Sổ tay thơ:
Lễ hội cầu ngư của Xuân Mai
16:57', 9/6/ 2003 (GMT+7)

Tháng tư tưng bừng lễ hội

Thuyền anh về lại bến quê

Đằng đẵng biển xanh chờ đợi

Cầu ngư lễ hội anh về.

 

Vạn rước tuồng pho hát án

Trống chầu giục giã trên Lăng

Cát lún bước chân líu ríu

Ai theo đào kép quên ăn

 

Ai đợi chờ ai đầu ngõ

Tiếng chèo bá trạo ngân vang

Sân khấu đèn hoa rực rỡ

Đường thôn ngập ánh trăng vàng

 

Bến đợi thuyền nằm yên ả

Hoa đăng mở hội linh đình

Thuyền ta đậu kề thuyền bạn

Y như đôi lứa tự tình

 

Lễ hội cầu ngư ngàn xưa

Vạn chài cầu thêm nhiều bạn

Cầu cho trời yên biển lặng

Cho mùa tôm cá đầy khoang...

 

Chẳng biết anh cầu gì đấy

Xôn xao ngực biển nồng nàn.

(Dòng sông thao thức - thơ Xuân Mai, Nxb Hội Nhà văn, 2000).

Hội lễ là sinh hoạt văn hóa, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật đặc sắc và tổng hợp, định kỳ của toàn bộ cộng đồng cư dân trong một vùng lãnh thổ. Xuân thu nhị kỳ, mùa lễ hội, người dân có dịp nghỉ xả hơi, để ăn và chơi, để ngưỡng vọng và để giao tình... Xuân Mai đến với "Lễ hội cầu ngư" trong một không khí như vậy:

Tháng tư tưng bừng lễ hội...

Thuyền anh về lại bến quê

Không khí của lễ hội cầu ngư vừa trang nghiêm, vừa náo nức làm sao! Trang nghiêm vì ngư dân vùng biển có sự cộng cảm mãnh liệt với thế giới siêu nhiên: tôn vinh cá ông đã giúp "trời yên biển lặng", "tôm cá đầy khoang". Xuân Mai đã "vẽ" được không khí tưng bừng, người dự lễ cầu ngư náo nức, đắm mình trong những trò diễn của hội lễ. Nào là: Trống chầu, đào kép, tuồng pho hát án, tiếng chèo bả trạo,sân khấu đèn hoa, hoa đăng mở hội... Người trẩy hội cầu ngư như được giao cảm với nhau, sống hết mình, được trở về với cội nguồn trong một tâm trạng náo nức đến cực điểm (trống chầu giục giã, cát lún bước chân líu ríu), trong niềm say mê cực độ (theo đào kép quên ăn), với một không khí ảo huyền (đèn hoa rực rỡ, bả trạo ngân vang, ngập ánh trăng vàng).

Có lẽ dựng lại bức tranh lễ hội cầu ngư, Xuân Mai không dụng công trong khói hương trầm mặc với thế giới siêu nhiên, mà đắm mình, toàn ý với cái náo nức, say mê, huyền ảo ấy trong mối giao cảm giữa con người với con người. Và trong cái thế giới ấy thật ra cũng chỉ có hai nhân vật trữ tình, hai con người đang hướng đến nhau... trong niềm giao cảm thiêng liêng.

Hai nhân vật trữ tình này xuất hiện ngay từ đầu bài thơ với thuyền anh - bến quê (thuyền anh về lại bến quê). Và trong suốt bài thơ, tác giả ẩn dụ: "Ai theo đào kép quên ăn", "Ai đợi chờ ai đầu ngõ", "bến đợi/ thuyền", "thuyền ta/ thuyền bạn". Trong ca dao không hiếm những hình ảnh ẩn dụ: thuyền - bến (thuyền về có nhớ bến chăng-bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền), hay như trong văn chương hiện đại: "chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu" (Thuyền và biển - Xuân Quỳnh). Và đã đến lúc bài thơ tự giải mã: thuyền ta/ thuyền bạn "y như đôi lứa tự tình". Đó chính là con thuyền tình đấy thôi!

Con thuyền tình ấy mới chính là nhân vật chủ thể của lễ hội cầu ngư trong bài thơ của Xuân Mai. Lễ hội có tự ngàn xưa. Tình yêu có tự ngàn xưa "Vạn chài cầu thêm nhiều bạn. Cầu cho trời yên biển lặng, cho mùa tôm cá đầy khoang...". Đó là ước nguyện muôn đời của cư dân miền biển, của vạn chài... Ý thơ không lạ!

Thế mà đến hai câu thơ cuối, ý thơ mới, tứ thơ bất ngờ:

Chẳng biết anh cầu gì đấy

Thuyền ta - thuyền bạn - thuyền tình. Anh cầu gì nữa đây trong lễ hội này? Câu thơ kết thật đẹp:

Xôn xao ngực biển nồng nàn!

Còn ai vào đây nữa! Câu thơ khép lại một mùa lễ hội, và mở ra một thiên tình sử nên thơ...

Xuân Mai đã từng có mặt ở nhiều lễ hội trên đất nước mình, như "Đêm phố cổ" Hội An (Đêm mười tư phố cổ nến lung linh), khi trẩy hội "Về Côn Sơn" (khách dập dìu thu đi trẩy hội), "Trẩy chùa Hương" ( Áo khăn ta lại trẩy chùa Hương), và cùng với "Quan họ về" (Mạn thuyền ai đứng ai ngồi với nhau)... Nhưng tôi tin, không ở đâu như ở "Lễ hội cầu ngư" này, chị lại có được "Xôn xao ngực biển nồng nàn". Bởi, những lễ hội khác, chị là khách thể trữ tình, còn ở đây, chị là một chủ thể trữ tình.

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đào Quý Thạnh  (08/06/2003)
Thông gia đọ giàu  (06/06/2003)
Em là thế !  (05/06/2003)
Bắt đầu từ màu xanh  (05/06/2003)
Sương khói Tây Hồ  (04/06/2003)
Dáng đi Bình Định  (03/06/2003)
Dưới núi Huỳnh Mai, nghĩ về Đào Tấn  (03/06/2003)
Tôn vinh cây lúa - một tín ngưỡng của nền văn minh lúa nước Việt Nam  (02/06/2003)
Mỏng manh  (01/06/2003)
Ở Kontum nghe ca dao Bình Định  (01/06/2003)
Lá thị xanh lâu  (30/05/2003)
Dùng nghệ thuật tuồng làm vũ khí đánh địch  (30/05/2003)
Những vì sao mơ ước  (29/05/2003)
Có một triết lý Trà đạo  (28/05/2003)
Cõi Phật trong thơ Đào Tấn  (27/05/2003)