình Trọng được chọn để biểu diễn. Đồng chí Sĩ Thừa đóng vai Trần Bình Trọng; tôi đóng vai tên Việt gian Trần Lộng; Kim Hùng đóng Ô Mã Nhi; Trương Văn Trí đóng Lý Quán… Hai đồng chí nhạc sĩ Cung Nghinh và Lưu Hạnh lo về âm nhạc. Phục trang, hóa trang đạo cụ biểu diễn thì mỗi người tự lo. Điều chủ yếu là phải diễn làm sao để nêu bật được tư tưởng của lớp tuồng, làm cho khán giả rung động. Ở trong tù thì làm sao cho có đồ đoàn biểu diễn, anh em dùng gạch và lọ nghẹ để hóa trang, xoong nấu cơm dùng làm trống, nắp xoong làm thanh la, đờn cò làm bằng lon sữa bò và dây nhợ… Tất cả mọi việc đều tạm ổn, chỉ chờ đến giờ biểu diễn.
Khán giả của đêm biểu diễn là tất cả tù nhân ở nhà lao Pleiku, từ thường phạm đến tù chính trị: bọn cai ngục, lính canh; tên đại úy Cao - chúa ngục còn mời thêm hai tên cố vấn Mỹ và một tên trung tá ngụy cùng vợ con của chúng. Lớp tuồng đầu tiên chúng tôi diễn cảnh Thoát Hoan dụ hàng Trần Bình Trọng. Cho dù đang cảnh “chim lồng cá chậu”, Trần Bình Trọng vẫn hiên ngang, đầy khí tiết, vạch rõ âm mưu xâm lược của bọn giặc cướp nước và nêu rõ quan điểm của mình: Như dân tộc ta từ xưa đến nay là, chỉ biết giết giặc quyết không hàng giặc… Thoát Hoan tiếp tục dụ dỗ, mời rượu. Trần Bình Trọng đã đổ tiệc rượu rồi thét lên: Chưa giết hết chúng bay, uống rượu làm sao được… Anh chị em tù nhân reo hò, vỗ tay vang dội. Chúng tôi có cảm tưởng rằng chưa có bao giờ diễn hay như vậy. Càng về sau, vở tuồng càng lên đến cao trào. Thoát Hoan đòi chém Trần Bình Trọng, tên Việt gian Trần Lộng (do tôi đóng) giả vờ xin xỏ. Trần Bình Trọng chỉ tay vào mặt Trần Lộng, nhưng lại trợn mắt nhìn vào bọn sĩ quan ngụy ngồi ở ghế khán giả và quát to: Bớ Trần Lộng! Như mày là, rước voi giày mả tổ, còn giả nghĩa giả nhân; nay mày gặp tao đây, để chi đứa gian thần, thêm nhơ hình non nước. Tiếng vỗ tay ở phía khán giả tù nhân nổi lên như sấm dậy. Lúc này thì tên đại úy Cao không còn chịu nổi, mặt hắn đỏ bừng, toát mồ hôi. Trời cuối năm ở miền núi Pleiku rất lạnh, thế mà hắn luôn cầm 2 vạt áo vét quạt lia lịa. Hắn không ngờ rằng khi hắn duyệt tuồng thì đâu có như vậy- bởi chúng tôi diễn qua quít, không thể hiện hết nội dung yêu nước chống xâm lược và tính chất bạo liệt của lớp tuồng. Chúng tôi để ý thấy mặt mày tên trung tá ngụy cứ hằm hằm hè hè. Còn 2 tên cố vấn Mỹ không biết có hiểu lời tuồng hay không, nhưng qua động tác biểu diễn chắc chúng rõ nội dung, nên cứ nhấp nha, nhấp nhổm, đứng ngồi không yên. Mục kích được cảnh này, anh chị em tù nhân đều vỗ tay, huýt gió ầm ĩ. Trước quang cảnh đầy hứng khởi như vậy; trước thắng lợi trong đấu tranh chính trị bất ngờ và lớn lao như vậy, chúng tôi đều rất tâm đắc với ý nghĩa của câu đối “…trò đời đều như kịch, đừng cười cái giả chẳng là chân…” của cụ Đào Tấn.
Sau lớp tuồng này thì bọn Mỹ - ngụy chuồn đi gần hết, chỉ còn tên đại úy Cao. Hắn lên sân khấu và phát biểu: “Tôi cho diễn tuồng để đón giao thừa, không ngờ đám tù binh các người đã làm cho tôi phải ngậm bồ hòn mà khen ngọt”, rồi hắn bỏ ra về. Mặc dù hắn cố làm ra vẻ bình tĩnh, ôn tồn, nhưng sau buổi diễn này thì phong ba bão táp, những đòn tra tấn dã man sẽ được dành cho chúng tôi. Thì có sá gì, đối với những người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng chúng tôi, việc chịu đựng đòn roi, nhục hình thân thể cũng không thể nào làm lay chuyển được khí tiết, nhất là khi chúng tôi đều là đảng viên Cộng sản.
Anh chị em tù nhân đầy thích thú, phấn khởi, ngồi xem diễn tiếp. Chúng tôi phải tiếp tục bằng lớp tuồng “Kim Lân biệt mẹ” (trong vở Sơn hậu). Đồng chí Sĩ thừa đóng vai Kim Lân; tôi đóng vai Đổng Mẫu. Trong lúc tình thế khó khăn, Kim Lân mong mẹ hãy về quê lánh nạn; Đổng Mẫu nói với Kim lân: “Con ơi, mẹ đã dạy con hoài, làm người ở đời: dù gặp cơn sấm sét, phải giữ tấm lòng son”. Tôi hát hết câu này, khán giả vỗ tay vang động. Liên hệ thực tế, mỗi buổi sáng ở nhà lao Pleiku, bọn địch bắt tù binh chúng tôi phải chào cờ “ba que” của chúng. Anh em kiên quyết không chào cờ địch và dùng nhiều biện pháp đấu tranh. Thế là chúng lại tra tấn, đánh đập dữ dội, nhưng vẫn không khuất phục được. Thật quả là: “Dù gặp cơn sấm sét, vẫn giữ tấm lòng son”. Câu hát có ý nghĩa thực tiễn như vậy nên anh em tù binh mới hoan hô nhiệt liệt.
Sau đêm diễn ấy, chúng tôi có suy nghĩ: Dù bị địch bắt bớ tù đày nhưng chúng tôi còn lý tưởng, còn vũ khí nghệ thuật, và còn sống là còn đấu tranh trực diện với kẻ thù. Đồng thời phải chọn những vở tuồng, lớp tuồng nhiều ý nghĩa, phù hợp với tình hình thực tế để có thể phê phán những tư tưởng lạc hậu, phản động; tạo sự đồng cảm với tù binh nói riêng và tù nhân nói chung; để giáo dục, để cảm hóa, để khắc họa đậm nét lý tưởng yêu nước, chống ngoại xâm, thống nhất đất nước và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Những dự đoán của chúng tôi là hoàn toàn chính xác. Sau lần biểu diễn này, địch đã dùng đòn tra tấn, khủng bố, đánh đập chúng tôi để trả thù và tách chúng tôi ra, người bị đày đi Côn Đảo, kẻ bị đưa lên Buôn Ma Thuột… Dù vậy, chúng tôi vẫn cất cao tiếng hát, vẫn dùng nghệ thuật tuồng làm vũ khí đánh địch trong những ngày còn bị hãm thân trong lao tù Mỹ ngụy.
. Gia Thiện
(Ghi theo lời kể của nghệ sĩ Phạm Hữu Thành - ở Nhơn Hòa- An Nhơn)
|